100 bài thơ hay nhất thế kỉ XX và lời bình (phần 1)

1-    Hồ Chí Minh

     VÃN CẢNH ( Cảnh chiều hôm )
Phiên âm:
Mai khôi hoa khai, hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lí,
Hướng tại lung nhân tố bất bình.
Dịch thơ:
            Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng,
            Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;
            Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
            Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Nam Trân dịch

Lời bình:

    Bài thơ dược viết theo thể thơ tứ tuyệt Đường luật, chỉ với 4 câu - 28 chữ nhưng ý tứ thật hàm súc, sâu xa, không dễ gì hiểu thấu ngay được.
    Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đã viết về bài thơ này. Sự cảm nhận có khác nhau nhưng hầu như ai cũng thấy, như Hoài Thanh: “ Làm sao thấy hết được chiều sâu của một bài thơ như vậy ? Chiều sâu của một cái nhìn, một tấm lòng tinh tế, chi li mà bao la như trời biển ” ( Bác và thơ Bác trong lòng đồng bào miền Nam - Báo Văn nghệ 24/2/1976 )
    “ Vãn cảnh ” ( Cảnh chiều hôm ) xứng đáng là “ Thơ của muôn đời ”.

THƯỢNG SƠN ( Lên núi )
      
Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thượng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai.
                  
Lũng dẻ, 1942
Dịch thơ:
            Hai mươi tư tháng sáu,
            Lên ngọn núi này chơi.
            Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
            Bên suối, một nhành mai.

        Tố Hữu dịch

Lời bình:

    Bài thơ có 4 câu, mỗi câu 5 chữ, Bác đã dựng lên trước mắt chúng ta một bức tranh thật mới mẻ, ấm áp và ẩn hiện đâu đây một chủ thể trữ tình thật cao cả:
Hai mươi tư tháng sáu,
            Lên ngọn núi này chơi.
            Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
            Bên suối, một nhành mai.
    Hình ảnh mặt trời hiện lên gần gũi và đẹp đẽ. Người và mặt trời gắn bó cùng nhau, soi rọi lẫn nhau. Mặt trời cách mạng, mặt trời chân lý, nhưng cũng chính là mặt trời của lý trí, của nghị lực.
    Cảnh vật từ ấm nóng chuyển sang dịu mát, dòng suối bình thản lặng lẽ và nhành mai mảnh dẻ, sáng trong. Nhành mai là hình ảnh quen thuộc trong thi ca Á Đông, trong thơ của Lục Du ( Trung Quốc ), thơ Nguyễn Trãi và Thiền sư Mãn Giác :
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước, một cành mai !
                      ( Cáo tật thị chúng )
    Bài thơ tả cảnh tháng 6, nhưng tràn ắp khí xuân, xuân lòng người, nhuần thấm cho cảnh vật. Cái cao cả hiện ra ở đây là sự hài hoà giữa cái lớn lao hùng vĩ của đất trời với cái cao vời, kỳ diệu của con người.

 NGUYÊN TIÊU ( Rằm tháng giêng )

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.
                      
1948
Dịch thơ:
            Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
            Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
            Giữa dòng bàn bạc việc quân,
            Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Xuân Thuỷ dịch
Lời bình:
  
    Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp mới được 2 năm. Quân dân ta tuy đã giành được chiến thắng thu đông năm 1947, nhưng giữa ta và địch tương quan lực lượng vẫn còn nhiều chênh lệch. Trước mắt những người chèo lái cuộc kháng chiến, khó khăn còn chồng chất.
    Bài thơ được Bác ứng khẩu ngay sau một cuộc họp của Trung ương trong tình hình nói trên - một cuộc họp về quân sự trên sông một nơi khuất nẻo nào đó ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng tinh thần của bài thơ có một cái gì thật là vững vàng, thật là sảng khoái, thật là phơi phới: cảnh sắc của đất, trời, trăng, nước đều tràn đầy sức xuân, tràn đầy ánh sáng ( nguyệt chính viên: trăng vừa tròn; nguyệt mãn thuyền: trăng đầy thuyền; xuân giang, xuân thuỷ, tiếp xuân thiên: sông xuân, nước xuân tiếp với trời xuân ).
    Đọc bài thơ, người ta thường liên tưởng đến nhiều câu thơ cổ nói về cảnh đêm trăng, sông nước v.v… Nhưng vẻ đẹp cổ điển còn thể hiện ở chính hình ảnh nhân vật trữ tình: ung dung giữa cảnh thiên nhiên như một thi sĩ đang ngoạn cảnh với một tâm hồn dạt dào cảm hứng và đầy lạc quan tin tưởng.
    Là người cầm lái con thuyền kháng chiến trong một thời điểm đầy thử thách, Bác Hồ với phong thái ung dung thi sĩ đã thể hiện một bản lĩnh lớn và tâm hồn cao đẹp của nhà cách mạng Hồ Chí Minh
    Để ghi nhớ công ơn của Hồ Chủ tịch, vĩ lãnh tụ vĩ đại, nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới, từ năm 2003 - Hội Nhà văn Việt Nam đã lấy “ Rằm tháng giêng ”, ngày Bác Hồ viết bài thơ “ Nguyên tiêu ” nổi tiếng là “ Ngày thơ Việt Nam ” - Ngày hội lớn của những người yêu thơ, các nhà thơ và người dân đất Việt.
  

2- Nguyễn Khuyến

THU ĐIẾU

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Lời bình:

    Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “ Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu : Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm ”…  Trong những bài thơ ấy, bài
“ Thu điếu ” là điển hình cho mùa thu của nước ta ( Vùng Bắc Bộ ).
Đây là một bài thơ “ Vịnh cảnh, ngụ tình ”. Cái thú vị nhất và cũng là cái hồn của bài thơ ở chỗ tác giả đã phát hiện ra những nét đặc sắc nhất của mùa thu. Đó là một màu xanh phủ đầy không gian và cảnh vật mà nhà thơ Xuân Diệu đã gọi đó là “ cái điệu xanh ” của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Từ cái màu “ xanh ngắt ” của trời thu đến cái màu xanh biếc của nước ao thu, rồi màu xanh của sóng, của bèo, của những bờ tre … tất cả đều xanh một màu xanh bát ngát.
Cảnh vật đẹp, thơ mông, đáng yêu nhưng cảm giác vắng vẻ, quạnh quẽ trong “ điệu thơ ” khá rõ. Một thu buồn hay tâm sự nhà thơ đượm buồn ! Phải chăng đó là nỗi niềm khắc khoải, một tâm sự u hoài, một nhân cách đáng quí của một hồn thơ trước cảnh đất nước bị thực dân đô hộ và nỗi bất lực của bản thân mình !

KHÓC DƯƠNG KHUÊ
      
Bác Dương thôi đã thôi rồi,
            Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.
            Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
            Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời.
Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân;
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau.
Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám than trời;
Bác già tôi cũng già rồi,
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!
Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng chi đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Gường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương;
Tuổi già giọt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!


Lời bình:

    Trong cái thế giới tình cảm của con người, tình bạn là một phương diện cao quí vô cùng. Trong lịch sử văn học Việt Nam cũng như văn học thế giới xưa và nay, tình bạn vẫn là một đề tài phong phú, hẫp dẫn. Nói riêng ở Việt Nam, thơ ca về tình bạn có nhiều nhưng kết tinh thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn thì không nhiều. Trong tình hình đó, bài thơ “ Khóc Dương Khuê ” của Nguyễn Khuyến là một trường hợp quí hiếm. Bài thơ là một tiếng khóc, nhưng qua tiếng khóc đó là cả một tình bạn gắn bó thắm thiết, cao đẹp giữa cuộc đời đau buồn. Bài thơ cũng đã thể hiện  một tài năng nghệ thuật lớn.


