Mẫu "Mở đầu" của một Luận án




Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay, du lịch biển có vị trí rất quan trọng. Với hơn 70% số điểm du lịch tập trung ở dải ven biển, hàng năm thu hút khoảng 80% du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, hiệu quả của du lịch biển nước ta đối với ngành nói riêng và với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung là hết sức to lớn. Việc khai thác tiềm năng du lịch biển đảo luôn mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi sự hấp dẫn, tính đặc thù của cảnh quan tự nhiên, sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên (ĐKTN) cho các loại hình du lịch (LHDL) biển.
Khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh có vị trí, vị thế địa lý rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Với đường bờ biển dài, vùng biển rộng lớn và số lượng các đảo phân bố dày đặc nhất Việt Nam, khu vực nghiên cứu có rất nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế biển trong đó có du lịch. Từ nhiều năm nay, các bãi tắm, các khu vực du lịch nổi tiếng của Quảng Ninh đã được đưa vào khai thác, đặc biệt những địa danh như vịnh Hạ Long với hàng ngàn hòn đảo rất đẹp và thơ mộng, bãi biển Trà Cổ với bãi cát trắng huyền thoại đã trở thành những điểm đến có ý nghĩa quốc tế và quốc gia không thể phủ nhận. Chính những ưu thế về các giá trị tài nguyên, cảnh quan du lịch biển đảo đó đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong số ít các tỉnh, thành của nước ta có các hoạt động phát triển du lịch sôi động nhất trong vùng du lịch Bắc Bộ nói riêng và của cả nước ta, có doanh thu về du lịch cao nhất chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự phát triển du lịch ở khu vực nghiên cứu ven biển và trên các đảo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua cũng còn có một số hạn chế, những khó khăn mà ngành du lịch tỉnh cần quan tâm giải quyết, cụ thể như sau:
            Chưa có cơ sở lý luận hay công trình nghiên cứu nào đánh giá riêng ĐKTN và TNTN cho phát triển du lịch bền vững (PTDLBV) khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh. Sự đánh giá ít nhiều có trong một một số công trình tuy nhiên có những kết quả đánh giá đến nay không còn phù hợp nữa.
Trong quá trình phát triển du lịch (PTDL), do mong muốn thu được nhiều lợi nhuận đã dẫn đến tình trạng phát triển nóng, khai thác quá mức ở một số nơi, làm xuất hiện những dấu hiệu không bền vững cho TNDL tự nhiên. Một số nơi khác lại chưa khai thác hết các thế mạnh tiềm năng của nó, chưa tạo được mối quan hệ hữu cơ với các ngành KT - XH khác trong tỉnh, đặc biệt là giữa PTDL với bảo vệ cảnh quan tự nhiên và môi trường sinh thái.
Trong quan điểm chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đã đề ra yêu cầu phát triển kinh tế biển và vùng ven biển phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo cho phát triển bền vững (PTBV).
Xuất phát từ những thực tế trên, để du lịch tỉnh Quảng Ninh có thể trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt du lịch biển - đảo xứng với tiềm năng lãnh thổ rõ ràng rất cần có sự xác lập được cơ sở khoa học và thực tiễn tin cậy cho PTDLBV. Trên cơ sở đó, luận án: “Đánh giá tiềm năng tự nhiên phục vụ phát triển du lịch bền vững khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh” được lựa chọn nhằm đánh giá đúng tiềm năng tự nhiên, thực trạng khai thác chúng, từ đó có những định hướng và các giải pháp cho PTDLBV vùng nghiên cứu. Luận án sẽ không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn giúp cho ngành du lịch địa phương phát triển tốt hơn theo mục tiêu PTBV.
            Mục tiêu của luận án là nghiên cứu, đánh giá làm sáng tỏ tiềm năng tự nhiên, xác định mức độ thuận lợi của ĐKTN và TNTN cho phát triển ngành du lịch vùng nghiên cứu. Qua các kết quả đánh giá khoa học, khách quan biết được những ưu điểm và hạn chế còn tồn tại trong PTDL để từ đó đề xuất được những định hướng và giải pháp PTDLBV khu vực ven biển và hải đảo của Quảng Ninh.
            Để thực hiện mục tiêu trên, luận án thực hiện những nhiệm vụ chính sau:
            - Tập hợp tài liệu, số liệu. Xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho đánh giá các ĐKTN, TNTN phục vụ PTDLBV.
            - Xử lý số liệu, khảo sát thực địa, tiến hành đánh giá mức độ thuận lợi của việc khai thác các TNDL tự nhiên để xác định một số LHDL đặc thù và một số điểm du lịch trọng điểm của vùng nghiên cứu.
            - Từ kết quả đánh giá tiếp tục kết hợp với khảo sát thực tế đưa ra được những định hướng cho PTDL của vùng  gồm các định hướng về loại hình, sản phẩm và các tuyến du lịch, thị trường du khách.
- Đề xuất một số giải pháp trong khai thác TNDL tự nhiên khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh hiện nay.
            Đánh giá tiềm năng tự nhiên phục vụ mục đích du lịch đã được nhiều nhà khoa học địa lý trên thế giới quan tâm nghiên cứu, xác định đây là một hướng ứng dụng quan trọng của địa lý học bên cạnh việc phục vụ các ngành kinh tế khác. Đi đầu trong công tác đánh giá các ĐKTN cho PTDL có thể kể đến các nhà địa lý học của Liên Xô cũ như A.G.Ixatsenko; V.D.Preobragienxki; L.I.Mukhina…Nhiều công trình nghiên cứu về địa lý du lịch đã được công bố như công trình của I.U.A Veđenhin (1971) đưa ra khái niệm hệ thống nghỉ ngơi theo lãnh thổ, công trình khoa học của Kađaxkia (1972) và Sepfer (1971) đã nghiên cứu về sức chứa và sự ổn định của các điểm du lịch; L.I.Mukhina (1973) xây dựng quy hoạch các vùng nghỉ mát ven biển… Một số tác giả khác như Slavikova (1973) của Tiệp Khắc hay Vacdunxka của Ba Lan đã nghiên cứu xác định sức chứa tối ưu dung lượng khách du lịch tại một số điểm du lịch…Các nhà địa lý Canada như Vôgơ (1966); Henanynơ (1972) hay nhà địa lý người Mỹ là Booha, Dvit (1971)…lại có những công trình đánh giá tài nguyên nhằm mục đích giải trí…
            Ở Việt Nam, trong thời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án cấp nhà nước, địa phương nghiên cứu về vùng ven biển và hải đảo được triển khai, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, đề án phát triển vùng ven biển và hải đảo trong đó có Quảng Ninh. Tiêu biểu có thể kể đến một số công trình sau:
            Đề tài khoa học cấp nhà nước: “Luận chứng khoa học kỹ thuật xây dựng và phát triển hệ thống du lịch biển Việt Nam” (1995) do Vũ Tuấn Cảnh làm chủ nhiệm đã có những đánh giá về vị trí, vai trò đồng thời đưa ra những định hướng để PTDL cho  vùng duyên hải Bắc Bộ.
            Đề tài khoa học thuộc Chương trình biển cấp nhà nước: “Tổng quan về hệ thống đảo Việt Nam” (48B - 12) do Lê Đức An và nhiều người khác thực hiện năm 1990 đã đưa ra được những đặc trưng cơ bản cho các đảo của Việt Nam. Đề tài là cơ sở lý luận quan trọng cho việc nghiên cứu và ứng dụng phát triển kinh tế xã hội vùng biển đảo.
            Dự án “Quy hoạch tổng thể PTDL Việt Nam thời kỳ 1995 - 2010” do Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch thực hiện năm 1994 đã nghiên cứu đưa ra được những định hướng phát triển vùng du lịch Bắc Bộ trong đó có đề cập đến tiềm năng du lịch vùng ven biển và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh.
