GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CỦA HỆ THỐNG LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ



1. Mở đầu
Là một vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ đang sở hữu một hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nằm trong dòng chảy mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Đất Tổ từ ngàn đời nay. Việc gìn giữ hệ thống di sản văn hóa truyền thống chính là một cách để nền văn hóa của dân tộc ta không bao giờ bị phai nhạt, lãng quên.
            Luật Di sản văn hoá nêu rõ: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”.
            Tuy vậy, Di sản văn hóa của Phú Thọ nói chung, thành phố Việt Trì nói riêng hiện nay đều có thực trạng là đang bị mai một và xuống cấp nghiêm trọng. Người dân thiếu ý thức tôn trọng, thậm chí còn tàn phá di sản. Bên cạnh đó, một vài địa phương có di sản văn hóa được xếp hạng thì lại tự tu bổ, sửa chữa tùy hứng, thậm chí tùy tiện, điều đó làm biến tướng di sản… Vấn đề giáo dục nhận diện di sản, tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về di sản trong cộng đồng nói chung, trong các trường học nói riêng cần được chúng ta quan tâm một cách nghiêm túc và toàn diện. Vấn đề là làm cách nào để nhận diện một cách chính xác những giá trị văn hóa, lịch sử khoa học của di sản để có hướng bảo tồn, phát huy phù hợp là một trăn trở lớn của các nhà giáo dục và văn hóa.
            Thực hiện đề tài này, chúng tôi hướng tới việc nhận diện và định vị giá trị cội nguồn của các di sản văn hóa trong hệ thống lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; từ đó, chúng tôi có những khuyến nghị khoa học và đề xuất các mô hình cụ thể nhằm gìn giữ và phát huy hơn nữa những giá trị to lớn của di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ.
2. Nội dung
2.1. Khái quát về hệ thống lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
2.1.1. Khái quát về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Việt Trì nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Phú Thọ, là thành phố du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, là kinh đô Văn Lang - kinh đô đầu tiên của người Việt và là cửa ngõ của vùng Tây Bắc Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 11.175,11ha, gồm 13 phường nội thị và 10 xã ngoại thị, dân số là 277.539 người (tính đến 31/12/2010); phía Đông giáp với huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc); phía Nam giáp huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), huyện Ba Vì (Hà Nội); phía Tây giáp huyện Lâm Thao; phía Bắc giáp huyện Phù Ninh.
Việt Trì là vùng đất nằm ở vị trí chuyển tiếp từ địa hình đồi núi sang điạ hình đồng bằng, đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng. Từ trung tâm thành phố nhìn về phía Tây Nam là núi Ba Vì, phía Đông Bắc là dãy núi Tam Đảo. Ở phía  Tây - Tây Bắc Thành phố là núi Nghĩa Lĩnh, nơi có đền thờ các vua Hùng. Thành phố Việt Trì nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có một mùa đông lạnh sâu sắc với trên ba tháng nhiệt độ xuống dưới 18 độ C, nét đặc trưng của miền Bắc Việt Nam.
Về mặt địa chất, đất đai ở Việt Trì thuộc vùng đất cổ có niên đại cách đây từ 50 đến 200 triệu năm. Theo tài liệu khảo cổ học cách ngày nay khoảng 2 vạn năm, ở đây đã có sự định cư của người Việt cổ.
Thành phố Việt Trì ngày nay - kinh đô cổ của quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước nằm trên một vùng rộng lớn từ ngã ba Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn là Hồng - Lô - Đà đến chân núi Nghĩa Lĩnh. Từ các xã ở tả ngạn sông Lô như Hùng Lô, Phượng Lâu, Trưng Vương đến các xã Thanh Đình, Chu Hoá (Lâm Thao) đều nằm trong phạm vi của kinh đô xưa của nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang.
Trên mảnh đất này đã hội tụ rất nhiều dấu tích vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình định đô dựng nước Văn Lang khai sinh, phát triển đất nước mà các vua Hùng là những người có công khai quốc.
