GIỚI THUYẾT KHÁI NIỆM BIỆT LY


      1.1.1 Góc độ ngôn ngữ 
* Theo cuốn “Tầm nguyên từ điển” của tác giả Bửu Kế, NXB TPHCM năm 1993 trang 64 thì :
    + Biệt (        ) : Chia ra, riêng ra
    + Li    (        ) : Lìa
Nghĩa là từ giã một người nào đó để đi.
* “Đại từ điển Tiếng Việt”, Nguyễn Như Ý (chủ biên), NXB Văn hoá - Thông tin, 1998, trang 163 :
Biệt li – là xa cách, chia lìa nhau. Biệt li mỗi người mỗi ngả.
* “Từ điển Tiếng Việt” Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng 2002 trang 66 : Biệt li – Chia lìa nhau, xa cách nhau hẳn.
    Tuy nhiên, các khái niệm trên đều chỉ sự rời xa, chia lìa, nhưng tính chất bao quát của vấn đề vô cùng rộng có khi chỉ sự chia li giữa người với người nhưng cũng có khi là sự chia li giữa con người với không gian sống (quê hương, đất nước). Có thể nhận thấy phạm trù này không chỉ là một biến cố của đời người mà còn là một hiện tượng mang tính quy luật sống của vạn vật: có sinh thì có diệt, có tụ thì có tán, có hợp ắt có tan. Cái vòng sinh – trụ – dị – diệt của vạn vật hay của đời người: sinh – lão – bệnh – tử là một lẽ tất yếu trong vạn vật hữu sinh, con người hay bất cứ một sức mạnh nào đi nữa đều bất khả kháng trước quy luật tất yếu mà nghiệt ngã đó.
    Vì lẽ trên xung quanh vấn đề li biệt chúng tôi thấy có rất nhiều cách gọi khái niệm này, tuỳ vào đối tượng các hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên hay con người được nói tới cũng như tính chất, mức độ của sự chia biệt ta bắt gặp các khái niệm tương ứng như chia tay, chia lìa, li cách… và các cặp từ trái nghĩa: li – hợp, tụ – tán, hợp – tan.
    Bản thân khái niệm biệt li bao hàm tương đối tính chất, mức độ của sự xa cách. Có thể mang tính chất về sự rời xa tạm thời, có kì hạn, với thiên nhiên: trăng tròn để rồi khuyết, xuân đi xuân lại về và con người là sự li,  hợp. Nhưng có khi là cả sự vĩnh viễn “sinh li tử biệt”.
   1.1.2 Biệt li – góc độ tôn giáo 
          Gurêvích trong cuốn “Các phạm trù văn hoá Trung Cổ” đã khẳng định: “Muốn hiểu được cuộc sống hành vi và văn hoá của người Trung cổ, điều quan trọng là phục chế lại những quan niệm và giá trị của nó”.
    Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc Trung Hoa dễ dàng nhận thấy đó là lịch sử ra đời và phát triển của rất nhiều hệ tư tưởng khác nhau, cũng chính các hệ tư tưởng ấy đã có sự tác động trở lại to lớn, chi phối và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần và con đường phát triển của dân tộc này, tạo nên một nền văn minh hoành tráng, đặc sắc và rực rỡ sắc màu khiến cho nhân loại muôn đời luôn khao khát tìm cách lí giải và khám phá.
    Trong suốt quá trình phát triển, dân tộc Trung Hoa đã chịu chi phối, ảnh hưởng của rất nhiều hệ tư tưởng khác nhau trong đó có ba hệ tư tưởng chính là Nho - Đạo – Phật, có những lúc ba hệ tư tưởng này cùng tồn tại, song song phát triển và có địa vị như nhau trong đời sống tinh thần của xã hội, hiện tượng này phát triển trong xã hội thời Đường mà lịch sử gọi là thể chế “Tam giáo đồng nguyên”, giữa chúng vẫn có điểm giao thoa, có sự tương đồng gặp gỡ đó là: cùng nhìn cuộc sống đầy tính biện chứng, nhìn nhận cuộc sống trong sự vận động, biến hoá không ngừng. Tất nhiên quan niệm này tuỳ vào mỗi tôn giáo mà có những cách lí giải. Có khi nó được biểu hiện ở thuyết “Âm-dương ngũ hành” của Nho giáo, có khi lại được thể hiện trong quan niệm về “Đạo” của Đạo giáo và đặc biệt sâu sắc trong thuyết “Sắc không” của Phật giáo.
