ĐẢNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NÔNG DÂN THỜI KỲ TỪ 1930 ĐẾN 1945



         
Đặt vấn đề
          Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Bước ngoặt đó được thể hiện đầu tiên ở một đường lối cách mạng đúng đắn. Sự đúng đắn trong đường lối cách mạng của Đảng thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau và đã được kiểm chứng bằng lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong sự đúng đắn chung ấy có viêc giải quyết đúng đắn đối với vấn đề nông dân trong quá trình vận động cách mạng từ 1930 đến 1945.
          1. Đường lối của Đảng đối với giai cấp nông dân thời kỳ 1930 đến 1935
          Lịch sử dân tộc Việt Nam qua mọi thời kỳ đã chứng minh vai trò to lớn của giai cấp nông dân. Tuy nhiên trong thời kỳ mới nửa cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XX của cách mạng thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đòi hỏi cần phải có những nhận thức mới về lực lượng nông dân, từ đó mới có thể phát huy cao nhất sức mạnh của lực lượng này đối với bất kỳ nhiệm vụ nào của cách mạng. So với hệ tư tưởng phong kiến, dân chủ tư sản ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam có nhận thức hoàn toàn mới, mang tính đột phá về lực lượng nông dân Việt Nam. Điều đầu tiên là Đảng đã xác định nông dân là một giai cấp với đầy đủ đặc điểm cấu thành của nó cùng với các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam. Việc phân chia này có tính chất khởi nguồn để Đảng có đường lối toàn diện, đúng đắn đối với giai cấp nông dân. Trên cơ sở phân chia các giai tầng, Đảng đã nhận thấy rằng, nông dân là lực lượng đông đảo và chủ yếu của xã hội Việt Nam: “Trong 100 người thì có đến 90 người là dân cày” [54; 72]. Đồng thời Đảng đã chỉ rõ về tình cảnh và thân phận của họ: “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc” [54;19]. Từ những nhận thức về lực lượng, thân phận, Đảng đã có nhận thức đúng về vai trò của giai cấp nông dân đối với cách mạng Việt Nam. Đảng đã chỉ ra rằng, nông dân và công nhân là gốc của cách mệnh, nông dân là bạn đồng minh không thể thiếu được của giai cấp công nhân tiên phong, do vậy cách mệnh muốn thành công thì Đảng cần phải thu phục được đại bộ phận dân cày.
          Như vậy, ngay từ khi Đảng ra đời đã có những phân tích, đánh giá toàn diện, đúng đắn về giai cấp nông dân. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì nó trở thành kim chỉ nam định hướng cho Đảng trong hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng và cụ thể hóa thành những hành động giải quyết vấn đề nông dân.
          Sau nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam, Đảng đã đề ra các biện pháp nhằm giác ngộ, tập hợp và lãnh đạo nông dân đấu tranh như: vấn đề về các lợi ích chính trị (thành lập chính phủ công nông binh); vấn đề về các lợi ích kinh tế cho giai cấp nông dân (chia ruộng đất cho dân cày; bãi bỏ sưu thuế). Nhằm vận động nông dân tham gia cách mạng, Đảng có chủ trương rất sáng tạo “Đem những sự bóc lột áp bức trước mắt hàng ngày (thuế, sưu, đói kém, địa tô, cướp đất, nhũng nhiễu của bọn làng, bọn quan,...), làm cho đại đa số dân cày mau giác ngộ” [54; 154]. Chủ trương vận động đấu tranh của Đảng là một sách lược rất khôn khéo, nó phù hợp với thực tế giai cấp nông dân Việt Nam lúc bầy giờ. Bởi vì nhận thức của giai cấp nông dân Việt Nam còn hạn chế, đa số những người nông dân chưa hiểu về cách mang vô sản. Vì vậy Đảng phải xuất phát từ các quyền lợi hàng ngày để vận động nông dân tham gia đấu tranh. Đồng thời nó cũng phù hợp với quy luật nhận thức: vật chất quyết định ý thức. Ở đây mục tiêu chính trị là chiến lược, là đích đến và là phạm trù của ý thức, những lợi ích kinh tế, lợi ích của cuộc sống hàng ngày thuộc phạm trù của vật chất, do vậy để giải quyết được vấn đề ý thức chính trị của giai cấp nông dân thì trước hết phải giải quyết vấn đề vật chất cho họ. Khi họ đã nhận thức được những lợi ích vật chất to lớn của cách mạng vô sản mang lại thì việc vận động họ đấu tranh cho những mục tiêu chính trị là rất hiệu quả. Do vậy ta có thể thấy rằng, biện pháp lôi kéo nông dân đấu tranh trong thời kỳ đầu cách mạng của Đảng là rất căn bản, giải quyết được tận gốc ý thức cách mạng của nông dân.