Tất cả những đặc trưng văn hóa trên khẳng định tính chất cổ xưa và bề dày văn hóa của vùng đất Việt Trì. Đây có thể coi là tài nguyên nhân văn vô tận để thành phố Việt Trì nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung hoạch định những chính sách khai thác giá trị văn hóa nhằm phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi sinh kế cho người dân.
2.1.2. Thống kê, phân loại lễ hội ở thành phố Việt Trì
Lễ và hội là một thể thống nhất không thể chia tách. Lễ là phần tín ngưỡng, là phần thế giới tâm linh của con người, là phần đạo. Còn hội là phần tập hợp vui chơi giải trí, đời sống văn hoá thường nhật, phần đời của mỗi con người, của cộng đồng. Hội gắn liền với lễ và chịu sự quy định nhất định của lễ, có lễ mới có hội.
Lễ hội truyền thống ở Việt Trì có những đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất: lễ hội truyền thống ở đây đều gắn với tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh thời đại các vua Hùng.
Thứ hai: lễ hội truyền thống ở Việt Trì tái hiện và gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp của cư dân.
Thứ ba: lễ hội truyền thống ở Việt Trì chủ yếu được tổ chức vào mùa xuân.
Thứ tư: các lễ hội truyền thống ở Việt Trì đều gắn với di tích đình, đền, chùa. Có thể gọi các di tích gắn với lễ hội như phần hồn và phần xác, di tích là phần xác còn lễ hội là phần hồn.
Trong số các đặc trưng trên, đặc trưng thứ nhất là căn bản. Các lễ hội liên quan đến Hùng Vương chính là trung tâm hội tụ, lan tỏa và chi phối các lễ hội khác trên địa bàn Việt Trì. Có thể phân chia lễ hội truyền thống ở Việt Trì thành các nhóm cơ bản sau đây:
Bảng 1. Lễ hội gắn với Hùng Vương
STT
Lễ hội
Biểu hiện
1
Lễ hội Đền Hùng, xã Hy Cương
thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan.
2
Lễ hội đình Bảo Đà,
 phường Dữu Lâu
thờ Tam vị Đại Vương.
3
Lễ hội đình Dữu Lâu,
phường Dữu Lâu
thờ tướng lĩnh thời Hùng Vương và 5 vị thành hoàng có công giúp Hùng Vương thứ 18.
4
Lễ hội đình Hương Trầm,
phường Dữu Lâu
thờ 3 vị: Quý Minh đại vương, Quốc Mẫu thánh phi đại vương, Càn Nương Bảo Hoa công chúa.
5
Lễ hội đình Việt Trì,
phường Bến Gót
thờ các vua Hùng có công đánh giặc giữ nước.
6
Lễ hội làng Triệu Phú,
xã Hy Cương
thờ các vua Hùng, Tản Viên, công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung và 3 vị thần Núi.
7
Lễ hội làng Vân Luông,
xã Vân Phú
thờ các tướng nhà Hùng và Tản Viên.

Bảng 2. Lễ hội gắn với nông nghiệp trồng lúa nước
STT
Lễ hội
Biểu hiện
1
Lễ hội hạ điền, xã Hy Cương
lễ tế thần lúa.
2
Lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa, xã Minh Nông
diễn xướng dân gian vua Hùng dạy dân cấy lúa và lễ tế Thần Nông.
3
Lễ hội rước ông Khiu bà Khiu, xã Thanh Đình
nghi lễ cầu mùa.
4
Lễ hội đình Phú Nông, phường Minh Phương
chơi đu, rước thuyền.
5
Lễ hội đền Tam Giang, phường Bạch Hạc
cướp còn và nấu cơm thi.
6
Lễ hội đình Phương Châu, phường Minh Phương
chơi đu.
7
Lễ hội đi săn Thanh Đình, xã Thanh Đình
săn muông thú .