            Dự án “Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh thời kỳ 2001 - 2010” của Sở Du lịch Quảng Ninh thực hiện năm 2001 đã thống kê nguồn tài nguyên du lịch (TNDL), đánh giá hiện trạng và đưa ra được những định hướng và các giải pháp cơ bản cho PTDL của tỉnh.
            Đề tài khoa học thuộc Chương trình biển cấp Nhà nước KC - 09 “Luận chứng khoa học về một mô hình phát triển kinh tế sinh thái trên một số đảo, cụm đảo lựa chọn vùng biển ven bờ Việt Nam” (2005) do Lê Đức Tố chủ trì đã tiến hành phân tích tiềm năng du lịch sinh thái ở một số đảo trong đó có đảo của Quảng Ninh.
            Đề tài khoa học “Đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, kinh tế xã hội; thiết lập cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho một số huyện đảo” (2006) do Phạm Hoàng Hải chủ trì đã tiến hành đánh giá ĐKTN và TNTN nhằm phát triển một cách bền vững các ngành kinh tế bao gồm cả du lịch tại một số huyện đảo trong đó có Cô Tô và Vân Đồn của Quảng Ninh.
            Đề tài khoa học cấp bộ: “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo tại vùng du lịch Bắc Bộ” do Nguyễn Thu Hạnh thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thực hiện năm 2006 đã hệ thống những vấn đề lý luận về sản phẩm du lịch, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển các sản phẩm du lịch vùng biển đảo của vùng du lịch Bắc Bộ.
            Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” do Tổng cục Du lịch thực hiện năm 2009 đã đánh giá có hệ thống tiềm năng tài nguyên và định hướng PTDL biển đến năm 2020 trên phạm vi cả nước.
            Ngoài những công trình khoa học trên, còn không ít những công trình nghiên cứu khác tiến hành đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế, định hướng khai thác lãnh thổ trong đó có du lịch vùng ven biển và hải đảo Quảng Ninh.
            Luận án Đánh giá tiềm năng tự nhiên phục vụ phát triển du lịch bền vững khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh được thực hiện trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả các công trình nghiên cứu trên, góp phần hoàn thiện  hơn về cơ sở lý luận đồng thời có những đóng góp thực tiễn cho việc khai thác có hiệu quả các nguồn TNDL tự nhiên ở khu vực nghiên cứu.
            Phát triển du lịch bền vững là một vấn đề khá lớn, liên quan đến nhiều nhân tố như ĐKTN, TNTN, KT - XH, văn hóa dân tộc…Tuy nhiên, trong  phạm vi luận án chỉ giới hạn nội dung nghiên cứu là đánh giá tổng hợp ĐKTN, TNTN cho PTDLBV. Những vấn đề khác, luận án chỉ đề cập đến ở những khía cạnh tổng thể, khi cần thiết.
            Lãnh thổ nghiên cứu của luận án là khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, phạm vi nghiên cứu cần xác định được ranh giới phía trong và ranh giới phía ngoài của phạm vi nghiên cứu. Theo quy định chung của quốc tế và theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu địa mạo, giới hạn trong của dải ven biển là tất cả các không gian chịu ảnh hưởng của quá trình biển trong kỉ Đệ Tứ, gồm những thềm biển cổ, các đồng bằng châu thổ và aluvi – biển tuổi Đệ Tứ và phạm vi của lãnh thổ hiện tại đang chịu tác động trực tiếp của quá trình biển. Như vậy, ranh giới thực của dải ven biển tỉnh Quảng Ninh có thể vượt ra khỏi ranh giới hành chính của nhiều huyện thị ven biển hiện nay. Tuy nhiên, để đánh giá các ĐKTN cho PTDLBV cần dựa trên những ranh giới cụ thể về hành chính, những giá trị thực tại của nguồn tài nguyên. Trên cơ sở đó, ranh giới trong được xác định là ranh giới hành chính của các huyện, thị và thành phố ven. Ranh giới ngoài là vùng biển và hệ thống các đảo  thuộc 2 huyện Vân Đồn và Cô Tô.
