Một số Các tính chất đặc biệt của hợp kim nguội nhanh
1. Tính
chất từ mềm tốt
Cấu trúc từ của vật liệu được quy định bởi tương tác trường tinh thể (dị
hướng từ) và tương tác trường phân tử (tương tác trao đổi), do đó chịu ảnh
hưởng rất mạnh của trật tự nguyên tử. Trong các vật liệu tinh thể, trật tự xa
của các nguyên tử làm cho các tính chất của hợp chất có tính dị hướng (nhưng
đồng nhất): các mômen từ sắp xếp cộng tuyến (song song hoặc phản song song) dọc
theo các phương từ hóa dễ.
Các vật liệu vô định hình thông thường
là các hợp kim trong đó có thành phần kim loại chuyển tiếp (Fe, Co, Ni...) có
từ tính và có các thành phần tạp á kim (
P, B, C, Si ...) đóng vai trò ổn định trạng thái vô định hình là thành phần
không có từ tính. Hiện nay, các vật liệu VĐH được đánh giá là những
vật liệu có tính từ mềm rất tốt. Trong các vật liệu vô định hình, dị
hướng từ có tính địa phương, tức là mỗi một vùng trật tự gần có một phương dễ
từ hóa riêng biệt. Khi đó, nếu năng lượng dị hướng từ nhỏ hơn năng lượng tương
tác trao đổi, sự sắp xếp của các mômen từ sẽ được quyết định bởi tương tác trao
đổi, và có cấu trúc cộng tuyến. Trong trường hợp năng lượng dị hướng từ lớn hơn
năng lượng tương tác trao đổi, các mômen từ sẽ sắp xếp hỗn độn theo sự phân bố
của các trục từ hóa dễ địa phương ở trong vật liệu, điều này đồng nghĩa
với việc dị hướng từ thấp. Cơ sở tính từ mềm liên quan đến quá
trình từ hóa trong từ trường thấp và các quá trình quay các mômen
từ trong các đômen. Một cách đơn giản có thể coi sự sắp xếp hỗn
loạn của các nguyên tử không tạo nên tính dị hướng do đó các mômen Spin
có thể dễ dàng quay dần dần trên toàn mẫu bằng các năng lượng khử từ.
Do vậy, nguyên nhân chính dẫn đến tính mềm tốt của VĐH là sự vắng
mặt của dị hướng từ, nói chính xác hơn là dị hướng từ thấp [2, 7, 8].
2. Nhiệt
độ curie
Ngoài các thông số như mômen từ, từ
độ bão hòa, lực kháng từ... các hợp kim vô định hình còn được đặc trưng
bởi nhiệt độ Curie. Khi qua nhiệt độ curie thì chất sắt từ mất hết tính chất
sắt từ của nó và trở thành chất thuận từ. Mô men từ của vật liệu ở không độ
tuyệt đối không nhỏ hơn nhiều so với vật liệu khối ở dạng tinh thể nhưng nhiệt
độ Curie của chúng thấp hơn nhiều so với nhiệt độ Curie của vật liệu tinh thể,
tuy nhiên TC của chúng vẫn còn khá cao. Ví dụ, với hợp kim vô định
hình Fe – Co thì nhiệt độ Curie TC cỡ 600 – 800K. Các hợp kim vô định hình có nhiệt
độ Curie thay đổi mạnh theo thành phần, TC giảm một cách đơn điệu
khi hàm lượng á kim tăng. Tuy nhiên khi hàm lượng á kim tăng quá cao lại
làm cho tính từ mềm xấu đi. Chính vì vậy tùy theo nhu cầu sử dụng
mà người ta tìm cách thay thế một
phần các nguyên tử Fe bằng các nguyên tử kim loại khác khác nhằm thu
được hợp kim có TC thấp và từ độ bão hòa cao. Giá trị TC
trong hợp kim VĐH thấp hơn nhiều so với trường hợp tinh thể là do có
sự thăng giáng mạnh của tích phân trao đổi đặc biệt ở vùng nhiệt độ
cao. Do có tính đồng nhất cao về cấu trúc nên hợp kim VĐH có chuyển
pha tại nhiệt độ TC sắc nét, đây là một điều kiện tốt để
vật liệu có thể cho biến thiên entropy từ lớn [4, 8]. Nhiệt độ curie
trong các hợp kim vô định hình được chế tạo bằng phương pháp nguội nhanh đơn
trục còn phụ thuộc vào tốc độ quay của trống đồng. Nhiệt độ TC của
các hợp kim nền Fe giảm dần theo chiều tăng của tốc độ trống đồng [2].