Bảng 3. Lễ hội gắn với lịch sử
STT
L hi
Ý nghĩa
1
Lễ hội đền Quách A Nương, phường Bạch Hạc
gắn với nữ tướng Quách A Nương giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán dành độc lập vào năm 40 – 42.
2
Lễ hội đền Thượng, xã Thụy Vân
gắn với nhân vật Lân Hổ, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên thế kỉ XIII.
3
Lễ hội bơi chải, phường Bạch Hạc
gắn với công cuộc rèn luyện thủy quân của Trần Nhật Duật thế kỉ XIII.
4
Lễ hội làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc
gắn với thờ vua Lê Đại Hành.



Bảng 4. Lễ hội hát Xoan
STT
Lễ hội
Các phường xoan gốc

1

Lễ hội hát Xoan xã Kim Đức
              làng Phù Đức
              làng Thét
              làng Kim Đái
2
Lễ hội hát xoan xã Phượng Lâu
              làng An Thái
Ngoài 4 nhóm lễ hội cơ bản trên, thành phố Việt Trì còn duy trì thường niên một số lễ hội tái hiện các phong tục tập quán của dân tộc. Tuy nhiên, số lượng các lễ hội này không nhiều. Một số lễ hội tiêu biểu ở Việt Trì như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội làng He (Cổ Tích, Vi Kiêng, Triệu Phú), Lễ hội làng Triệu Phú (xã Hy Cương), Lễ hội làng Vân Luông (xã Vân Phú)…
Hệ thống lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì rất phong phú và đa dạng. Các lễ hội ở đây tái hiện và gắn liền với sinh hoạt nông nghiệp của cư dân, cho thấy một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ. Bên cạnh đó các lễ hội trên còn gắn liền với các nhân vật lịch sử, với hát Xoan và phong tục tập quán của cư dân…
2.2. Hệ giá trị cội nguồn của lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
2.2.1. Giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa
Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức... đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sản xuất tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hoá. Giá trị, giá trị văn hoá là một hình thái của đời sống tinh thần, nó phản ánh và kết tinh đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của con người. Cho nên, quan điểm cho rằng văn hoá hay giá trị văn hoá chỉ là lĩnh vực đời sống tinh thần thôi thì chưa thật thoả đáng.
Giá trị văn hoá (Cultural Value) do con người trong mỗi xã hội sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó chính là một thứ vốn xã hội (Social Capital). Như thế, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người. Cũng như văn hoá, giá trị được sản sinh từ các mối quan hệ con người với tự nhiên, với xã hội.
Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia...) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Chúng ta nói hệ giá trị (Value System) hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa: 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị, 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Thí dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Nhật Bản hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác... Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng..., tuy nhiên, trong từng hệ giá trị của mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên, độ nhấn của từng yếu tố giá trị ấy trong bảng giá trị thì có thể khác nhau.
Có thể nói, bất cứ lễ hội nào cũng mang trong mình những giá trị văn hóa mang tính phổ quát như: cố kết cộng đồng – dân tộc, hướng vệ cội nguồn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc hay giá trị văn hóa tâm linh v.v… Tuy nhiên, tính chất của những giá trị ấy không giống nhau bởi vì mỗi lễ hội đều gắn với một địa bàn cư trú nhất định với các điều kiện tự nhiên và lịch sử hình thành khác nhau, đặc biệt là gắn với các chủ thể văn hóa khác nhau. Theo đó, giá trị văn hóa của hệ thống lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ sẽ mang đầy đủ những tính chất, sắc thái cội nguồn, phát tích của dân tộc Việt Nam.