Quan điểm lãnh thổ. Trong nghiên cứu địa lí, bất kì một đối tượng nào cũng đều gắn với một lãnh thổ nhất định. Mỗi lãnh thổ đó đều có những đặc trưng riêng về đặc điểm tự nhiên cũng như KT - XH, đồng thời cũng mang những nét chung giống với các lãnh thổ xung quanh. Để đánh giá các tiềm năng du lịch tự nhiên phục vụ cho PTDLBV thì quan điểm lãnh thổ luôn đóng vai trò quan trọng bởi đối tượng nghiên cứu của đề tài là các ĐKTN và TNTN. Xem xét quá trình phát sinh, phát triển và những đặc điểm của chúng biểu hiện trên một lãnh thổ có thể đưa ra được những nhận định đúng đắn về hiện trạng, từ đó định hướng khả thi nhất cho PTDL khu vực nghiên cứu.
Quan điểm tổng hợp. Xuất phát từ cơ sở các đối tượng nghiên cứu là một hệ thống gồm nhiều yếu tố tự nhiên có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Mối quan hệ này thể hiện giữa các yếu tố trong một nhân tố tự nhiên (VD: yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, gió… của khí hậu) và giữa các nhân tố tự nhiên với nhau (địa hình - khí hậu - thủy văn…). Ngoài ra, quá trình khai thác lãnh thổ đã xuất hiện mối quan hệ của con người với các thể tổng hợp tự nhiên. Vì vậy, việc đánh giá các ĐKTN phải xem xét mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, như thế mới đem lại kết quả đánh giá khách quan nhất.
            Quan điểm phát triển bền vững. Với mục tiêu đánh giá tiềm năng du lịch tự nhiên phục vụ cho PTDLBV, quan điểm chủ đạo của phát triển bền vững đòi hỏi sự PTDL phải gắn với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên, môi trường sinh thái bền vững; phải đảm bảo ổn định về kinh tế và xã hội. Từ cơ sở trên, yêu cầu đánh giá phải liên tục được tiến hành nhằm có được kết quả thực tế của đối tượng với mục đích đánh giá, từ đó đưa ra những định hướng đảm bảo cân bằng giữa 3 mục tiêu của phát triển bền vững là kinh tế - môi trường - xã hội.
Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh là phương pháp quan trọng được tiến hành trong phòng. Dựa vào những tài liệu số liệu thu thập được sẽ tiến hành chọn lọc, xử lý sao cho đúng mục tiêu, nhiệm vụ luận án đã đề ra.
            Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa nhằm thu thập và cập nhật các nguồn tài liệu, số liệu để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết, có độ tin cậy cao. Trên cơ sở dữ liệu này sẽ tiến hành đánh giá các nguồn tài nguyên, đưa ra được kết quả về mức độ thuận lợi của chúng với PTDL. Các hoạt động chính trong khi tiến hành phương pháp này bao gồm: quan sát, mô tả, điều tra ghi chép, chụp ảnh tại một số điểm nghiên cứu, gặp gỡ trao đổi với chính quyền địa phương, cơ quan quản lí tài nguyên kết hợp với thu thập tài liệu, số liệu.
Phương pháp thống kê là phương pháp không thể thiếu được trong quá trình nghiên cứu. Nó được áp dụng xuyên suốt thời gian thực hiện luận án, từ tiến hành thu thập các số liệu thứ cấp có trong các tài liệu, báo cáo, giai đoạn phân tích chọn lọc, xử lý các số liệu đến kết quả đánh giá phục vụ cho mục đích nghiên cứu.
