Nguyên nhân của chất lượng văn hóa chưa cao và chưa thu hút được khách du lịch




          Hàng năm Việt Nam đón tiếp hàng triệu lượt du khách nước ngoài đây là cơ hội lớn để sản phẩm lưu niệm trong nước đến với bạn bè thế giới. Thường thì du khách đến với vùng đất mới đều muốn mua sắm những sản phẩm đặc trưng của nơi đó về làm kỷ niệm. Tuy nhiên du khách đến tham quan tại Việt Nam rất ít mua sản phẩm lưu niệm vì sản phẩm lưu niệm ở Việt Nam không có chỗ đứng trên thị trường do thiếu tính đặc trưng của đất nước và điểm du lịch. Sản phẩm lưu niệm ở Việt Nam mang tính lặp lại ở các điểm du lịch khác nhau, đi đến lễ hội hay điểm tham quan nào bạn cũng có thể thấy vẫn là nhũng chiếc áo sườn xám theo kiểu dáng Trung Quốc, những chiếc sáo hay những chiếc vòng tay bằng dây da…Các mặt hàng này không thể gọi là đặc trưng của điểm du các điểm du lịch đó.
          Phú Thọ nói chung và khu di tích lịch sử đền Hùng nói riêng cũng vậy, khi du khách đến với nơi đây cũng chỉ thấy những sản phẩm mà đâu đâu cũng bày bán chứ không thấy có sản phẩm đặc trưng để mua làm quà. Sau đây chúng tôi xin đề cập một số nguyên nhân dẫn đến chất lượng văn hóa chưa cao và chưa thu hút được khách du lịch của sản phẩm lưu niệm tại khu di tích lịch sử đền Hùng.
1. Nguyên nhân từ góc độ nhà quản lí
          Xu hướng chung của các nhà quản lí tại các điểm du lịch hiện nay là chưa có chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh đồng bộ cho các cơ sở sản xuất sản phẩm lưu niệm, chưa đưa ra các chương trình khuyến khích nghệ nhân làm ra sản phẩm có chất lượng văn hóa, mang tính đặc trưng của đất Tổ, chưa tập trung quản lý tốt các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm để cho mỗi cửa hàng bày bán một kiểu không theo hệ thống cùng một sản phẩm, một mẫu mã, một chất lượng nhưng giá cả mỗi cửa hàng lại khác nhau. Không thống nhất được giá cả giữa ngày lễ và ngày hội, không quản lí được giá bán của các cửa hàng để mặc cho họ tùy ý bán và “chặt chém” du khách với cái giá cắt cổ. Với những thiếu sót từ khẩu quản lí đã cho chúng ta thấy mặc dù chất lượng sản phẩm kém, không mang tính đặc trưng nhưng lại bán với giá cao nên đã không thu hút được du khách.
2. Nguyên nhân từ góc độ các đơn vị sản xuất kinh doanh
          Về phía đơn vị sản xuất kinh doanh thì các sản phẩm được sản xuất ra chưa đảm bảo được tính đặc trưng của đất Tổ vua Hùng, trong sản phẩm chưa có sự sáng tạo độc đáo, chưa tạo ra được lô gô gắn với mô hình thu nhỏ của đền Hùng, chưa phát huy được hết khả năng vốn có của nghệ nhân, chất lượng của nguyên liệu làm ra sản phẩm thì kém không đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Hầu hết các sản phẩm đều là hàng kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm lưu niệm tại nơi đây còn chưa được các nhà sản xuất kinh doanh thể hiện đậm nét những đặc trưng văn hóa vốn có của đất Tổ linh thiêng với truyền thuyết thời kì Hùng Vương kéo dài mấy nghìn năm lịch sử. Các đơn vị sản xuất kinh doanh chưa có chiến lược phát triển bền vững các sản phẩm lưu niệm vì họ chưa nhận thấy tiềm năng kinh tế của nó nên đã không tạo ra được ấn tượng lâu dài, họ chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt đã không lấy sản phẩm có chất lượng mà chủ yếu nhập hàng từ Trung Quốc với giá rẻ về bán với giá của sản phẩm có chất lượng. Chính vì thế mà sản phẩm lưu niệm tại đền Hùng đã không tạo được ấn tượng tốt đối với du khách đặc biệt là du khách nước ngoài.