2.2.2. Tính chất cội nguồn của hệ thống lễ hội ở Việt Trì
Cố kết tinh thần cộng đồng quốc gia – dân tộc, cộng đồng làng xã:
Nếu lễ hội nào cũng có giá trị cố kết tinh thần cộng đồng thì không đâu có sức mạnh như ở vùng Đất Tổ. Bởi hơn hết, sự cố kết tinh thần cộng đồng ở đây đã vượt ra phạm vi của một làng, một vài làng để vươn ra quy mô quốc gia – dân tộc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định rằng, tất cả những con người Việt Nam đều thuộc một dòng máu Lạc – Hồng, đã là người Việt Nam ai cũng phải có tổ tiên và tổ tiên chung ấy chính là Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sở dĩ được công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại là bởi có tính cộng đồng mạnh mẽ. Tín ngưỡng ấy có thể thu hút mọi người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, kể cả những người xa xứ sống ở Pháp, Mĩ, Anh… cùng bái vọng về lễ hội Đền Hùng với tấm lòng thành kính, biết ơn. Bởi vậy, lễ hội Đền Hùng nói riêng và hệ thống lễ hội ở Việt Trì nói chung có sức thu hút, cố kết cộng đồng mạnh hơn bất cứ lễ hội nào khác.
Trong tâm thức của người Việt đương đại “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một sợi chỉ đỏ để liên kết cội nguồn, liên kết mọi người hướng về nguồn cội”. Đó chính là cơ sở tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Giá trị cân bằng, làm điểm tựa cho đời sống tâm linh dân tộc:
Đối với hệ thống lễ hội ở Việt Trì, đặc biệt là lễ hội Đền Hùng còn tạo nên sự kết nối giữa quá khứ - hiện tại và tương lai, tạo nên sự kết nối của lớp lớp các thế hệ tiếp nhau của dân tộc Việt Nam. Đó chính là sự cố kết, sự kết nối về đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh có sức lan truyền mạnh mẽ, tạo ra những cảm xúc, rung động thiêng liêng và do đó, có tác dụng tập hợp, đoàn kết, gắn bó con người một cách có hiệu quả. Đối với mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên là hiện thân của quá khứ, của bề dày truyền thống. Nói cách khác, đó là điểm tựa quá khứ của hiện tại. Bàn thờ tổ tiên là biểu tượng hết sức thiêng liêng, có sức mạnh lôi cuốn các thành viên quây quần, đoàn tụ để duy trì những giá trị truyền thống nhằm chuyển giao cho các thế hệ mai sau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực chất là một hình thức suy tôn lên tầm vĩ mô, phổ quát của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình, dòng tộc. Bởi vậy, tín ngưỡng ấy chính là điểm tựa tâm linh cho toàn dân tộc Việt Nam.
Giá trị hướng về cội nguồn:
Tất cả lễ hội cổ truyền đều hướng về cội nguồn. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra và nay vẫn là bộ phận hữu cơ, nguồn cội cộng đồng, như dân tộc, đất nước, xóm làng, tổ tiên, nguồn cội văn hoá... Hơn thế nữa, hướng về cội nguồn đã trở thành tâm thức của người Việt, “Uống nước, nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Do đó, ngày nay lễ hội thường gắn với hành hương du lịch.
            Giá trị hướng về cội nguồn của lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì nói chung và lễ hội Đền Hùng nói riêng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bởi vì, những lễ hội này không chỉ có sức mạnh quy tụ mọi người từ mọi miền đất nước trở về nơi đây để tưởng nhớ, biết ơn những người đã có công gây dựng nên non sông gấm vóc mà còn có sức mạnh tác động vượt qua rào cản của không gian, thời gian.
Khẳng định tính chất gốc nông nghiệp:
Bên cạnh những giá trị văn hóa trên, tính chất cội nguồn trong các lễ hội ở thành phố Việt Trì còn cho thấy một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ, cuộc sống của cư dân gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp, các lễ hội gắn liền với thờ lúa thần, rước lúa thần, lễ hội tịch điền, lễ hội thờ thần Sông như lễ hội hạ điền (xã Hy Cương), lễ hội đình Hương Trầm (phường Dữu Lâu), lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa (xã Minh Nông), lễ hội đình Phú Nông (phường Minh Phương)... là minh chứng rõ ràng cho điều này.