Phương pháp điều tra xã hội học và phương pháp chuyên gia. Trong khi tiến hành đánh giá các tiềm năng tự nhiên, không thể tránh khỏi việc đưa ra các tiêu chí mang tính chất định tính. Luận án sử dụng hai phương pháp này được thực hiện thông qua việc lấy ý kiến của một số chuyên gia công tác trong ngành du lịch và ý kiến của du khách đã tham gia du lịch vùng ven biển và hải đảo của Quảng Ninh. Quá trình điều tra được tiến hành xuyên suốt từ năm 2009 đến 2011. Các phương pháp này được sử dụng nhằm hạn chế những định tính, đảm bảo tốt hơn tính khách quan trong đánh giá đưa kết quả đánh giá sát với thực tế hơn.
            Phương pháp dự báo là phương pháp cần có sau khi tiến hành đánh giá các ĐKTN. Những yếu tố có ảnh hưởng đến tổ chức không gian du lịch cần được dự báo chính xác, qua đó mới đề xuất được những định hướng PTDL ở khu vực nghiên cứu trong tương lai.
            - Luận điểm 1: Phát triển du lịch biển - đảo có mối quan hệ mật thiết đến ĐKTN, TNTN, điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù vùng biển - đảo. Bằng phương pháp tiếp cận địa lý học, phân tích đánh giá tổng hợp các tổng hợp thể tự nhiên, các vùng địa lý sẽ có thể làm sáng tỏ được không chỉ tiềm năng lãnh thổ cho phát triển các loại hình du lịch (LHDL) cụ thể mà còn đưa ra được các định hướng phát triển chúng trên quan điểm PTBV.
            - Luận điểm 2: Khu vực lãnh thổ ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng lớn cho phát triển các LHDL biển đặc thù và có hiệu quả cao. Việc phân vùng địa lý tự nhiên lãnh thổ, đề xuất các tuyến, điểm PTDL trọng điểm sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để đề xuất các định hướng và các giải pháp phù hợp cho PTBV ngành du lịch của vùng nghiên cứu.
- Lần đầu tiên đã tiến hành phân vùng địa lý tự nhiên cho lãnh thổ nghiên cứu, phân tích đánh giá tiềm năng tự nhiên của từng vùng địa lý cho một số LHDL cụ thể, trên cơ sở đó đánh giá mức độ thuận lợi của ĐKTN, TNTN cho một số LHDL trong từng tiểu vùng.
- Đã đề xuất các tuyến, điểm du lịch trọng điểm của vùng ven biển và các đảo Quảng Ninh, làm rõ được thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch của các tuyến điểm. Đây là cơ sở để tổ đưa ra các định hướng và các giải pháp phát triển du lịch biển – đảo và cũng là cơ sở để tổ chức lãnh thổ du lịch cho vùng nghiên cứu trong cả hiện tại và tương lai.
            Luận án được thực hiện dựa trên những nguồn tài liệu cơ bản sau:
            - Tài liệu thực địa liên quan đến đề tài được thu thập từ 2008 đến 2011.
            - Tài liệu, số liệu thống kê, báo cáo du lịch của Sở Du lịch và Thương mại Quảng Ninh, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Ninh. Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu, quy hoạch du lịch Quảng Ninh của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch...
            - Kết quả điều tra xã hội học trong khuôn khổ luận án.
            - Nguồn bản đồ gồm Bản đồ Địa chất – Khoáng sản khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh, Bản đồ Địa hình khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh.
- Một số bản đồ thành phần tự nhiên như bản đồ địa mạo, Bản đồ khí hậu, Bản đồ sinh vật… của huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô.
            Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, cấu trúc luận án gồm 4 chương:
            Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đánh giá các ĐKTN và TNTN phục vụ PTDLBV.
            Chương 2: Phân vùng địa lý tự nhiên cho PTDL khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh.
Chương 3: Đánh giá tổng hợp ĐKTN, TNTN cho PTDLBV khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh .
            Chương 4: Định hướng và các giải pháp PTDLBV khu vực ven biển và các đảo tỉnh Quảng Ninh.
            Luận án được trình bày trong 150 trang, trong đó có 15 hình ảnh, 30 bảng số liệu, 97 tài liệu tham khảo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"