3-Trần Tế Xương ( Tú Xương )

THƯƠNG VỢ
  
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
        Nuôi đủ năm con với một chồng.
        Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
        Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
        Một duyên hai nợ âu đành phận,
        Năm nắng mười mưa dám quản công.
        Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Lời bình:
Các nhà thơ nho sĩ ít viết về cuộc sống tình cảm đời tư của mình, càng hiếm khi viết về vợ. Tú Xương thì khác. Trong loạt bài nhà thơ viết về vợ, “Thương vợ ” là bài thơ tiêu biểu.
Đọc bài thơ “ Thương vợ ” tưởng là chỉ hiểu được nỗi lòng của nhà thơ thương vợ, hoá ra còn hiểu được cả nỗi lòng của nhà thơ thương mình. Dù thương mình hay thương vợ, dù mượn tấm áo khoác khinh bạc chửi đời, nhà thơ đã để lộ ra nhân cách cao đẹp của mình, nhân cách của một con người biết tự trọng và giàu lòng yêu thương.

 SÔNG LẤP
      

                Sông kia rày đã nên đồng
            Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
                Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
            Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Lời bình:
Tú Xương không những là một nhà thơ trào phúng đặc sắc mà còn là một nhà thơ trữ tình với nhiều bài thơ nổi tiếng, chứa đựng những tình cảm kín đáo, sâu lắng của nhà thơ.
Chỉ với 4 câu thơ lục bát ngắn gọn, giản dị, chân thực, hàm súc, “Sông Lấp” là một bài thơ trữ tình hay của Tú Xương bộc lộ nỗi u hoài của nhà thơ trước những đổi thay của đất nước do thực dân Pháp gây ra.

4- Tản Đà

THỀ NON NƯỚC

            Nước non nặng một lời thề,
        Nước đi, đi mãi, không về cùng non.
            Nhớ lời “ nguyện nước thề non ”,
        Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
            Non cao những ngóng cùng trông,
        Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.
            Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
            Trời tây ngả bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
            Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
            Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa.
            Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
            Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
        Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,          
        Non non nước nước không nguôi lời thề.

Lời bình:
“ Văn học nằm ngoại những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết ” ( San ty kov Chedrine - Nhà văn Nga, 1826 - 1889 )
Bài thơ “ Thề non nước ” của Tản Đà là một trường hợp như thế.
Nước - non là hình tượng thơ nhiều tầng nghĩa và bài thơ “ Thề non nước ” là bài thơ nhiều tầng ý nghĩa. Có non nước - thiên nhiên với chuyện vịnh cảnh, có non nước - tình yêu đã thành giọng điệu riêng khó lẫn của thơ Tản Đà và sâu kín bên trong chính là non nước - Tổ quốc với tình cảm yêu nước của nhà thơ, dẫu bóng gió nhưng không kém phần thắm thiết chân thành.
Bài thơ “ Thề non nước ” cũng đã thể hiện nhiều phương diện thuộc tài năng thơ ca của Tản Đà: hồn thơ, giọng thơ đậm đà màu sắc dân tộc, ngôn ngữ thơ trong sáng kết tinh cao độ, khả năng dùng điệp từ, hư từ rất mực biến hoá, thần tình, sử dụng thể thơ lục bát nhuần nhuyễn, điêu luyện.

5-Trần Tuấn Khải

     GÁNH NƯỚC ĐÊM
  
Em bước chân ra
Con đường xa tít
Con sông mù mịt
Bên vai kĩu kịt
Nặng gánh em trở ra về
Ngoảnh cổ trông sông rộng giời khuya…
Vì chưng nước cạn nặng nề em dám kêu ai!
Nghĩ tiếc công cho bà Nữ Oa đội đá, vá giời
Cho dã tràng lấp bể biết đời nào xong!
Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng
Nước non gánh nặng
Cái đức ông chồng hay hỡi có hay?
Em trở vai này…

Lời bình:
Bằng thể hát nói, ngôn ngữ giản dị, chân chất, gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân , bài thơ “ Gánh nước đêm ” đã dựng lên được hình ảnh người phụ nữ gánh nước đêm khá sinh động bằng những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, làm cho hình tượng thơ có tính chất đa nghĩa.
Mượn lời người phụ nữ gánh nước đêm, nhà thơ đã nói bóng gió về thời thế, đất nước lúc bấy giờ. Qua tâm sự của người phụ nữ đó, tác giả đã bộc lộ tình cảm yêu nước thầm kín của mình.