3. Nguyên nhân của tính chất mùa vụ tại khu di tích lịch sử đền Hùng
          Đền Hùng cũng như các điểm du lịch văn hóa, lịch sử khác trong cả nước đều mang một đặc điểm chung chính là phải chịu sự tác động tiêu cực của tính thời vụ. Đây là một đặc tính nổi bật của loại hình du lịch lễ hội khi du khách thường chỉ tập chung vào mùa lễ hội để cầu mong sự may mắn và sức khỏe trong năm. Đối với đền Hùng thì nơi đây còn mang một ý nghĩa đặc biệt hơn, du khách đi lễ không chỉ mong những điều thuận lợi, tốt đẹp cho bản thân mà họ còn đến đây với tấm lòng của một người con trở về với cội nguồn để bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên. Ý nghĩa này vừa mang lại ưu thế nhưng đồng thời cũng là hạn chế lớn cho sự khai thác du lịch tại đây, khi tạo ra thực trạng mất cân đối giữa mùa du lịch và mùa chết giữa các tháng trước và sau lễ hội, làm lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả kinh doanh đặc biệt là các mặt hàng dịch vụ.
          Với tình trạng du khách chỉ tập trung vào những tháng cao điểm của lễ hội dẫn đến tình trạng “chặt chém” du khách khi mua hàng với giá thành cao mà chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ thì kém. Đây là điều mà bất kì ai khi đi du lịch cũng thấy được điều đó, vì các chủ cửa hàng đã lợi dụng những ngày lễ hội để bán những sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch nhằm thu lợi nhuận kinh tế cao.
Đề suất giải giáp nâng cao chất lượng văn hóa của sản phẩm lưu niệm để thu hút khách du lịch tại khu di tích lịch sử đền Hùng
1. Giải pháp nâng cao nhận thức về ý nghĩa văn hóa của các sản phẩm lưu niệm
          Đối với các nhà quản lí cần có các trương trình nâng cao chất lượng phục vụ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức về các gía trị văn hóa của đất tổ Hùng Vương từ xa xưa, để từ đó các nhà quản lí có cái nhìn đúng đắn hơn về chất lượng du lịch của đền Hùng, đặc biệt là đối với sản phẩm lưu niệm. Qua đó có chiến lược phát triển du lịch nói chung và sản phẩm lưu niệm nói riêng tương xứng với tiềm năng sẵn có của đền Hùng.
          Đối với đơn vị sản xuất kinh doanh thì các nhà quản lí cần thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa của đất tổ. Để từ đó các đơn vị sản xuất kinh doanh phát huy khả năng sáng tạo của mình trong các sản phẩm lưu niệm để sản phẩm lưu niệm nơi đây mang đặc trưng riêng của đất tổ vua Hùng.
          Đối với du khách cán bộ quản lí đặc biệt là hướng dẫn viên du lịch có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho du khách những thông tin để nâng cao sự hiểu biết của du khách về đền Hùng và các sản phẩm mang dấu ấn của đất tổ mà không một nơi nào có được.
          2. Giải pháp xây dựng hệ thống sản phẩm        
          Sản phẩm lưu niệm có chất lượng văn hóa có nghĩa là nó phải đảm bảo được tính đặc trưng của vùng miền, sản phẩm phải có sự sáng tạo độc đáo, chất liệu sản phẩm phải an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, sản phẩm lưu niệm còn phải thể hiện đậm nét về di tích lịch sử, văn hóa, có in hình lô- gô gắn với mô hình thu nhỏ của điểm du lịch đó.
