100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX và lời bình (phần 3)


21- Nguyễn Duy
                            
ĐÒ LÈN

                             Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
                             níu váy bà đi chợ Bình Lâm
                             bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
                             và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

                             Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
                             chân đi đêm xem lễ đền Sòng
                             mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
                             điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
         
                             Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
                             bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
                             bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn

Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
giữa bà tôi và tiên Phật, thánh thần
cái năm đói, củ dong giềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm

Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
đến Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ là một nấm cỏ thôi.
Lời bình

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ nổi tiếng của thơ ca thời kỳ chống Mĩ cứu nước. Chùm thơ: Tre Việt nam, Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông đã giành giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1973.
Đò Lèn là một địa danh nổi tiếng ở Thanh Hoá, quê hương tác giả. Bài thơ viết về người bà cùng những kí ức tuổi thơ gắn liền với địa danh thân thiết ấy cho thấy cảm hứng về cội nguồn là một nét đẹp trong cảm xúc thơ của tác giả.
 “ Đò Lèn ” tập trung những nét tiêu biểu nhất trong phong cách thơ Nguyễn Duy như nhận định của Sách giáo khoa “ Ngữ văn 12 ”:
“ Thơ Nguyễn Duy hướng tới cái đẹp của đời sống giản dị quanh ta, phát hiện trong thế giới quen thuộc ấy sự lắng kết của những giá trị vĩnh hằng. Những  xúc cảm chân thành, những suy tư sâu sắc được diễn tả bằng một hình thức thơ vừa giàu tính cách dân gian vừa phảng phất phong vị thơ cổ điển phương Đông ”.
( Ngữ văn 12, Tập một - SGK thí điểm,
Ban khoa học xã hội và nhân văn, bộ 1.
NXB Giáo dục, Hà Nội - 2005, tr 223 )
Cùng với “ Đò Lèn ”, các bài thơ: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng … là những bài thơ hay của thế kỷ XX.
         



22- Nguyễn Khoa Điềm
                   
          KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ

                             Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
                             Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
                             Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
                             Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
                             Mồ hôi mẹ rơi trên má em nóng hổi
                             Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

-         Ngủ ngoan A kay ơi, ngủ ngoan A kay hỡi
Mẹ thương A kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
          Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka Lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ
Em ngủ ngoan đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng

-         Ngủ ngoan A kay ơi, ngủ ngoan A kay hỡi
Mẹ thương A kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka Lưi…

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
          Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để giành trận cuối
Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

-         Ngủ ngoan A kay ơi, ngủ ngoan A kay hỡi
Mẹ thương A kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người Tự Do
Lời bình

Nói đến Nguyễn Khoa Điềm, đông đảo bạn đọc trong cả nước đều biết đến bài “ Đất Nước ” nổi tiếng, trích phần đầu chương V của trường ca “ Mặt đường khát vọng ”.
Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ” được tác giả sáng tác vào ngày 25 tháng 3 năm 1971, là một trong số những bài thơ hay của ông.
Bài thơ đồng thời là lời hát ru. Tác giả ru em Cu Tai ngủ ngoan ( đồng thời miêu tả hình ảnh người mẹ ). Người mẹ ru em ngủ ngoan nhưng đó là lời ru thầm, lời ru trong tim ( Lưng đưa nôi và tim hát thành lời ). Lời ru của tác giả và lời ru của người mẹ nối tiếp nhau, đan cài, hoà quyện vào nhau làm nên những khúc hát ru vừa đằm thắm, dịu dàng, vừa trầm tư, sâu lắng.
Bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ” là một trong những đài kỷ niệm kì vĩ ghi lại chiến công và lòng yêu nước của những con người vô danh trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.


23- Cầm Giang
                   
 NÚI MƯỜNG HUNG - DÒNG SÔNG MÃ

                             Anh là núi Mường Hung
                             Em là dòng sông Mã
                             Sông nhiều rêu, nhiều cá
                             Núi nhiều thú, nhiều măng
                             Chiều bóng anh che sông
Sớm mặt em lóng lánh
Sáo cành cây anh thổi vang lanh lảnh
Gió lùa qua miệng anh lại mỉm cười
Rộn lòng em thuyền độc mộc ngược xuôi
Như trăm nỗi băn khoăn khi đến tuổi
Nếu trời làm em sóng nổi
Anh ngả mình ngăn lại lúc phong ba
Em là búp bông trắng
Anh là ngọn lúa vàng
Thi nhau lớn đẹp nương
Toả mùi thơm cùng nghe chim hót
Em cứ về nhà trước
Đợi anh ở bên sông
Anh làm no lòng mường
Em làm vui ấm bản
Nếu con gấu giẫm gẫy cành bông trắng
Là lúa anh sẽ cứa đứt chân
Nếu lúa này chuột khỉ dám đến ăn
          Xơ bông em sẽ bay mù mắt nó.