6- Ngọc Anh

 BÓNG CÂY KƠ - NIA
  
Buổi sáng em lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ - nia
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ!

Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ - nia
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh mẹ khóc…

Em hỏi cây Kơ - nia:
- Gió mày thổi về đâu?
- Về phương mặt trời mọc!
Mẹ hỏi cây Kơ - nia:
- Rễ mày uống nước đâu?
- Uống nước nguồn miền Bắc!

Con giun sống nhờ đất
Chim phí sống nhờ rừng
Em và mẹ nhớ anh
Uống nước nguồn miền Bắc
Như bóng cây Kơ - nia
Như gió cây Kơ - nia !
              
1960

Lời bình:

    Tây Nguyên với những cơn dông đầu mùa và những trận bão nổi lên. Sấm nổ toác trời. Cây trong vườn, cây ngoài rừng nghiêng ngả, cành lá cúi rạp xuống như van lơn, e sợ. Chỉ còn riêng cây Kơ - nia đứng thẳng, thách thức.

Gió mạnh cuốn bầu trời xám xà thấp xuống. Cành Kơ - nia càng vươn cao, trông xa giống như một trai làng mải mê đánh chiêng trong ngày hội lớn.
  
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rất quí cây Kơ - nia. Kơ - nia được coi như như biểu tượng của tình yêu và sức mạnh, tượng trưng cho lòng thuỷ chung, cho chí kiên cường bất khuất.
    Sống ở mảnh đất dù cằn cỗi, khắc nghiệt thế nào Kơ - nia vẫn vươn mình mọc thẳng xanh tươi. Trong các truyện cổ tích và truyền thuyết cũng như trong các trường ca của đồng bào Tây Nguyên, người ta thường so sánh sức khoẻ của người trai làng với Kơ - nia.

“ Bóng cây Kơ - nia ” là một bài thơ hay. Ngọc Anh có một cảm quan nghệ thuật rất nhạy bén, một cách cấu tứ rất độc đáo.

Hình tượng cây Kơ - nia từ chỗ gợi nhớ, được nhân hoá và đồng nhất hoá, coi như một nhân vật trữ tình nói hộ lòng người con gái. Người con gái ở đây đã nói về mình, về mẹ, trở thành người nói hộ tấm lòng của cả nhân dân miền Nam đối với người thân yêu xa vắng và với cả nhân dân miền Bắc lòng nhớ thương, niềm tin tưởng, thuỷ chung trong những năm đất nước còn bị hai miền.

Các biện pháp nghệ thuật đặc sắc như đối xứng, so sánh, nhân hoá và đồng nhất hoá được dùng để diễn đạt nội dung, tình cảm đẹp đẽ, ca cả đó.



7- Thuý Bắc

 SỢI NHỚ SỢI THƯƠNG
  
Trường Sơn đông
Trường Sơn tây
Bên nắng đốt
Bên mưa quây

Em dang tay
Em xoè tay

Chẳng thể nào
Xua tan mây

Chẳng thể nào
Che anh được

Rút sợi thương
Chằm mái lợp

Rút sợi nhớ
Đan vòm xanh

Nghiêng sườn đông
Che mưa anh

Nghiêng sườn tây
Xoà bóng mát

Rợp trời thương
Màu xanh suốt

Em nghiêng hết
Về phương anh

Lời bình:

    Trong kho tàng văn học Việt Nam và thế giới đã có bao bài thơ rất hay viết về tình yêu. Nhưng tình yêu thật muôn vẻ, vì thế nó là đề tài vĩnh cửu, không bao giờ khô cạn của văn chương. Bài thơ “ Sợi nhớ sợi thương ” viết về tình yêu, nỗi nhớ của một cô gái với một chàng trai - một tình yêu trong sáng, cao thượng, hết lòng đối với người yêu.
Đọc bài thơ, chúng ta lại nhớ đến vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt trong truyện ngắn “ Mảnh trăng cuối rừng ” của Nguyễn Minh Châu với tình yêu trong sáng, đằm thắm, thuỷ chung.
Cái hay của bài thơ là ở sự giản dị, trong sáng, chân thành, giàu âm thanh nhạc điệu…

8-Nguyễn Bính

TƯƠNG TƯ

        Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa, là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi…

Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
        Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
        Thôi Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
  
Lời bình:

    Tương tư là nhớ nhau, trai gái nhớ nhau. Trong bài “ Tương tư ” của Nguyễn Bính, nỗi nhớ ở một phía chàng trai. Đây là một thứ tình của một chàng trai đa tình, dường như sinh ra để mà yêu, mà nhớ, tuy nhiều khi chẳng biết là yêu ai, nhớ ai. Đang ở trong tâm trạng ấy thì bỗng một buổi kia, có một cô gái thôn Đông nào đó lướt qua cuộc đời mình, thế là chàng trai thôn Đoài mắc bệnh tương tư.
Cái đặc sắc nhất của bài thơ là ở cái gì đó rộng hơn chuyện tình yêu trai gái, ấy là cái tình quê, cái hồn quê, cái tấm lòng Việt Nam đối với cái làng cổ truyền của mình mà những hình ảnh gợi lên khiến ta xao xuyến, bồi hồi…


                 ĐÊM SAO SÁNG

Đêm hiện dần lên những chấm sao,
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao.
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh,
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?

Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu.
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu.
Sao Hôm như mắt em ngày ấy,
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu.

Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời.
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến,
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi…

Sao đặc trời, sao sáng suốt đêm,
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền.
Trời còn có bữa sao quên mọc,
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.

Lời bình:

    Trước năm 1954, Nguyễn Bính là nhà thơ nổi tiếng về đề tài tình yêu và nông thôn. Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, vợ ông ở lại miền Nam. Ông tiếp tục sáng tác thơ. Thơ ông thường xoay quanh chủ đề đấu tranh thống nhất nước nhà. “ Đêm sao sáng ” là bài thơ đặc sắc về chủ đề này. Bài thơ kết thúc trong âm hưởng nhớ thương, chung thuỷ:
Sao đặc trời, sao sáng suốt đêm,
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền.
Trời còn có bữa sao quên mọc,
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.
Em ở đây phải chăng đó chính là người vợ thân yêu của ông lúc này đang ở phương Nam xa xôi ?

9-Thu Bồn

         GỞI LÒNG CON ĐẾN CÙNG CHA

Có người thợ dựng thành đồng
Đã yên nghỉ tận sông Hồng mẹ ơi
Con đi dưới một vòm trời
Đau thương nhưng vẫn sáng ngời lòng tin
Đã ngừng đập một quả tim
Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng
Niềm đau vô tận thời gian
Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi
Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lì chông gai
Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm
Cho con những ánh trăng rằm
Có quà có bánh lời thăm ân tình
Bác là Bác Hồ Chí Minh
Qua lòng Bác thấm nghĩa tình bạn ta
Nhẹ nhàng nên Bác đi xa
Bác đi đi mãi vượt qua biên thuỳ
Tiếc rằng trước lúc chia li
Con chưa được thấy dáng đi của Người
Hẳn trong đôi mắt sáng ngời
Còn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam
Con qua Cẩm Lệ sông Hàn
Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha
Hỡi người những đất cùng hoa
Tấm thân bao cuộc sông pha trường kì
Hàng cây Bác đã xanh rì
Bóng râm toả mát đường đi loài người
Bác gieo giống bốn phương trời
Một ngòi bút cũng sáng ngời lưỡi lê.
Bác nằm lòng trải ven đê
Quả tim Bác đã đi về miền Nam
Bác đi dưới rặng dừa lam
Bác đi dưới những vườn cam chín vàng
Cầu treo lắt lẻo Bác sang
Bác đi lẹ làng như thuở còn trai
Bác như ánh nắng ban mai
Chiếu soi bãi rậm truông dài con đi
Những hòn núi đá gan lì
Sát vai đứng trụ dưới vì sao xanh
Những nòng súng thép long lanh
Gạt sương rẽ lá băng nhanh dập dồn
Bạn từ bãi biển Hi - rông
Bạn còn đến để kịp hôn Bác Hồ
Mà con trông đợi Bác vô
Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng
Con xin gửi nắm đất nồng
Chắn đê giữ nước sông Hồng đang lên
Cho con là một mũi tên
Xoà năm cánh nhọn giương trên thành đồng
Việt Nam ơi! Giống Tiên Rồng
Bốn ngàn năm lấy máu hồng làm hoa
Gởi lòng con đến cùng Cha
Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng.
                          