    * Trước hết trong Dịch học, Nho giáo đã thuyết minh lý biến hoá cùng thông của vũ trụ, vận hội thịnh – suy ở xã hội nhân quần, sự liên lạc tương quan giữa loài người và vạn vật. Nó là triết lí về vũ trụ và nhân sinh hay là một phương pháp nhận thức áp dụng vào sự hành động nhằm mục đích theo sát đúng mực với định luật của tự nhiên để tiến hoá, hoà đồng với cuộc vận động chung của toàn thể.
    Khổng Tử nói ở Hệ từ “Dịch dữ thiên địa chuẩn, cố năng di luân thiên địa chi đạo, ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lí, thi cố tri u minh chi cố, nguyên thuỷ phản chung, cố chi tử sinh chi thuyết, tinh khí vi vật, du hồn di biến, thi cố tri quỷ thần tình trạng”. Dịch là định lí của trời đất vạn vật cho nên có thể hệ thống hoá cách thức vận hành, tiến triển của vũ trụ, ngẩng lên nhìn hình tượng tinh tú ở trên trời, cúi xuống xét lí lẽ của sinh vật trên mặt đất, cho nên biết tối là nguyên nhân của sáng, cái chung kết lại trở về cái nguyên thuỷ, cho nên biết được cái lí lẽ của sự sống chết…[dẫn theo 31].
    Dịch lí quan niệm vũ trụ vận động, biến hoá theo luật Âm dương mâu thuẫn, khi thì tiệm tiến, khi thì bột tiến, khi thì phát hiện ra ngoài, khi thì tiềm ẩn vào trong, ví như cây cỏ bốn mùa: mùa xuân thì nảy lộc nở hoa, mùa hạ thì cành tươi quả tốt, mùa thu lá vàng quả chín, mùa đông lá rụng cành trơ, thoái – tàng – sinh – khí vào trong, nuôi sức để sang xuân phát triển.
    Âm, dương là phù hiệu tương đối của lẽ biến dịch sự vật, nó là hai tính của một vật… vạn vật không có cái gì thuần âm cũng không có cái gì thuần dương, cái này bề ngoài là âm thì đã có cái dương ở trong, cái kia bề ngoài là dương thì đã có cái âm ở trong, chờ cơ hội để phát triển, khí âm và khí dương trong vạn vật thôi thúc lẫn nhau, khi nào khí âm tiến đến cực độ thì nó thành khí dương và khí dương tiến triển đến cực độ thì lại phản hồi về âm cho nên có cái lúc thì dương thịnh, có cái lúc thì âm thịnh. Hai khí dương, âm không bao giờ rời nhau được, nó hỗ tương, hấp dẫn thôi thúc cùng nhau. Âm tĩnh thuộc về thể chất, dương động thuộc về tinh thần, âm thuộc về giống cái, dương thuộc về giống đực, âm có tính nhu, dương có tính cương, dương có khuynh hướng tiến thủ vì tính chất khinh – thanh, âm có tính chất bảo thủ vì tính chất trọng – trọc. Nó hiện ra luôn luôn tương đối vận động theo quy luật vãng lai tuần hoàn. Nó là hai cực đoan trong sự biến động, đùn đẩy, thừa trừ lẫn nhau mà thành dịch hoá sinh ra các hiện tượng trong thế giới. Sự vật thiên biến vạn hoá, bầy ra biết bao sự trái ngược, biết bao trạng thái sai biệt, không có cái gì đứng yên một chỗ, không có cái gì giữ mãi một thể, hết ngày lại đêm, hết mưa lại nắng, hết nóng lại lạnh, hết thịnh lại suy, hợp tan – tan hợp, sinh tử- tử sinh… đương ở thể này bỗng đổi thành thể khác chuyển di trôi chảy không lúc nào ngừng.
    * Còn Đạo giáo mọi quan niệm trong triết học của trường phái này đều bắt đầu và có cơ sở từ một quan niệm nền tảng, đó là quan niệm về Đạo. Vậy Đạo là gì?
    Trang Tử đã nói về Đạo như sau: “Đạo có thực và tồn tại, nhưng “vô vi” mà không có hình trạng. Có thể truyền nó được nhưng không tiếp nhận nó được, hiểu nó được mà không thấy nó được. Nó là tự gốc của nó, trước khi có trời đất đã có nó rồi. Nó tạo ra quỷ thần, thượng đế, nó sinh ra trời đất. Nó ở trên thái cực mà không cao, ở dưới lục cực mà không sâu, có trước trời đất mà không phải là trường cửu, có trước thời thượng cổ mà không phải là già”. [Dẫn theo 23:40].