          Anh là rừng thẳm
          Em là suối sâu
Cây rừng anh làm cầu
Bắc ngang lên dòng suối
Hoa sim nở đỏ chói
Soi bóng xuống lòng em
Nếu hùm về, suối em sẽ thành thác
Nếu sói về, rừng anh sẽ thành chông
Quyết chẳng chịu đau lòng
Đời chúng ta rừng núi
Suối em phá tan bóng tối
Rừng anh chặn lại bão dông
Để anh lớn mãi thành núi Mường Hung
Em ngoan chảy thành dòng sông Mã.
Lời bình

Núi Mường Hung là núi lớn nhất ở Sơn La và Lai Châu. Núi và sông, Em và Anh là những hình ảnh nổi bật, đan cài xuyên suốt bài thơ.
“ Núi Mường Hung - Dòng sông Mã ” như một truyện thơ ngắn của các dân tộc Tây Bắc lại đậm đà chất sử thi Tây Nguyên.


24- Lữ Giang
                            
ĐÀN BẦU

                   Tặng anh Nguyễn Đình Phúc

                             Lắng tai nghe đàn bầu
                             Ngân dài trong đêm thâu
                             Tiếng đàn như suối ngọt
Cứ đưa hồn lên cao.

Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm như giọng cha.

Đàn ngày xưa não ruột
Có người hát sẩm mù
Ôm đàn đi trong mưa…
Mưa hoà cùng nước mắt.

Đưa hồn ta lên cao
Đàn bầu làm suối ngọt
Tình yêu quê dâng trào
Thay cho dòng nước mắt.
                  
                   1956
Lời bình

Đàn bầu ” được sáng tác năm 1956. Từ một bài thơ, “ Đàn bầu ” trở thành một bài hát nổi tiếng. Với bài hát này, nhiều ca sĩ trẻ đã đạt giải nhất cuộc thi tiếng hát truyền hình Sao Mai và đã thành danh.
Bài thơ được viết theo thể thơ 5 chữ, chỉ có 4 khổ - 16 câu thơ, tôi thích nhất khổ thơ thứ hai:
“ Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm như giọng cha… ”
Đọc bài thơ “ Đàn bầu ” của Lữ  Giang, tôi lại nhớ đến bài thơ “ Cái đàn bầu ” của nhà thơ nữ nổi tiếng Bla - ga Đi - mi - tơ - rô va ( Bun ga ri ) viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

25- Nam Hà

CHÚNG CON CHIẾN ĐẤU CHO NGƯỜI SỐNG MÃI VIỆT NAM ƠI!

                                                                   Đường dài đi giữa Trường Sơn
                                                                   Nghe vọng bài ca đất nước
                   Đất nước
                   Bốn ngàn năm không nghỉ
Những đạo quân song song cùng lịch sử
Đi suốt thời gian đi suốt không gian
Sừng sững dưới trời anh dũng hiên ngang

Đất nước
Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt
Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt
Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua
Từ non ngàn cho tới biển xa.

Đất nước
Của những chiến công hiển hách
Của những con người không bao giờ khuất
Của những tâm hồn ! Ôi ! Đất nước Việt Nam
Mà ta yêu ta quý vô vàn.

Đất nước
Của thơ ca
Của bốn mùa hoa nở
Đọc trang Kiều tưởng câu hát dân gian
Nghe xôn xao trong gió nội mây ngàn.

Đất nước
Của những dòng sông
Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn
Ngọt lịm những giọng hò xứ xở
Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa.

Đất nước
Của những người mẹ
Mặc áo thay vai
Hạt lúa củ khoai
Bền bỉ nuôi chồng nuôi con chiến đấu.


Đất nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt.

Đất nước
Của Bác Hồ
Của óc thông minh và lòng dũng cảm
Của những đèn pha Cách mạng
Soi sáng chân trời xuyên suốt đại dương.