          Nhằm tạo nên sự giác ngộ, gắn kết, tương trợ lẫn nhau trong giai cấp nông dân, Đảng chủ trương xây dựng tổ chức Nông hội. Tổ chức, điều lệ, quy trình hoạt động chặt chẽ cho thấy sự bài bản, khoa học, công phu của Đảng trong việc vận động cách mạng đối với giai cấp nông dân.
          Ngay sau khi Đảng đưa ra đường lối cách mạng, phong trào cách mạng trong cả nước bùng nổ với sự tham gia đông đảo của nông dân. Từ bắc đến nam, nông dân đều nhất loạt vùng dậy đấu tranh với tinh thần quyết liệt và sự giác ngộ cao. Những cuộc biểu tình được tổ chức chặt chẽ, khẩu hiệu đấu tranh rõ ràng với quy mô hàng nghìn người của nông dân diễn ra phổ biến. Họ không chỉ đấu tranh đòi các quyền lợi kinh tế mà còn có các quyền chính trị, không chỉ có quyền lợi giai cấp mà còn có quyền dân tộc, không chỉ có tinh thần dân tộc mà còn có tinh thần quốc tế vô sản. Ở nhiều nơi cuộc biểu tình của nông dân đã trở thành cuộc đấu tranh vũ trang. Những đặc điểm này của phong trào nông dân thời kỳ 1930-1931 là chưa từng có trong tiền lệ từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Chính từ chủ trương đúng đắn, khoa học của Đảng, cho nên mặc dù bị đàn áp khốc liệt giai cấp nông dân Việt Nam vẫn một lòng theo Đảng, bền bỉ và kiên cường đấu tranh trong suốt thời kỳ từ năm 1932 đến 1935. Một trong những việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là những người nông dân và địa bàn nông thôn đã trở thành căn cứ địa, thành trì bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, các tổ chức cách mạng bất chấp mọi hoạt động phá hoại điên cuồng của đế quốc Pháp và tay sai.
          2. Đường lối của Đảng đối với giai cấp nông dân thời kỳ 1936 đến 1939
          Thời kỳ từ 1936 đến 1939, tình hình thế giới có những thay đổi, đặc biệt là nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh thế giới của chủ nghĩa phát xít. Vì vậy Đảng đã có những điều chỉnh sách lược với mục tiêu trực tiếp và trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Trên cơ sở điều chỉnh sách lược chung, Đảng đã đưa ra những chủ trương, chính sách đối với giai cấp nông dân thời kỳ này.
          Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 7/1935) đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của giai cấp nông dân đối với cách mạng. Đồng thời Đảng đã thành thực rút kinh nghiệm trong việc chưa làm tốt công tác nông dân như: sự thiếu sót về tổ chức, những điều kiện đặt ra quá khắt khe để tập hợp nông dân vào Nông hội hay việc dùng mệnh lệnh để áp đặt nông dân vào nông hội mà coi nhẹ biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Trên cơ sở đó, hội  nghị đã đưa ra quyết định “Đảng phải lãnh đạo thông qua đảng đoàn và bằng biện pháp tuyên truyền, giáo dục, không dùng mệnh lệnh để áp đặt Nông hội” [107;107]. Bên cạnh sự điều chỉnh về phương thức lãnh đạo, Đảng cũng điều chỉnh về mặt tổ chức như phát triển Nông hội ở vùng dân tộc thiểu số; tổ chức Nông hội theo hình thức công khai, bán công khai; phát triển nhiều tổ chức khác nhau nhằm tập hợp nông dân (ban phụ nữ, ban thanh niên) bên cạnh tổ chức Nông hội.
          Với mục tiêu chung là đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, Đảng đã đưa ra khẩu hiệu đấu tranh cho giai cấp nông dân: “Đấu tranh đòi bãi bỏ thuế thân, giảm các thứ thuế khác, xóa nạn cho vay nặng lãi, xóa nợ cho những người còn thiếu, bỏ chế độ làm công ích, cấm tịch ký tài sản vì mắc nợ hoặc vì không đóng thuế” [107; 110]. Những mục tiêu đấu tranh trên của Đảng đưa ra trong thời kỳ 1936-1939 là rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh quốc tế và phù hợp với thực trạng đời sông của người nông dân. Ở đây vấn đề ruộng đất cho người nông dân không được đề cập đến bởi vì Đảng đang thực hiện chủ trương sách lược. Tuy nhiên Đảng vẫn đặt biệt coi trọng việc giải quyết quyền lợi của nông dân. Đảng đã giải quyết hài hòa giữa lợi ích dân tộc và giai cấp, hài hòa giữa cái tổng thể, cái chung với cái riêng. Thực tiễn hoàn cảnh trong nước và quốc tế thời kỳ 1936-1939 chưa thể đưa đến một cuộc cách mạng giành thắng lợi, do vậy việc tạm gác mục tiêu độc lập dân tộc để đấu tranh với các mục tiêu dân chủ nhằm tranh thủ những yếu tố thuận lợi là một đường lối rất sáng tạo của Đảng. Vì vấn đề ruộng đất chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở giải quyết vấn đề độc lập dân tộc, cho nên khi Đảng đã tạm gác vấn đề độc lập dân tộc thì không thể đề cập đến vấn đề ruộng đất. Nếu làm như vậy sẽ tạo nên sự khiên cưỡng và không thể đưa đến bất cứ kết quả có lợi nào cho cách mạng. Do vậy vấn đề ruộng đất của giai cấp nông dân được gác lại là một chủ trương đúng đắn, khoa học của Đảng.
