Biệt ly trong thơ Đường


1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.1. Thời đại nhà Đường đã đi qua hơn 1000 năm, lịch sử nhân loại đã bước những bước tiến dài về sự phát triển nhưng có một điều không thay đổi trong tâm thức những ai đã từng biết về dân tộc Trung Hoa, ấy là lòng ngưỡng mộ về một thời đại đã sản sinh ra nền thi ca vĩ đại đã trường tồn cùng năm tháng trong lòng người – Thơ Đường.
Với hơn 48.900 bài thơ của hơn 2.200 nhà thơ (Theo “Toàn Đường Thi”) thơ Đường vĩ đại cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy nó được coi như “đỉnh cao của ngôn ngữ văn minh nhân loại” (Almanach – Những nền văn minh thế giới). Thơ Đường là một di sản quý giá của nền văn hoá - văn học nhân loại. Thưởng thức và cảm nhận thơ Đường là thưởng thức một vườn hoa đa hương sắc, một “mảnh đất quen mà lạ” (Nguyễn Khắc Phi), ấy cũng là một tiếng lòng tri âm đối với di sản phi vật thể này của nhân loại.
1.2. Là nước đồng chủng đồng văn với Trung Quốc, Việt Nam có một nền thi ca trung đại chịu ảnh hưởng sâu sắc thơ Đường. Một mặt, đó là một sự ảnh hưởng về hình thức như: thể loại, ngôn ngữ, bút pháp nghệ thuật…, một mặt là sự tiếp biến về nội dung: tư tưởng nghệ thuật, “chất” Đường thi, “hồn” Đường thi, mà khi tìm hiểu và cảm nhận thơ ca trung đại của dân tộc mình ta không thể không đọc Đường thi. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Đạm thật xác đáng khi nhận định “…Không có một nhà thơ lớn nào lại không mang một món nợ tâm hồn ít nhiều sâu nặng đối với thơ Đường…” (Thơ Đường ở trường phổ thông).
    Mặt khác, thơ Đường còn là một mảng quan trọng trong chương trình văn học ở trường phổ thông. Vì vậy tìm hiểu và nghiên cứu thơ Đường sẽ có ý nghĩa to lớn và thiết thực trong công tác giảng dạy của chúng tôi.
1.3. Là một tài sản vô giá, thơ Đường mang trong mình nhiều giá trị cả về nội dung và nghệ thuật. Chúng ta đến với thơ Đường là tìm về thế giới tâm thức của người Trung Hoa thâm trầm, ý vị. Qua thế giới nghệ thuật ấy người đọc tìm thấy ở đây một thế giới với những nỗi niềm tâm sự riêng tây, những quan niệm của cá nhân về hoàn cảnh, số phận cuộc đời…nhưng chính nó lại là lời muốn nói trong sâu thẳm cõi lòng của biết bao nhiêu người trong cõi nhân thế.
    Có thể nói “Biệt li” là một vấn đề lớn được đề cập trong Đường thi. Ta chợt nhận ra rằng trong số “nghìn nhà thơ” ấy ai cũng ít nhất một lần ngậm ngùi làm khách biệt li…Có lẽ chưa bao giờ và ở đâu cái lẽ Vô thường lại thành nỗi ám ảnh ghê gớm như trong Thơ Đường, mà vấn đề li-hợp lại là một trong những biểu hiện của nó. Chính vì vậy nghiên cứu đề tài “Biệt li trong thơ Đường” là thêm một lần ta hiểu sâu sắc hơn thời đại Đường và những giá trị đặc trưng của thơ ca thời đại này cả về phương diện nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật thể hiện.
    Những công trình nghiên cứu về thơ Đường vô cùng đồ sộ. Đến với đề tài “Biệt li trong thơ Đường” chúng tôi muốn góp thêm  một cái nhìn mang tính bao quát tương đối trước một biến cố đời người được biểu hiện là một đề tài lớn của thơ Đường.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
    Thực hiện đề tài này, chúng tôi cố gắng hướng tới những mục đích sau :
      * Biệt li và nỗi niềm của con người trong từng hoàn cảnh cụ thể.
      * Tìm hiểu biệt li qua từng phương thức, phương tiện nghệ thuật thể hiện.
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
3.1. Là đỉnh cao của thơ ca cổ điển Trung Quốc, là tinh hoa văn hoá của nhân loại nên xứng đáng với tầm vóc của nó, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Nghiên cứu thơ Đường trên lĩnh vực thi pháp học có các công trình nghiên cứu của F.Cheng, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Thị Bích Hải…Nghiên cứu thơ Đường trong lịch trình phát triển của nó có cuốn “Lịch sử văn học Trung Quốc” (Tập 1) – Sở nghiên cứu văn học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Nghiên cứu về tác giả có những công trình nghiên cứu của Phạm Hải Anh, Hồ Sĩ Hiệp…, nghiên cứu về thể loại có công trình của Nguyễn Sĩ Đại “Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt đời Đường”.
    Lại có những công trình nghiên cứu thơ Đường từ góc độ môtíp nghệ thuật như các khoá luận tốt nghiệp “Hình tượng chim nhạn trong Thơ Đường” của Phạm Bá Quyết; “Môtíp thời gian trong thơ Đường” của Hồ Thị Thuý Ngọc; “Quan niệm vô thường trong Đường Thi” của Nghiêm Thị Thu Nga; “Mưa trong thơ Đường” của Đinh thị Hương.
    Hay còn rất nhiều những bài báo, tạp chí nghiên cứu về thơ Đường như “Thử tìm hiểu tứ thơ của Thơ Đường” của Nhữ Thành; “ý cảnh nghệ thuật trong thơ cổ Trung Quốc” của Trần Lê Bảo; “Nghiên cứu giảng dạy văn học Trung Quốc từ mã văn hoá” của Trần Lê Bảo.