Ơi tuổi thanh xuân !
          Mang bốn ngàn năm lịch sử trong tim
Ta sung sướng được làm người con Đất nước
Ta băng tới trước quân thù như triều như thác
Ta làm bão làm giông
Ta lay trời chuyển đất
Ta trút hờn căm đã làm nên những vinh quang bất diệt
Sức mạnh bốn ngàn năm đã biến thành bão lửa ngút trời.

Đất nước !
Ta hát mãi bài ca Đất nước
Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc
Cho mắt ta nhìn tận cùng trời
Và cho chân ta đi tới cuối đất
Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi !


Lời bình

Đây là một trong những bài thơ hay viết về đề tài Đất Nước. Bài thơ ra đời trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có trong sổ tay của đông đảo thanh niên, học sinh và những người lính trẻ trước giờ ra trận.
Đoạn thơ sau được nhiều người yêu thích:

“ Đất nước
Của những người mẹ
Mặc áo thay vai
Hạt lúa củ khoai
Bền bỉ nuôi chồng nuôi con chiến đấu.

Đất nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt ”.


26- Nguyễn Phan Hách
         
LÀNG QUAN HỌ

                             Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng quan họ
Những cánh buồm nhớ thương
Câu ca đầu ngọn gió.

Mẹ giặt yếm bên sông
Đêm trăng thanh hát gọi
Con nước chảy lơ thơ
Con cò đi lặn lội.

Tháng Giêng mùa hát hội
Áo nâu ướp hương trầm
Nón thúng quai thao rủ
Buông dài nếp xống thâm.

Chen nhau sau khóm trúc
Trống cơm vỗ bập bùng.
Mắt như dao cau ấy
Nhìn bên Đoài bên Đông.

Cửa đình hồ bán nguyệt
Chị Cả tựa mạn thuyền
Anh Hai ngồi bẻ lái
Quan họ về trao duyên.

Anh dắt em qua cầu
Cởi áo đưa cho nhau
Nhớ về nhà dối mẹ
Gió bay rồi còn đâu…

Làng quan họ quê tôi
Những ngày bom Mỹ thả
Quán đổ dưới gốc đa
Chín nhịp cầu trăn trở.

Pháo lên núi Thiên Thai
Súng trường lên Quán Dốc
Loan phượng vẫn ăn xoài
Vườn xoan đào vẫn mọc.

Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát.

Mẹ mang nước lên đồi
Yêu các con mẹ hát
Bao nhiêu máy bay rơi
Sau mái đầu tóc bạc…

Thuyền thúng thuyền thúng ơi
Có ghé về tỉnh Bắc
Nghe tiếng hát quê tôi
Trên tầm bom đạn giặc.

Lời bình

Nguyễn Phan Hách quê ở xứ Kinh Bắc, vùng quan họ ( Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh ). Phải gắn bó máu thịt với vùng quê này mới có thể viết được một bài thơ hay, giàu âm thanh nhạc điệu và đậm đà tính dân tộc như bài thơ “Làng quan họ ”.

27- Định Hải

 BÀI CA VỀ TRÁI ĐẤT

                             Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi, tiếng chim vờn sóng biển
Cùng bay nào, cho trái đất quay !
Cùng bay nào, cho trái đất quay !

Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu
Vàng, trắng, đen … dù da khác màu
Ta là nụ, là hoa của đất
Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm !
Màu da nào cũng quý, cũng thơm !

Khói hình nấm là tai họa đấy
Bom H bom A không phải bạn ta
Tiếng hát vui giữ bình yên trái đất
Tiếng cười ta cho trái đất không già
Hành tinh này là của chúng ta !
Hành tinh này là của chúng ta !

Lời bình

Bài ca về trái đất ” là một trong những bài thơ hay, nổi tiếng của Định Hải viết cho thiếu niên, nhi đồng.
Bài thơ là bài ca về hoà bình, tình thương yêu con người và tình đoàn kết các dân tộc trên toàn thế giới.






28- Thanh Hải
         
MÙA XUÂN NHO NHỎ

                                      Mọc giữa dòng sông xanh
                                      Một bông hoa tím biếc
Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.

                                                11-1980


Lời bình

Thanh Hải viết bài thơ này vào tháng 11-1980 trong thời gian ông bị ốm nặng, ít lâu sau ông mất. Song bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ ” vẫn tràn đầy lòng yêu đời, yêu cuộc sống, thể hiện sự gắn bó thiết tha, sâu nặng với cuộc đời, đặc biệt là tinh thần, ý thức trách nhiệm của ông đối với đất nước và dân tộc.
Chủ đề của bài thơ được bộc lộ rõ nhất trong hai khổ thơ:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

29- Tế Hanh

                     QUÊ HƯƠNG

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“ Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng
Dân chài lưới, làn da ngăm râm nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc thuyền vôi
Thoảng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !

Lời bình

Quê hương ” là bài thơ hay của Tế Hanh nói lên sự gắn bó đằm thắm, sâu nặng của ông đối với quê hương. Bài thơ đã làm hiện lên trước mắt chúng ta hình ảnh một làng quê “ làm nghề chài lưới ”, hình ảnh những người dân chài cùng cuộc sống lao động của họ.
Nhà thơ đặc tả cánh buồm, sự so sánh thật độc đáo:
Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
          Hình ảnh người dân chài lưới và những chiếc thuyền về bến yên nghỉ sau một ngày lao động cũng thật tài tình:
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Bài thơ của Tế Hanh trong sáng, có nét hồn nhiên nhưng không kém phần sâu sắc. Lời thơ giản dị, những hình ảnh, chi tiết đều được nảy sinh từ cảm xúc, tình cảm chân thành của tác giả.
Trở lại với đề tài này, năm 1956 Tế Hanh có thêm một bài thơ đặc sắc “Nhớ con sông quê hương  ”.
Có thể kể thêm một bài thơ hay, xúc động khác của Tế Hanh về đề tài tình yêu - đấu tranh thống nhất nước nhà: bài “ Chiêm bao ”.


30- Trần Mạnh Hảo
         
ĐÊM AN GIANG

Đêm An Giang như bà mẹ tảo tần
Mẹ thức suốt canh chừng đàn con ngủ
Đất biên giới choàng trời sao quần tụ
Như tấm vải dù tôi khoác nguỵ trang.

Có thể đêm nay bọn giặc mò sang
Có thể chúng lại đốt nhà, ném trẻ con vào lửa
Phải chặn đứng bóng đêm thời trung cổ
Phải diệt trừ tội ác thuở hồng hoang.

Bảy Núi trời đêm màu sữa mịn màng
Cây cỏ chiêm bao, chim muông đẫy giấc
Thức cùng chúng tôi tuần tra trinh sát
Cả bầu trời gieo hạt suốt đêm thâu.

Đất nước phía Tây nam một dải tuyến đầu
Một dải rừng, dải làng, dải núi
Không thể để một mầm cây bị cháy
Một nắm đất biên thuỳ cũng chính lòng ta.

Những bàn chân im lặng bước tuần tra
Những ngọn súng tinh tường xuyên bóng tối
Tổ quốc đây và nhân dân ở đấy
Đôi mắt tôi nhìn mang lửa cháy nghìn xưa.

Dân tộc mấy trăm năm đội nắng, dầm mưa
Mở đất, mở rừng, khai sơn, phá thạch
Mới có cánh cỏ, mái nhà, sử sách
Đất đai này huyết mạch của cha ông.

Đêm nay sao trời đang xếp lại thành sông
Em bé ngủ trong nôi say nồng như hạt lúa
Đêm nay làng bên có chàng trai vừa hỏi vợ
Rẫy bắp trổ cờ, chim trong tổ thiu thiu.

Bàn tay tôi ôm khẩu súng nâng niu
Quen thuộc như ngày xưa ôm bó lúa
Những bà mẹ đêm nay ôm con thơ say ngủ
Tất cả yên lành sau nhịp bước tuần tra.

Đêm An Giang ngọn gió, quá hào hoa
Thong dong thổi bay mùi cây mùi đất
Phải ngọn gió đang cùng tôi trinh sát
Biên giới và đêm, sao rải khắp chân rừng.
                                                         
1979
Lời bình

Đêm An Giang ” sáng tác năm 1979 là bài thơ hay của Trần Mạnh Hảo viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam.
Hình ảnh người lính, hình ảnh Tổ quốc hiện lên thật sinh động, độc đáo:
Những bàn chân im lặng bước tuần tra
Những ngọn súng tinh tường xuyên bóng tối
Tổ quốc đây và nhân dân ở đấy
Đôi mắt tôi nhìn mang lửa cháy nghìn xưa.

Dân tộc mấy trăm năm đội nắng, dầm mưa
Mở đất, mở rừng, khai sơn, phá thạch
Mới có cánh cỏ, mái nhà, sử sách
Đất đai này huyết mạch của cha ông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Địa lý THCS ở miền núi.