Với ngành kinh tế (đặc biệt là du lịch), lễ hội cổ truyền là một sản phẩm đặc biệt, giới thiệu vùng đất, con người, truyền văn hoá đặc sắc ở các vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Do đó, lễ hội tự mang trong mình giá trị kinh tế đặc biệt “kinh tế du lịch văn hoá tâm linh”. Vấn đề ở chỗ, khai thác giá trị văn hóa ấy như thế nào trong xã hội hiện nay.
2.3. Phương hướng bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa của hệ thống lễ hội ở Việt Trì
2.3.1. Tính cấp thiết cần phải bảo tồn
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong quá trình khai thác các giá trị lễ hội trên địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ còn có những hạn chế sau:
Trong công tác tổ chức, chỉ đạo phục dựng các lễ hội do chưa được nghiên cứu đầy đủ và công tác chuẩn bị cho tổ chức lễ hội chưa được chu đáo dẫn tới việc ở một số lễ hội được phục dựng làm mất đi một số nghi lễ và hình thức diễn xướng dân gian.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý di tích - lễ hội, cán bộ thuyết minh viên tại các lễ hội chưa được tổ chức thường xuyên hàng năm.
Cơ sở hạ tầng phục vụ lễ hội, đặc biệt là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn còn thiếu vào nghèo nàn nên việc bố trí nơi ăn nghỉ cho du khách ở điểm tổ chức lễ hội lớn, có đông người dự hội như Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, chưa có sản phẩm đặc trưng của địa phương, đặc thù của văn hóa cội nguồn Đất Tổ để bày bán. Trong hoạt động dịch vụ du lịch, công tác hướng dẫn khách tham quan vào những ngày hội tại các điểm di tích còn thiếu nên khách du lịch đến tham quan chủ yếu là tự tìm hiểu.
Các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dịch vụ, khai thác các chương trình du lịch lễ hội còn rất hạn chế.
Chưa thực sự tạo dựng được môi trường du lịch tốt ở các điểm tổ chức lễ hội: vẫn còn có hiện tượng chèo kéo khách, tăng giá bắt chẹt khách trong mùa lễ hội. Các tệ nạn mê tín dị đoan cờ bạc chưa được ngăn chặn triệt để.
2.3.2. Quan điểm bảo tồn, khai thác

Bảo tồn y nguyên:

Những người theo quan điểm này cho rằng, sản phẩm của quá khứ nên được bảo tồn nguyên vẹn như nó vốn có để tránh tình trạng thế hệ hiện tại làm méo mó, biến dạng di sản. Mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại cũng có thể hiểu biết một cách cụ thể để có thể phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp.
Bảo tồn trên cơ sở kế thừa:
Quan điểm này dường như là một xu thế khá phổ biến trong giới học giả hiện nay khi bàn đến di sản và quản lý di sản. Quan điểm này dựa trên cơ sở mỗi di sản cần phải thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình ở một thời gian và không gian cụ thể; di sản ấy cần phát huy giá trị văn hóa xã hội phù hợp với xã hội hiện nay và phải loại bỏ đi những gì không phù hợp với xã hội ấy.
Thực tế cho thấy, cả bảo tồn nguyên vẹn lẫn bảo tồn trên cơ sở kế thừa đều có những ưu điểm và hạn chế riêng của nó. Nếu như quan điểm bảo tồn nguyên vẹn gặp khó khăn trong việc xác định đâu là yếu tố nguyên gốc, đâu là yếu tố phái sinh, và giữ gìn nguyên gốc là giữ gìn những yếu tố nào; thì quan điểm bảo tồn trên cơ sở kế thừa gặp phải khó khăn trong khâu xác định yếu tố nào thực sự là giá trị cần phải kế thừa và phát huy, yếu tố nào không còn phù hợp, cần phải loại bỏ; cũng cần phải khuyến cáo rằng sự loại bỏ ấy có thể sẽ đánh mất những giá trị văn hóa mà chúng ta chưa hiểu biết một cách sâu sắc và thấu đáo.