    3.2. Tiến hành nghiên cứu đề tài “Biệt li trong thơ Đường”, chúng tôi đã tiếp xúc được những nhận xét hết sức tinh tế, quý báu.
    3.2.1 Tác giả Lê Đức Niệm trong cuốn “Diện mạo thơ Đường” khẳng định “Cảm hứng vũ trụ vô hạn với sự vật hữu hạn, cái bất biến và cái biến đổi giao thoa để nói lên một triết lí vạn vật biến đổi…”.
    Tác giả đã khẳng định tính vô thường hiện hữu ở tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Đó là cái nhìn có chiều sâu đầy tính biện chứng về quy luật biến đổi của vạn vật. Nhận định này đã gợi ý cho chúng tôi rất nhiều trong cách tiếp cận vấn đề li biệt.
    3.2.2 Miên Trinh trong lời đề tựa cho tập thơ “Tĩnh Phố” (1875) của mình đã viết “Người đối với thơ như núi có khí lam, sông có sóng gợn, chim có tiếng hót, hoa có hương thơm, đều vì trong lòng xao động mà phát ra thanh âm. Xúc động vì buồn thương khi âm thanh bi thảm, mừng rỡ vì thanh âm nồng đượm, vui sướng vì thanh âm quá mức, tức giận vì thanh âm mạnh mẽ. Vì vậy cái quý nhất của thơ ca là động”.
    Ở đây Miên Trinh đã khẳng định cái “động” là phương tiện để biểu hiện “tĩnh” trong thơ. Lấy “động” tả “tĩnh” hay lấy “tĩnh” tả “động”vốn là biện pháp nghệ thuật được coi là khả thủ trong thế giới Đường Thi. Ta cũng có thể hiểu những hành động được biểu hiện ra bên ngoài đều do những chấn động trong lòng con người mà ra.
    3.3.3 Nguyễn Hữu Thì khi nghiên cứu vấn đề “Biệt li qua thi ca Việt Nam” đã nhận định: “Biệt li là một trạng thái “động” của tình thương yêu. Nếu không yêu mến sao có thể thương nhớ lúc xa nhau? Li cách xảy ra như một biến cố trong tình yêu phẳng lặng, đôi khi trầm tĩnh nữa, đó là những đốm vải nổi lên trên khổ vải của người dệt cửi, những gợn sóng nhô lên trên mặt nước”.
     Cách nhìn trên đã biểu hiện sự tinh tế và sắc sảo khi tác giả cảm nhận sâu sắc tình cảm của con người lúc biệt li đó là những rung động thật nhất, thẳm sâu nhất của những người có tình với nhau. Sự khẳng định cái “động” trong li biệt hay chính là tình cảm yêu thương.
    3.3.4 Công trình nghiên cứu “Đặc trưng thơ tứ tuyệt đời Đường” của Nguyễn Sĩ Đại đã khái quát “Trước thơ Đường thơ ca Trung Quốc có hàng ngàn năm phát triển, tích luỹ các tượng trưng. Phù dung (sen) – sự thanh bạch, Tùng, bách – cứng cỏi vĩnh cửu, Thuỷ đông lưu – sự trôi chảy của thời gian, Dương liễu – sự biệt li, Hồng trần – cõi đời hư ảo, bạc ác của vinh danh, Phù vân – sự vô nghĩa, tan vỡ của cuộc sống, Yến, nhạn – người đưa tin hoặc biệt li”.
    3.3.5 Rất gần trong cái nhìn trong đề tài nghiên cứu của chúng tôi, Luận văn tốt nghiệp đại học của Nghiêm Thị Thu Nga (2004) “Quan niệm vô thường trong Đường Thi” đã tổng kết: “Nối tiếp dòng mạch tâm thức văn hoá truyền thống của người Trung Hoa thâm trầm, vi tế lại sinh trưởng trong thời đại nhà Đường nhiều biến động. Hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” dẫn đến sự gặp gỡ giao thoa về thế giới quan, xã hội đầy biến thiên, thay triều đổi chợ, chiến tranh loạn lạc, thêm vào đó là sự trải nghiệm cuộc đời thăng trầm của chính bản thân… các thi nhân rất nhạy cảm với lẽ biến – suy – mất – còn, sống – chết, tụ – tán…”
Luận văn đã gợi ý cho chúng tôi rất nhiều căn nguyên của vấn đề biệt li.
4. PHẠM VI  NGHIÊN CỨU
     Với vốn hiểu biết còn hạn chế về chữ Hán, chúng tôi tìm hiểu thơ Đường chủ yếu qua các bản dịch sang tiếng Việt.
Khi tiến hành nghiên cứu đề tài, chúng tôi khảo sát chủ yếu ở hai tập “Thơ Đường” của Nam Trân (Tuyển và giới thiệu)- NXB Văn học, H1987 là chủ yếu.
Ngoài ra còn tham khảo một số bài trong cuốn “Đường Thi” của Trần Trọng Kim, NXB Hội nhà văn, H 2003.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
  Trong luận văn này chúng tôi có sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
* Phương pháp thống kê, phân loại.
* Phương pháp phân tích.
* Phương pháp so sánh.
* Phương pháp liên ngành (văn hoá, triết học, tôn giáo,…).
6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN
    Ngoài phần mở đầu, kết luận, luận văn được chia làm ba chương
* Chương 1: Biệt li trong tâm thức, văn hoá của người Trung Hoa
* Chương 2: Các loại hình biệt li trong thơ Đường
* Chương 3: Các phương thức thể hiện biệt li trong thơ Đường.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"