          Phong trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 đã chứng kiến sự tham gia đông đảo của giai cấp nông dân. Phong trào Đông Dương đại hội, nông dân ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng đã tham gia bàn bạc, viết thành những bản dân nguyện ghi rõ những nguyện vọng của nhân dân. Trong phong trào đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, nông dân đấu tranh “chỉ đóng phần thuế chính, không đóng phần mà bọn cường hào hà lạm” [18;233]; đấu tranh trong việc chia ruộng công “người nhiều tuổi nhận trước, người ít tuổi nhận sau;  tuyệt đối không theo chức tước” [18;234]. Thời kỳ này cũng chứng kiến phong trào đấu tranh của nông dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc ít người như ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình,....Dưới chủ trương của Đảng phong trào lập hội của nông dân diễn ra mạnh mẽ. Các hội như: hội Tương tế, hội Ái hữu, hội Hiếu,... được thành lập ở khắp nơi. Công sức Lôtde (Nam Định) đã phải thú nhận: “mấy năm nay người ta thấy các hội này mở ra rất phong phú và đủ màu sắc. Đến nay có tất cả 61 hội đã tuyên bố thành lập” [10; 28]
          Như vậy, với chủ trương phù hợp, đúng đắn của Đảng, phong trào cách mạng đã bùng nổ với sự tham gia của đông đảo nông dân, đấu tranh trên nhiều phương diện khác nhau. Qua phong trào đấu tranh nông dân có sự thấm nhuần sâu sắc hơn về cách mạng, nông dân được tổ chức trong một khối thống nhất mà lại rất đa dạng, nông dân đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, nông dân thu được những lợi ích. Vì vậy có thể nói, mặc dù không trực tiếp đưa ra vấn đề dân tộc, ruộng đất nhưng cuộc vận động này đã tạo ra nền tảng vững chắc để nông dân cùng với các giai cấp, tầng lớp khác giải quyết được mục tiêu dân tộc, ruộng đất ở thời kỳ sau.
          3. Đường lối của Đảng đối với giai cấp nông dân thời kỳ 1939 đến 1945
          Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, chính quyền thân phát xít thành lập ở Pháp. Chính quyền này đã thực hiện các chính sách phát xít ở chính quốc và thuộc địa. Ở Đông Dương chính quyền Catơru tuyên bố: “Chúng ta đánh toàn diện và mau chóng vào các tổ chức cộng sản, trong cuộc chiến tranh này, phải tiêu diệt cộng sản thì Đông Dương mới được yên ổn và trung thành với nước Pháp [78;340]. Thàng 9/1940, Nhật chiếm Đông Dương, những chính sách của Pháp, Nhật đã làm cùng kiệt, lầm than các giai tầng Việt Nam. Những chính sách cơ bản trong thời kỳ này cả Pháp và Nhật đều thực hiện như: vơ vét thóc gạo; bắt nông dân nhổ lúa trồng bông, đay, thầu dầu, thuốc phiện; mua rẻ bán đắt; tô thuế khiến cho nông dân Việt Nam là giai cấp cực khổ và điêu đứng nhất.
          Trong hoàn cảnh mới của thế giới và trong nước, Đảng đã có những điều chỉnh chiến lược trong các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng VI, VII và VIII. Hội nghị lần thứ VIII (5/1941) của Đảng đã xác định: “Nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc” [78;343], Đảng chủ trương chỉ giải quyết một nhiệm vụ cần kíp, duy nhất “dân tộc giải phóng” [78;352]. Trên cơ sở sự điều chỉnh nhiệm vụ cách mạng, Đảng đã tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”, thay bằng khẩu hiệu “tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc”; tạm gác khẩu hiệu “thành lập chính quyền Xô viết công, nông, binh”, thay bằng khẩu hiệu lập “chính quyền dân chủ cộng hòa”.