Quản lý một loại hình di sản (lễ hội là một ví dụ) không đơn thuần chỉ là việc tìm những biện pháp để bảo tồn nguyên vẹn hay không, mà có thể theo một hướng khác: quản lý di sản một cách thích hợp với những yêu cầu của thời đại hiện nay, trong một bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nhất định. Mối quan hệ giữa di sản và những bối cảnh nêu trên là hai chiều, ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau.
2.3.3. Đề xuất các mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong lễ hội ở Việt Trì
Mô hình tổ chức quản lý và quy hoạch lễ hội:
Việc quy hoạch và quản lí di sản lễ hội ở thành phố Việt Trì cần phải dựa trên và đảm bảo một số tiêu chí: thứ nhất - về nguyên tắc, lễ hội dân gian truyền thống luôn kết tinh ở hai khía cạnh tương đối bền vững là tính biểu tượng và tính mô thức. Nếu phá vỡ một trong hai khía cạnh này thì nghi lễ hay lễ hội dân gian sẽ không giữ được bản sắc, không còn tính thiêng; thứ hai, cần quy chuẩn các hoạt động của lễ hội; thứ ba, cần xác định đúng trung tâm – phụ cận trong quy hoạch lễ hội. Theo đó, phải lấy lễ hội Đền Hùng là trung tâm, từ đó lan tỏa ra phụ cận.
Mô hình giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông:
Muốn bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH nói chung, lễ hội nói riêng, trước hết cần nâng cao nhận thức hiểu biết của con người về lĩnh vực này, từ đó có cơ sở để điều chỉnh hành vi xã hội của mỗi cá nhân con người và toàn thể cộng đồng. Thường xuyên đào tạo nâng cao phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên trách trong công tác bảo tồn và phát huy DSVH lễ hội. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân về những giá trị và cả những mặt hạn chế của việc tổ chức và duy trì lễ hội hiện nay (lễ hội còn hay mất trước hết là do nhận thức và hành động của chính những người dân sở tại).
Cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học về những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền. Quá trình đô thị hóa, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một xu thế tất yếu. Để tiến hành đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa làng xã sẽ bị xói mòn, thất truyền, mai một. Chính vì vậy, cẩn phải khẩn trương tiến hành các nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng được những hồ sơ về các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản lễ hội nói riêng. Trên cơ sở đó, kiến nghị với các cơ quan hữu quan về những biện pháp bảo tồn phù hợp.
Mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn kết với phát triển sinh kế cộng đồng:
Thực chất của mô hình này là gắn giá trị di sản văn hóa của lễ hội với phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Trì. Trong phạm vi của đề tài này, chúng tôi đề xuất mô hình gắn giá trị văn hóa của lễ hội với phát triển du dịch.
Trên cơ sở các điểm du lịch và hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn, lễ hội truyền thống và các di tích đã xác định, tuyến du lịch có thể xác định tuyến Quốc tế, tuyến liên tỉnh và nội tỉnh.
- Về tuyến quốc tế: Vân Nam - Lào Cai - Phú Thọ - Hà Nội - Quảng.
- Tuyến liên tỉnh xác định Đền Hùng là trung tâm:
+ Hà Nội - Vĩnh Phúc (Tam Đảo - Hồ Đại Lải - Đầm Vạc) - Việt Trì (Đền Hùng và các di tích lễ hội khu vực Đền Hùng thành phố Việt Trì).
+ Hà Nội - Việt Trì - Sơn La - Điện Biên - Lào Cai (Sapa), đây là tuyến Tây Bắc, vừa kết hợp du lịch lễ hội với các di tích lịch sử và tham quan ngắm cảnh thiên nhiên.