          Để có thể xây dựng được các sản phẩm lưu niệm với tiêu chuẩn trên chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng chất lượng văn hóa trong sản phẩm để thu hút khách du lịch.
- Đối với sản phẩm hiện có:
+ Đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ sản phẩm lưu niệm hiện đang được cung cấp phục vụ du khách thông qua đánh giá sự hài lòng của du khách về sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho đầu tư phát triển loại sản phẩm đó thông qua một số tiêu chí như: chất lượng, giá cả, mẫu mã,hình dáng sản phẩm, thái độ phục vụ, mức độ quan tâm của du khách đối với sản phẩm.
+ Phân loại sản phẩm lưu niệm đặc trưng của đất tổ, định vị sản phẩm chủ lực, sản phẩm bổ xung, sản phẩm thay thế để làm căn cứ phân bố nguồn lực đầu tư hợp lí, hỗ trợ công tác quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư nhằm khai thác tối đa hiệu quả nguồn lực.
+ Củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm lưu niệm đặc trưng để trở thành sản phẩm độc quyền của đền Hùng, trở thành hàng Việt Nam chất lượng cao đảm bảo lơi thế cạnh tranh với sản phẩm lưu niệm của các điểm du lịch khác ở trong nước cũng như trên thế giới.
- Thiết kế sản phẩm mới:
+ Khái niệm thiết kế:
Theo George Cox, trưởng khoa đồ họa, trường đại học Luân Đôn: “Thiết kế là những gì liên kết sự sáng tạo và đổi mới. Nó định hình các ý tưởng để trở thành đề xuất thực tiễn và hấp dẫn người dùng hoặc khách hàng. Thiết kế có thể được mô tả như sự triển khai sáng tạo đến một mục đích cụ thể nào đó”
          + Thiết kế sản phẩm
          Tổ chức các cuộc thi đưa ra ý tưởng phát triển sản phẩm lưu niệm để lựa chọn danh mục sản phẩm lưu niệm tiềm năng, ý tưởng đưa ra phải có chất lượng, độc đáo, sáng tạo.
          Phú Thọ hiện đang sở hữu một kho tàng về truyền thuyết thời kì Hùng Vương hết sức đặc sắc, đây chính là giải độc đáo cho việc thiết kế và phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những chiếc móc khóa nhỏ xinh hay những chiếc áo phông với hình ảnh của Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thủy Tinh hay những chiếc trống đồng…
          Xây dựng các khu sản xuất sản phẩm lưu niệm ngay tại khu di tích lịch sử đền Hùng để du khách vừa có thể tham quan vừa có thể mua sắm.
          Không nhập hàng lưu niệm từ Trung Quốc, Thái Lan…vào mà phải tự sản xuất ra sản phẩm mang tính đặc trưng lịch sử, văn hóa về con người và thiên nhiên  vùng đất tổ nhằm gây ấn tượng tốt cho du khách quốc tế.
3. Giải pháp về khu trưng bày và bán sản phẩm
          Quy định giá bán cho từng sản phẩm để người sản xuất, người bán, người mua đều có lợi.
          Sản phẩm lưu niệm không chỉ cần phải có chất lượng văn hóa mà còn phải đẹp về bao bì, mẫu mã để du khách cò thể lựa chọn để làm quà cho gia đình, bạn bè và người thân. Nơi trưng bày và bán sản phẩm phải đẹp và bắt mắt để gây ấn tượng với du khách ngay từ đầu.
Đội ngũ nhân viên bán hàng lưu niệm nên mặc đồng phục đặc trưng để tạo ấn tượng tốt đến du khách. Bên cạnh đó, đội ngũ này cần phải nhanh nhẹn, tháo vát, thông minh và có kiến thức sâu rộng về văn hóa đất tổ để giới thiệu và làm cho du khách thích thú khi mua hàng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"