    Quan niệm về Đạo của Trang Tử đã thấm sâu vào tất cả những quan điểm khác và đặc biệt thể hiện rõ trong quan niệm của ông về nhận thức, ông cho rằng con người cũng chỉ là một phần tử của Đạo, tồn tại hữu hạn nên không thể hiểu được cái vô hạn, toàn thể tức là Đạo.
    Theo Trang Tử: Đạo là cái tông sinh ra muôn vật nhưng Đức lại khiến cho mỗi vật có cơ sở năng riêng không lặp lại ở bất kỳ vật nào, tự nhiên mà có. Theo ông, chỉ có Đạo là tồn tại vĩnh viễn, toàn mãn, không tăng, không giảm, không sinh, không diệt, còn vạn vật được nuôi dưỡng chỉ là biểu hiện của Đạo, tồn tại hữu hạn, có thành có hoại, có sinh có tử. Trong “Thiên thu thuỷ” ông khẳng định: “Phàm vật sinh ra như rong như ruổi, không có cử động nào mà không biến thiên, không có giờ phút nào mà không rời đổi…”. Để rồi từ đó ông khẳng định: “Vật số không cùng,thời giờ không dừng, số phận không thường, trước sau không cớ”.
    Biến hoá không phải là sự đấu tranh của mâu thuẫn trong khái niệm vận động mà chúng ta đề cập trong học thuyết Trang Tử, nó chỉ là những dời đổi lẫn nhau, không lúc nào không động mà thôi. Cái “hình” trong sự biến hoá có tính chất “vô thường” là giả tượng, cho nên biến hoá là sự “biến trống rỗng và không thực tế”, hoặc là sự di động của cái “biến hoặc cái ảo”. Trang Tử quan niệm “Sống – chết, còn – mất, cùng - đạt, giàu - nghèo, khen – chê … đó là cái lẽ biến đổi của sự vật, con đường đi của số mệnh (“Đức sưng phù”)”. [Dẫn theo 42:132].
    Có thể thấy quan niệm về đời người của Trang Tử cũng chỉ là sự biến hoá của Đạo, con người “sinh ra là ứng với thời, chết đi là thuận với lẽ trời” (Nam Hoa Kinh). Sự sinh tử của kiếp người cũng chỉ là hình thức, là sự hiện hữu tạm thời, tương đối của sự sống. Vạn vật lúc nào cũng dời đổi, mau như ngựa chạy và kiếp người cũng mau như bóng câu qua khe cửa hoặc ngắn ngủi như một giấc mộng mà thôi.
    * Và Phật giáo, tồn tại và phát triển trên một đất nước đã sản sinh ra những học thuyết lớn như Nho, Đạo, Phật giáo và được coi là “Học thuyết ngoại quốc duy nhất có ảnh hưởng quan trọng ở Trung Quốc” [6:63]. Sở dĩ Phật giáo đứng vững ở Trung Quốc là bởi tư tưởng triết học “không” của Phật giáo rất gần với “Vô” của Đạo gia, với “Trung đạo quán” và luân lí đạo đức “Đại từ đại bi” của Phật cũng gần với “Trung dung chi đạo”, “Nhân nghĩa chi đức” của Nho gia. Vì thế Phật giáo nhanh chóng hoà nhập với tư tưởng của Nho, Đạo của Trung Quốc và phát triển thành Phật giáo Trung Quốc.
    Cũng như hai học thuyết trên, nhà Phật cũng khẳng định sự biến đổi vô thường của cuộc sống, sự hữu hạn của đời người…
    Nhà Phật với luận thuyết Vô thường là một trong ba chủ thuyết “Tam pháp ấn”, trong giáo lý cơ bản của Tiểu thừa về phương diện nhận thức.
    -  “Vô” (        ) có nghĩa là không, không có.
    -  “Thường (       ) có nghĩa là bình thường, lâu dài, là cái quy luật, lệ thường (“Thường” cũng có nghĩa là đúng đắn và có tính phổ biến).
    Vậy “Vô thường” là không thường còn, là chuyển biến, thay đổi” [3:64].
    Có thể thấy, thuyết Vô thường được nhà Phật chỉ ra là luật chi phối vũ trụ, vạn vật, thân và tâm ta. Phật giáo khẳng định: “Sự vật luôn luôn biến dịch, không có cái gì là thường trụ bất biến”, với ngũ quan thô thiển của ta ta lầm tưởng sự vật là yên tĩnh, là bất động nhưng thực ra nó luôn luôn ở thể động, nó chuyển biến không ngừng. Bất cứ một hình tượng nào trên cõi đời này đều phải trải qua chu kỳ “Sinh – trụ – dị – diệt” (Hay còn goi là Thành – Trụ – Hoại – Không). “Sinh” là nảy sinh ra, “Trụ” là tồn tại, phát triển trong một thời gian, “Dị” là biến đổi, “Diệt” là tiêu mất. Sinh – Trụ – Dị – Diệt là quy luật vô thường.
