Đề cương đề tài: Nghiên cứu chế tạo và khảo sát tính chất từ nhiệt của hợp kim Heusler
Trong xu hướng phát triển
mạnh mẽ hiện nay của xã hội loài người, con người ngày càng có cuộc sống hiện đại và yêu cầu
cao hơn. Do đó, vật liệu từ nhiệt đã được tạo ra nhằm đáp ứng những yêu cầu đó.
Vật liệu từ nhiệt có khả năng thay đổi nhiệt độ nhờ vào tác động của từ trường
ngoài. Vì vậy, vật liệu từ nhiệt đã được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng trong
lĩnh vực làm lạnh bằng từ trường. Việc làm lạnh bằng từ trường dựa trên nguyên
lý từ trường làm thay đổi entropy của vật liệu.
Cho đến nay, vật liệu có
hiệu ứng từ nhiệt (MagnetoCaloric Effect - MCE) đã được ứng dụng trong kỹ thuật
làm lạnh ở nhiệt độ rất thấp (đến cỡ micro Kelvin). Các máy làm lạnh bằng từ
trường (sử dụng vật liệu từ nhiệt) ở vùng nhiệt độ phòng đang được thử nghiệm.
Việc ứng dụng vật liệu từ nhiệt trong các máy làm lạnh có ưu điểm là không gây
ô nhiễm môi trường như các máy lạnh dùng khí, có khả năng nâng cao được hiệu suất
làm lạnh, tiết kiệm được năng lượng, kích thước nhỏ gọn và có thể dùng trong một số ứng dụng đặc biệt.
Mục tiêu chính hiện nay đối với các nghiên cứu về từ nhiệt là tìm ra các loại vật
liệu có hiệu ứng từ nhiệt lớn xảy ra xung quanh nhiệt độ phòng và trong biến
thiên từ trường nhỏ (vì các máy móc dân dụng không thể tạo ra từ trường lớn). Hợp
kim Heusler đang là một trong những vật liệu đáp ứng được những yêu cầu trên.
Hợp kim Heusler là một loại
vật liệu có khả năng cho hiệu ứng từ nhiệt lớn. Thuật ngữ "Hợp kim
Heusler" được đặt theo tên của nhà khoa học Đức Friedrich Heusler
(1866-1947) người đã phát hiện ra hợp kim Cu2MnAl có tính sắt từ vào
năm 1903, mặc dù hợp kim này chỉ chứa các nguyên tố không mang tính sắt từ ở dạng
đơn chất.
Năm 2003, Zhang và cộng sự
đã chế tạo hợp kim từ nhiệt Fe2MnSi1-xGex bằng
phương pháp phản ứng pha rắn [60]. Hợp kim có biến thiên entropy từ DSm
đạt được là 1,7 J/(kg.K) và nhiệt độ Curie TC = 260 K. Năm 2005, khi
nghiên cứu các hợp chất Ni-Mn-Ga, nhóm của Zhou [62] đã thu được biến thiên
entropy từ rất lớn (20,4 J/(kg.K)) đối với hợp phần Ni55,2Mn18,6Ga26,2
và có nhiệt độ chuyển pha TC ở gần nhiệt độ phòng (315 K). Ngoài khả
năng cho hiệu ứng từ nhiệt lớn, hợp kim Heusler còn có ưu điểm là có điện trở
suất lớn (tránh tổn hao Fuco), dễ thay đổi nhiệt độ chuyển pha từ và không chứa
đất hiếm (giá thành đắt)... Đó là các yêu cầu cần thiết cho ứng dụng thực tế.
Hợp kim Ni0,5Mn0,5-xSbx thuộc loại hợp kim Heusler và loại hợp kim này có thể thay đổi
tính chất từ dễ dàng nhờ vào sự điều chỉnh hàm lượng Sb. Mặt khác, hợp kim Ni0,5Mn0,5-xSbx có giá thành rẻ, không độc hại và chế tạo không quá phức tạp.
Vì vậy, vật liệu này đang là đối tượng rất có triển vọng để đưa vào ứng dụng
trong thực tế.
Với những lý do nêu trên
chúng tôi quyết định chọn đề tài luận văn là:
"Nghiên cứu chế tạo và khảo sát tính chất
từ nhiệt của hợp kim Heusler Ni0,5Mn0,5-xSbx (x = 0 ÷ 0,4) ".
Mục đích nghiên cứu
Chế tạo được các hợp kim Heusler Ni0,5Mn0,5-xSbx
có hiệu ứng từ nhiệt lớn để định hướng ứng dụng trong thiết bị làm lạnh bằng từ
trường ở vùng nhiệt độ phòng.
Nhiệm vụ nghiên cứu
-
Chế tạo các hợp kim Heusler Ni0,5Mn0,5-xSbx.
-
Khảo sát cấu trúc và thành phần các pha
trong mẫu.
- Nghiên cứu tính chất từ và hiệu ứng từ nhiệt của hợp kim
Heusler Ni0,5Mn0,5-xSbx.
Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
-
Hợp kim Heusler Ni0,5Mn0,5-xSbx
với x = 0 ÷ 0,4.
Phương pháp nghiên cứu
-
Luận văn được thực hiện bằng phương pháp
thực nghiệm.
Chế tạo mẫu
-
Chế tạo mẫu hợp kim Heusler bằng phương
pháp hồ quang.
-
Ủ nhiệt để làm ổn định cấu trúc mẫu.
Các phép đo khảo
sát cấu trúc và tính chất của vật liệu
Các phép đo khảo sát cấu trúc và thành phần các pha trong
mẫu:
-
Nhiễu xạ tia X (XRD): xác định cấu trúc
mạng tinh thể, các pha cấu trúc trong vật liệu.
Các phép đo nghiên cứu tính chất từ:
-
Phép đo sự phụ thuộc của từ độ của vật
liệu vào từ trường ngoài M(H) ở các nhiệt độ khác nhau, từ đó xác định biến thiên
entropy từ để đánh giá được hiệu ứng từ nhiệt.
-
Phép đo sự phụ thuộc của từ độ của vật
liệu vào nhiệt độ M(T) để xác định nhiệt độ Curie TC.
Nội dung của luận
văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn được trình bày trong 3 chương:
Chương 1. Tổng quan về hợp kim Heusler và vật liệu từ nhiệt
1.1. Tổng quan về
vật liệu từ nhiệt
1.2. Hiệu ứng từ nhiệt trong các hợp kim Heusler
Chương 2. Thực nghiệm
2.1. Chế tạo mẫu
2.2. Phép đo phân tích cấu trúc
2.3. Các phép đo khảo sát tính chất từ và từ nhiệt
Chương 3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả phân
tích cấu trúc
3.2. Kết quả khảo
sát tính chất từ nhiệt
3.3. Cơ chế chuyển pha và các
tham số tới hạn
Luận văn được thực
hiện tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm về Vật liệu và Linh kiện Điện tử và Phòng
Vật lý Vật liệu Từ và Siêu dẫn, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Khoa học và Công
nghệ Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét