Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Địa lý THCS ở miền núi.

Dạy học bao gồm hai hoạt động: hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Hai hoạt động này luôn luôn gắn kết với nhau nhằm thực hiện mục 
tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu giáo dục môn Địa lý nói riêng.
    Hiện nay, giáo viên dạy môn Địa lý ở miền núi đã và đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Trong quá trình dạy học gặp không ít những thuận lợi và khó khăn.
    Thuận lợi: Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách phát triển giáo dục miền núi như kiên cố hoá trường học, xoá lớp học bằng tranh tre nứa lá, hỗ trợ sách giáo khoa, giấy bút cho học sinh dân tộc, xây dựng trường bán trú, chính sách ưu đãi để thu hút giáo viên đến công tác ở miền núi... Điều này đã làm cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi của nước ta không ngừng phát triển.
    Tuy vậy, khi đi sâu vào từng môn học (trong đó có môn địa lý) chúng ta có thể nhận thấy những khó khăn (khách quan, chủ quan) đã hạn chế hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học qua các hiện tượng sau:
    Hiện tượng học sinh đi học không đều; Miền núi dân cư thưa thớt, giao thông vận tải khó khăn. Tuy hiện nay miền núi xã nào cũng có đường ôtô từ huyện đến trung tâm xã, nhưng từ các thôn xóm, bản đến trường hầu hết là đường mòn, qua đèo, qua suối. Khi gặp thời tiết bất lợi như mưa lũ, giá rét học sinh sẽ nghỉ học. Ví dụ xã Xuân Sơn (Thanh sơn, Phú thọ) diện tích 64,3 km2, mật độ dân số 16,15 người/ km2. Từ bản Lạng, bản Chỏi đến trường THCS dài 5 km, học sinh phải lội qua 3 suối, trèo qua 1 dốc cao, khi mưa lũ học sinh không thể đến trường được. Một nguyên nhân nữa dẫn đến học sinh đi học không đều là do học sinh chưa ham học. Hơn nữa ngay phụ huynh học sinh cũng chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em họ. 
    Nội dung chương trình địa lý được thiết kế thành một hệ thống lôgic chặt chẽ. Kiến thức kỹ năng của bài sau được phát huy, nâng cao từ kiến thức kỹ năng của bài trước. Việc học sinh đi học không đều đã tạo ra một "khoảng trống" trong kiến thức địa lý của các em.
    Trong lớp, học sinh không nhiệt tình hăng hái tham gia xây dựng bài khi giáo viên hỏi, nhất là đối với học sinh đầu cấp (lớp 6). Thực tế chúng tôi đã từng chứng kiến một giờ giảng, sau khi giáo viên nêu lên câu hỏi (vấn đáp) cả lớp im lặng. Thậm chí giáo viên chỉ định học sinh trả lời thì học sinh cũng chỉ ấp úng trả lời nhưng không theo nội dung của câu hỏi của giáo viên. Qua trao đổi với nhiều giáo viên dạy địa lý ở vùng cao, hầu hết anh chị em đều cho rằng sở dĩ học sinh không trả lời câu hỏi của giáo viên là do học sinh tự ty, " sợ" trả lời không đúng. Có ý kiến cho rằng sở dĩ học sinh không trả lời câu hỏi của giáo viên là do họ thiếu từ, thiếu ngôn ngữ, đặc biệt là những thuật ngữ chuyên ngành. Chúng tôi cho rằng không hẳn là như thế. Điều cốt lõi là trong quá trình giảng dạy giáo viên chua tìm được những giải pháp phù hợp để làm cho học sinh hiểu vấn đề. Nếu giáo viên được học tiếng (ngôn ngữ) dân tộc để sử dụng trong giảng dạy thì hiệu quả của việc dạy học có thể cao hơn.
    Đồ dùng dạy học là công cụ trực quan không thể thiếu được đối với môn địa lý, đặc biệt là bản đồ. Hiện nay việc trang bị đồng bộ đồ dùng dạy học môn địa lý ở THCS chưa đủ về số lượng, chất lượng chưa tốt. Điều này đặt ra vấn đề đòi hỏi giáo viên phải tự trang bị thêm phương tiện dạy học mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"