- Tuyến nội tỉnh, lấy Việt Trì và khu di tích Đền Hùng làm trung tâm:
+ Tuyến Việt Trì - Phù Ninh - Đoan Hùng
+ Tuyến Việt Trì - Lâm Thao - Tam Nông - Hạ Hoà
+ Tuyến Việt Trì - Lâm Thao - Thanh Sơn - Tân Sơn
+ Tuyến Việt Trì - Lâm Thao - Tam Nông - Thanh Thuỷ
Từ lợi thế của nền văn hoá cội nguồn và lễ hội vùng Đất Tổ có thể hoạch định chiến lược nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trước hết là gắn lễ hội với hoạt động du lịch văn hóa có tính đặc trưng của thành phố Việt Trì. Để phát huy được lợi thế và hoạt động du lịch lễ hội có hiệu quả, hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị của lễ hội cần phải đặt trong mối quan hệ liên ngành, liên vùng trong khu vực và cả nước để phát triển. Trong đó, vấn đề chính sách quy hoạch lễ hội phải đặt lên hàng đầu. Sau đó là các hoạt động nghiên cứu khoa học, truyền thông và các mô hình tận dụng, khai thác tối đa giá trị văn hóa của lễ hội.
3. Kết luận
Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hoá dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hoá dân tộc ấy. Cuộc sống của của cộng đồng làng xã không phải lúc nào cũng là ngày hội, mà trong chu kỳ một năm với bao âu lo, vất vả cuộc sống hàng ngày, rồi “xuân thu nhị kỳ” nơi thôn quê vốn tĩnh lặng ấy vang dậy tiến trống, tiếng chiêng, tưng bừng cờ hội, mọi người tụ hội nơi đình (đền, chùa) làng mở hội. Ở nơi ấy, khi đó con người hoá thân thành văn hoá, văn hoá làm biến đổi con người, một “bảo tàng sống” về văn hoá dân tộc được hồi sinh, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là mảnh đất phát tích, cội nguồn của dân tộc, là kinh đô xưa của các Vua Hùng dựng nước, nơi có đậm đặc các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc và phong phú. Trong hệ thống tài nguyên nhân văn để phục vụ du lịch ở thành phố Việt Trì, lễ hội truyền thống là tài nguyên phong phú và đặc sắc, chiếm ưu thế nhất. Qua đó, đề tài khẳng định văn hoá và lễ hội truyền thống ở Việt Trì chính là động lực, là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung.
Để bảo tồn, phát huy tốt giá trị của các lễ hội truyền thống ở Việt Trì nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có mô hình tổ chức quản lý và quy hoạch lễ hội, mô hình giáo dục, nghiên cứu khoa học và truyền thông và mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn kết với phát triển sinh kế cộng đồng thật sự đồng bộ, hợp lí và khoa học. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, một mô hình phát triển, tác động lan tỏa bền vững sẽ ngày càng được chứng thực trong sự ủng hộ thiết thực của cộng đồng.

Tài liệu tham khảo
1. Đinh Gia Khánh (1989), Trên đường tìm hiểu văn hoá dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
2. Nhiều tác giả (2012), Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam, Sở VH,TT&DL Phú Thọ - Hội Văn nghệ dân gian.
3. Nhiều tác giả (2012), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Di sản văn hóa trên địa bàn kinh đô Văn Lang, Trường Đại học Hùng Vương.
4. Bùi Thiết (2000), Từ điển lễ hội Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin.
5. Ngô Đức Thịnh (2007), Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hoá thông tin.
6. Lê Trung Vũ (1991), Lễ hội mùa xuân vùng Đất Tổ, Nxb Khoa học xã hội.
7. Trần Quốc Vượng (1986), Lễ hội, một cái nhìn tổng thể, Tạp chí văn hoá nghệ thuật, số 1.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"