3. Một
số tính chất cơ học của vật liệu vô định hình
a. Độ cứng và độ bền vững.
Đặc
điểm quan trọng của kim loại vô định hình là có thể có độ cứng cao
và độ bền vững cao. Độ cứng và độ bền vững thay đổi là do sự phụ
thuộc vào thành phần hoá học của hợp kim. Ví dụ trong hợp kim với
kim loại nền là nhóm sắt như Fe, Co, Ni thì độ cứng có thể đạt giá
trị trên 1000 và độ bền cao hơn 4,0 GN/m2. Số liệu này cao hơn
giá trị cực đại về độ cứng và độ bền vững của các vật liệu kim
loại đang được sử dụng hiện nay.
Yếu
tố quan trọng ảnh hưởng đến đặc tính bền vững của hợp kim vô định
hình là thành phần hoá học của nó. Trong các hợp kim có cùng nguyên
tố kim loại cơ bản thì tính chất bền vững biến đổi phụ thuộc vào
loại và số lượng nguyên tử á kim mà những nguyên tử này làm giảm
bớt tính vô định hình của hợp kim.
Nếu trong hợp kim vô định hình kim
loại mật độ nguyên tử á kim mà
không thay đổi thì độ cứng và độ bền sẽ có thể điều tiết được bằng
cách cho thêm nguyên tố kim loại vào hợp kim.
b. Ăn mòn hoá học
Ngay
từ những năm 40 của thế kỉ 20 người ta đã biết hợp kim Nikel hoặc
Coban với hàm lượng 10 - 30% nguyên tử phốt pho và nhận nó được bằng
cách điện phân trong dung dịch axits phốtphorit là một hợp kim vô định
hình. Nhưng vì sản xuất hợp kim vô định hình thời đó bằng phương
pháp điện phân còn có những hạn chế nhất định như thành phần mà
hợp kim nhận được. Những khảo sát này khi ấy không nhận được sự
phát triển đúng mức và sớm đi vào
quên lãng.
Từ cách nhìn của các nhà hoá
học ta thấy kim loại vô định hình là một loại vật liệu mới cho các
đặc tính, cấu trúc hoàn toàn khác với cấu trúc tinh thể như biên
giới hạt, biến vị... không tồn tại trong kim loại vô định hình. Thêm
vào nữa, do tốc độ làm nguội quá nhanh nên cấu trúc của kim loại vô
định hình gần với sự đồng nhất lí tưởng.
Có thể nói rằng cấu trúc của
kim loại vô định hình là cấu trúc rắn đồng nhất tốt hơn cả mà ta
nhận được hiện nay. Ta lại biết rằng sự ăn mòn của các vật liệu
tinh thể trong tự nhiên thường bắt đầu bị ăn mòn ở những chỗ bề mặt
ngoài, mà ở đó thể hiện tính không đồng nhất hoá học. Ngược lại ta
lại thấy với kim loại vô định hình là hợp kim loại rất bền vững
với sự ăn mòn, bởi vì chúng có thành phần hoá học hoàn toàn đồng
nhất.
c. Tính chất điện
Điện
trở suất của các hợp kim vô định hình lớn hơn so với điện trở suất của hợp kim
đó ở trạng thái tinh thể khoảng 3 – 5 lần. Hệ số nhiệt độ của điện trở suất của
hợp kim ở trạng thái vô định hình lại nhỏ hơn tới 10 lần so với trạng thái tinh
thể và trong một khoảng nhiệt độ nào đó, hệ số nhiệt của trạng thái vô định
hình có thể có giá trị âm. Giới hạn về nhiệt độ của trạng thái vô định hình
trùng với nhiệt độ Curie. Điện trở suất lớn của hợp kim VĐH rất có ý
nghĩa khi nghiên cứu vật liệu từ nhiệt, điện trở suất lớn sẽ làm
giảm tổn hao dòng phucô [5].
Nhận xét
Đăng nhận xét