    Để minh chứng cho quy luật này, nhà Phật viện dẫn vòng đời của con người và thiên nhiên “Nhưng con người, lúc sơ sinh thì có thể gọi là “sinh”. Thời gian cần thiết để trưởng thành hình vóc, gọi là Trụ”. Rồi đến lúc lớn, già, suy yếu gọi là “Dị” và chấm dứt một chu kỳ của kiếp sống gọi là “Diệt”… cũng như bốn mùa của tự nhiên, mùa xuân cây cối đâm chồi nảy  lộc, rồi đơm bông kết trái ở mùa hạ…và thu đến thì úa tàn để qua đông rụng lá…”.
    Tất nhiên thời gian tồn tại (Trụ) của con người và vạn vật không giống nhau bởi đời người trăm năm là hạn, nhưng một hành tinh, một ngôi sao thì trụ có thể hàng triệu năm. Trong cây cỏ thiên nhiên cũng khác nhau nhiều, có loài cổ thụ sống đến ngàn năm, có loài chỉ trụ theo mùa vụ, đời phù dung thì sớm nở, tối tàn…Nhưng điểm chung giữa tất cả vạn vật trong vũ trụ bao la này: Tất cả mọi kiếp sống đều có thủy có chung, làm thành cái gọi là “Nhất kỳ vô thường”.
    Cái đặc biệt trong quan niệm vô thường của nhà Phật là người ta nhấn mạnh sự ngắn ngủi của thời kỳ trụ “ngắn hơn cả một nháy mắt, một hơi thở, một niệm, một sự chuyển biến vừa khởi lên đã vụt chấm dứt” đó gọi là “sátna  vô thường”.
    Cũng theo luật Vô thường, nhà Phật chỉ ra rằng “Không phải khi vạn vật sinh ra mới gọi là sinh, khi vạn vật diệt mới gọi là diệt, mà từng phút, từng giây, từng sátna, vạn vật đã sống để mà chết và chết để mà sống, trong sự sống có sự chết và trong sự chết có sự sống. Sự sống chết tiếp diễn liên tục với nhau bất tận như trên một vòng tròn” [3:65]. Hiểu theo Phật, chết không phải là hết, chết là điều kiện cho một cái sinh sắp tới. Do đó sinh chưa hẳn đã là mừng mà chết chưa hẳn đã là buồn.
    Vậy có thể khẳng định toàn bộ hệ thống giáo lí tôn giáo và học thuyết triết học lớn của Trung Hoa thời Đường đều có “mẫu số chung” trong quan niệm về triết lí nhân sinh, về lẽ biến dịch của vũ trụ và đời người, nhìn nhận cuộc sống trong thế vận động, biến đổi liên tục, vô thường. Từ đây có sự đối chứng với con người- một tiểu vũ trụ với đại vũ trụ rộng lớn. Đi giữa không – thời gian thường trụ, đời người sao ngắn ngủi, phù du. Sự được – mất, sang – hèn, li – hợp, sống – chết… rong ruổi dạo chơi ở cuộc đời trong nỗi bất lực của con  người, bởi có cái gì là thường trụ bất biến đâu. Ta cũng chợt nhận ra vì sao con người lại đặc biệt nhạy cảm với mọi sự đổi thay trong cuộc đời đến vậy: Một sắc lá vàng lìa cành, dòng nước trôi xuôi về nơi vô tận, một thanh âm vang lên khắc khoải đâu đó ở thời khắc đặc biệt của ngày, và những cuộc tiễn biệt, li cách trong đời người…Đó chẳng phải là lẽ hợp – tan sao! Với đời người biến cố không mong muốn ấy được gọi là chia li hay biệt li – chia tay, từ giã với những gì thân yêu nhất trong đời mỗi người. Và khi đối diện với biến cố biệt li lòng người không sao tránh khỏi nỗi thảng thốt và đau đớn về lẽ vô thường, biến dịch cũng như sự đắp đổi của các mặt đối lập trong nhau tạo nên cuộc sống đa sắc màu mà các tôn giáo và học thuyết triết học lớn Trung Hoa đã từng bàn tới. Hiện thực ấy đã ngấm sâu vào trong tâm thức con người Trung Hoa thời đại Đường làm nên nỗi “ám ảnh” đặc biệt cả trong nhân sinh quan và nghệ thuật khi nhìn nhận cuộc đời.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"