9-1969

Lời bình:

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng. Trong tháng 9 này có hàng trăm bài thơ của các nhà thơ trong và ngoài nước viết về Bác, thể hiện lòng tiếc thương và những tình cảm chân thành đối với Bác Hồ kính yêu. “ Gửi lòng con đến cùng Cha ” của nhà thơ miền Nam Thu Bồn là một trong những bài thơ hay, cảm động viết về đề tài này.
Trong phần mở đầu của bài thơ, chỉ với 4 câu thơ lục bát nhưng đã nói được rất nhiều về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ vĩ đại:
Hành trang Bác chẳng có gì
Một đôi dép mỏng đã lì chông gai
Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm …

10- Vũ Cao
 NÚI ĐÔI

    Bảy năm về trước em mười bảy
    Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng!
    Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa
Bữa thì em tới, bữa anh sang

Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh: Sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi!

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới
Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau.
Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn
Đâu ngờ từ đó bặt tin nhau!

Anh vào bộ đội, lên Đông Bắc
Chiến đấu quên mình, năm lại năm
Mỗi bận dân công về lại hỏi
Ai người Xuân Dục, núi Đôi chăng?

Anh nghĩ quê ta giặc chiếm rồi
Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi
Mỗi tin súng nổ vùng đai địch
Sương trắng người đi lại nhớ người

Đồng đội có nhau thường nhắc nhở:
Trung du làng nước vẫn chờ trông…
Núi Đôi bốt dựng kề ba xóm
Em vẫn đi về những bến sông?

Náo nức bao nhiêu ngày trở lại!
Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi
Hành quân qua tắt đường sang huyện,
Anh ghé thăm nhà, thăm núi Đôi

Mới đến đầu ao, tin sét đánh
Giặc giết em rồi dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa,
Em sống trung thành, chết thuỷ chung!

Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen.
Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
Núi vẫn đôi mà anh mất em !

Dân chợ Phù Ninh ai cũng bảo:
Em còn trẻ lắm nhất làng trong !
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng?

Từ núi qua thôn đường nghẽn lối
Xuân Dục, Đoài Đông cỏ ngút dày
Sân biến thành ao, nhà đổ chái
Ngổn ngang bờ bụi cánh dơi bay.

Cha mẹ dìu nhau về tận đất
Tóc bạc thương từ mỗi gốc cau
Nửa gianh nửa mái lều che tạm
Sương nắng khuây dần chuyện xót đau…

Anh nghe có tiếng người qua chợ:
Ta gắng mùa sau lúa sẽ nhiều…
Ruộng thấm mồ hôi từng nhát cuốc
Làng ta rồi đẹp biết bao nhiêu.

Nhưng núi còn kia anh vẫn nhớ
Oán thù còn đó, anh còn đây!
Ở đâu cô gái làng Xuân Dục
Đã chết vì dân giữa đất này !

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau, anh gọi: em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội - sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
                      
12-1956

Lời bình:

“ Núi Đôi ” của Vũ Cao ( sáng tác năm 1956 ) là một trong những bài thơ nổi tiếng về đề tài tình yêu được nhiều người thích.
Tôi rất tán đồng với nhận định này của nhà thơ - nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương.
“ Sức mạnh lớn nhất của Núi Đôi là ở tình cảm bài thơ, một tình cảm đậm đà phong vị dân tộc, đằm thắm, kín đáo. Bài thơ thấm thía nhưng không buồn bã, đau xót nhưng không rên rỉ, ý chí mạnh mẽ nhưng không lên gân. Một mối tình riêng nhưng lại gắn vào vận mệnh đất nước, là thơ tình yêu mà cũng là thơ chiến đấu ”.
      ( Thơ với lời bình - NXB Giáo dục 1998, trang 106 )

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"