Sự điều chỉnh trên của Đảng là sự linh hoạt, tính toán khoa học, có chiều sâu trong bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước nhằm tạo ra khối thống nhất, đoàn kết dân tộc cho nhiệm vụ tối thượng là giải phóng dân tộc. Ở đây, Đảng đã có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về sự giác ngộ, ý thức dân tộc của giai cấp nông dân. Thực tế phong trào cách mạng của giai cấp nông dân từ 1930 đến 1941 đã cho Đảng một nhận thức: “Ta cũng đừng tưởng rằng chưa giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân sẽ làm giảm bớt sức chiến đấu đâu....Nông dân sẽ không giảm bớt sự hăng hái tranh đấu mà vẫn nỗ lực tranh đấu mạnh hơn, vì trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, họ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi to tát” [58;120]
Mặc dù tạm gác vấn đề ruộng đất của nông dân nhưng Đảng vẫn có nhận thức đầy đủ về sứ mệnh của giai cấp nông dân và vấn đề ruộng đất đối với họ. Vì vậy Đảng tiếp tục khẳng định “sự đồng minh chặt chẽ của công nông là vấn đề sống chết của cách mệnh” [78;344]; “vấn đề điền địa có giải quyết được rành mạch thỏa mãn và hợp thời thì cuộc cách mệnh phản đế mới thắng lợi [59;344]. Từ nhận định như trên, Đảng đã khẳng định về con đường đi tiếp của cách mạng với việc giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân: “không thể làm cách mạng giải phóng rồi ngừng lại, mà phải tiến lên làm tròn nhiệm vụ tư sản dân quyền” [59;121]. Chính vì vậy, bắt đầu từ thời điểm này đã quyết định lấy địa bàn miền núi, nông thôn với tuyệt đại bộ phận là nông dân làm địa bàn xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ đường lối, quan điểm trên cho ta thấy rằng đến thời điểm này Đảng đã có sự thấu hiểu sâu sắc về giai cấp nông dân, đồng thời cho thấy sự giác ngộ hoàn toàn của giai cấp nông dân qua quá trình vận động cách mạng của Đảng từ 1930 đến 1941. Những điều chỉnh của Đảng ở Hội nghị Trung ương VI, đặc biệt là Hội nghị Trung ương VIII không phải là sự hạ thấp vai trò, quyền lợi của giai cấp nông dân, mà trái lại đã giải quyết được nhiều quyền lợi nhất cho giai cấp nông dân và phát huy cao nhất khả năng cách mạng của họ.
Thực tiễn cuộc vận động Cách mạng tháng Tám với sự tham gia đông đảo, mạnh mẽ và tạo ra sức mạnh to lớn của nông dân đã chứng minh cho sự điều chỉnh đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Nông dân đã tham gia và đóng góp to lớn ở tất cả các khâu trong quá trình chuẩn bị cho cách mạng như xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng chính quyền cách mạng và đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh giành chính quyền với đỉnh cao Cách mạng tháng Tám -1945. Một đặc điểm nổi bật trong Cách mạng tháng Tám là hầu khắp các tỉnh trong cả nước cuộc đấu tranh giành chính quyền đều theo quy tắc giải phóng từ các làng xã, nông thôn rồi đến thành thị, hình thành thế “nông thôn bao vây thành thị”. Rõ ràng ở đây Đảng ta đã rất đúng khi lựa chọn nông thôn là địa bàn chiến lược xây dựng căn cứ và tin tưởng vào tinh thần cách mạng của giai cấp nông dân. Đồng thời giai cấp nông dân đã làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình đối với dân tộc và không phụ sự tin tưởng của Đảng đối với mình. Những người nông dân Việt Nam đã chứng minh rằng, họ luôn luôn đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi giai cấp. Và nếu Đảng cần, họ sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để phục vụ cho sự nghiệp chung của dân tộc.
Kết luận
Nhìn khái quát về đường lối đối với giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ từ 1930 đến 1945 cho ta thấy rằng, Đảng ta đã có sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về giai cấp nông dân vào hoàn cảnh của Việt Nam. Trong cả thời kỳ, đường lối của Đảng đối với nông dân là xuyên suốt, thống nhất, nhưng có sự đúc rút kinh nghiệm, qua đó ngày càng phù hợp và đúng đắn. Sự thấu hiểu của Đảng về thân phận, tình cảnh, vai trò, lợi ích của giai cấp nông dân là nền tảng để Đảng ta có thể phát huy cao nhất sức mạnh to lớn của họ. Cũng chính vì lẽ đó, trải qua quá trình từ khi Đảng ta thành lập đến nay, giai cấp nông dân vẫn một lòng theo Đảng, đồng cam cộng khổ vượt qua những thử thách to lớn và tiến vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Qua đây một lần nữa cho ta khẳng định vững chắc về sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Địa lý THCS ở miền núi.