NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẢM BẢO TIỀN VAY BẰNG TÀI SẢN TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN



1.1. Tính cấp thiết
            Hoạt động tín dụng là hoạt động mang lại lợi nhuận chủ yếu cho ngân hàng, tuy nhiên nó cũng mang lại rủi ro lớn nhất. Các ngân hàng luôn phải tìm biện pháp để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn vốn. Vì vậy hoàn trả tín dụng là điều kiện quan trọng hàng đầu để thực hiện các mục tiêu kinh doanh của ngân hàng. Để thu hồi được các khoản nợ, ngân hàng không chỉ xem xét đến phương án sản xuất, uy tín, năng lực trả nợ mà phải thực hiện các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của khách hàng. Một trong những giải pháp mà ngân hàng chú trọng đó là cho vay có bảo đảm. Bảo đảm tiền vay bằng tài sản là một trong những điều kiện quan trọng để cấp tín dụng và cũng là lá chắn rủi ro hiệu quả của các ngân hàng thương mại.
            Tuy nhiên, tùy vào từng khoản vay nhất định mà ngân hàng xem xét có đòi hỏi có bảo đảm hay không, bảo đảm như thế nào. Nếu biện pháp bảo đảm quá chặt chẽ thì sẽ hạn chế cho vay dẫn tới hạn chế hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng, ngược lại, nếu biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản quá lỏng lẻo thì có khả năng phát sinh rủi ro, tiêu cực là khó tránh khỏi dẫn tới làm thất thoát vốn của ngân hàng. Mặc dù về phía nhà nước, ngân hàng nhà nước đã ban hành các quy chế, chính sách quy định và hướng dẫn thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản trong hoạt động ngân hàng song cũng khó tránh khỏi những điều vướng mắc, bất cập. Bên cạnh đó việc vận dụng các quy chế vào thực tế vẫn còn những khó khăn, sai sót nhất định, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do vậy để hoạt động một cách an toàn, hiệu quả, ngân hàng cần đặc biệt chú trọng vào việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng nghiệp vụ bảo đảm tiền vay bằng tài sản tạo tiền đề cho việc tồn tại, vươn lên trong môi trường ngân hàng cạnh tranh khốc liệt ngày nay.
            Trong những năm vừa qua, để đảm bảo khả năng thu hồi các khoản nợ vay của khách hàng, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã tích cực thực hiện công tác bảo đảm tiền vay bằng tài sản và đã đạt được một số kết quả nhất định: hệ thống danh mục tài sản đảm bảo của ngân hàng đã được tăng lên, mức độ đảm bảo an toàn vốn cao, công tác xử lý thu hồi nợ được đảm bảo. Tuy nhiên Ngân hàng vẫn còn tồn tại một số các hạn chế trong công tác đảm bảo tiền vay bằng tài sản như danh mục tài sản đảm bảo chưa được đa dạng, công tác định giá tài sản đảm bảo còn nhiều bất cập, tốc độ xử lý tài sản đảm bảo còn chậm, còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý tài sản đảm bảo.
1.2. Tổng quan về chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng thương mại
1.2.1. Đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng thương mại
Bảo đảm tiền vay bằng tài sản là việc các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải có tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc bên thứ ba để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng, tạo cở sở kinh tế, pháp lý để TCTD có thể thu hồi được các khoản nợ trong trường hợp rủi ro xẩy ra.
Theo điều 328 bộ luật dân sự về bảo đảm tiền vay thì có 7 biện pháp đảm bảo là: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký quý, ký cược, bảo lãnh, tín chấp. Trong đó có các hình thức bảo đảm tiền vay bằng tài sản chủ yếu được sử dụng trong thực tế như sau:
- Cầm cố tài sản.
- Thế chấp tài sản của khách hàng vay.
- Chuyển nhượng các khoản phải thu.
1.2.2. Chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng thương mại
Chất lượng bảo đảm tiền vay bằng tài sản là chất lượng TSBĐ làm bảo đảm cho khoản vay của khách hàng có khả năng thực hiện đúng chức năng là nguồn thu nợ thứ hai với giá trị thu hồi cao trong một khoảng thời gian xử lý thích hợp với chi phí hợp lý và đảm bảo uy tín của ngân hàng trong trường hợp rủi ro xẩy ra.
            Chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản được đánh giá bằng các chỉ tiêu định lượng và chỉ tiêu định tính.
a. Chỉ tiêu định tính
            Hệ thống các chỉ tiêu định tính để đánh giá chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng thương mại bao gồm các chỉ tiêu sau:
- Chỉ tiêu về danh mục tài sản bảo đảm
- Chỉ tiêu về thẩm định tài sản bảo đảm
- Chỉ tiêu về đăng kí giao dịch bảo đảm
- Chỉ tiêu về quản lý tài sản bảo đảm
- Chỉ tiêu về xử lý tài sản bảo đảm
b. Các chỉ tiêu định lượng
- Các chỉ tiêu mức độ đảm bảo của Tài sản bảo đảm
+ Chỉ tiêu mức độ đảm bảo của Tài sản bảo đảm
Mức đảm bảo của TSBĐ =
Tổng giá trị TSBĐ
Tổng dư nợ cho vay có bảo đảm bằng tài sản
Tỷ lệ này càng thấp thì chứng tỏ khả năng thu hồi đủ nợ từ TSBĐ cao, tỷ lệ này cao chứng tỏ khả năng thu hồi từ TSBĐ thấp. Tuy nhiên tỷ lệ này nên ở mức độ vừa phải, không quá cao để tránh gây rủi ro cho ngân hàng nhưng cũng không nên thấp quá. Theo quy định của nhà nước tỷ lệ này phải dưới 80 % để đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng.
- Các chỉ tiêu về giá trị thanh lý tài sản bảo đảm
+ Tình hình thu hồi vốn từ bảo đảm tiền vay bằng tài sản.
Mức độ thu hồi vốn từ
bảo đảm bằng tài sản
=
Giá trị thu hồi từ TSBĐ được xử lý
Tổng dư nợ phải xử lý
Tỷ lệ này càng cao càng tốt, tỷ lệ này cao chứng tỏ dư nợ phải xử lý có khả năng được bù đắp lớn, khả năng bảo tồn nguồn vốn của ngân hàng cao. Ngược lại chỉ tiêu này thấp chứng tỏ khả năng bù đắp vốn của TSBĐ thấp.
+ Tình hình thanh lý TSBĐ của nợ có khả năng mất vốn
Mức độ thanh lý TSBĐ so
với nợ có khả năng mất vốn
=
Giá trị TSBĐ thanh lý
Nợ có khả năng mất vốn
Chỉ tiêu này phản ánh khả năng thu hồi nợ có khả năng mất vốn từ tài sản bảo đảm. Cho biết mỗi đồng vốn có được từ TSBĐ được thanh lý bù đắp được bao nhiều đồng vốn có khả năng bị mất của ngân hàng.
+ Tình hình về nợ có khả năng mất vốn.
Nợ có khả năng mất vốn hay nợ nhóm 5 là những khoản vay đã quá hạn trên 360 ngày, khoản nợ khoanh chờ chính phủ xử lý, các khoản nợ đã được cơ cấu lại trên 180 ngày theo thời hạn cơ cấu lại.
Tỷ lệ nợ nhóm 5
=
Tổng dư nợ nhóm 5
Tổng dư nợ có TSBĐ
Chỉ tiêu này càng thấp càng tốt, chứng tỏ ngân hàng kiểm soát tốt tình hình nợ mất vốn của mình, giảm thiểu các chi phi phí xử lý nợ, các thủ tục rắc rối và mất nhiều thời gian.
- Các chỉ tiêu dư nợ cho vay có bảo đảm tiền vay bằng tài sản
+Tình hình dư nợ theo hình thức bảo đảm.
Tỷ trọng dư nợ cho vay có bảo
đảm bằng tài sản so với tổng dư nợ
=
Dư nợ cho vay có TSBĐ
Tổng dư nợ
Chỉ tiêu này cho biết có bao nhiêu phần trăm dư nợ của ngân hàng được bảo đảm tiền vay bằng tài sản đảm bảo. Tỷ lệ này cao hay thấp còn tùy thuộc vào chính sách cho vay của ngân hàng, đối tượng khách hàng. Các ngân hàng thương mại Việt Nam thường duy trì tỷ lệ này rất cao để đảm bảo sự an toàn do sự bất cập thông tin giữa ngân hàng và khách hàng.
+ Tình hình dư nợ theo danh mục tài sản bảo đảm
Tỷ lệ dư nợ loại TSBĐ
so với tổng dư nợ có TSBĐ
=
Dư nợ loại TSBĐ
Tổng dư nợ có TSBĐ
 Tỷ lệ này phán ánh loại tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản, giấy tờ có giá.. chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng dư nợ có TSBĐ của ngân hàng. Tùy theo chính sách kinh doanh, điều kiện đặc điểm kinh tế khu vục mà tỷ lệ này ở mỗi chi nhánh ngân hàng khác nhau.
+ Chỉ tiêu nợ quá hạn của khoản cho vay có bảo đảm so với dư nợ có đảm bảo.
Được xác định bằng công thức:
Nợ quá hạn khoản vay có BĐBTS so với dư nợ cho vay có BĐBTS
=
Nợ quá hạn của khoản vay có BĐBTS
Tổng dư nợ cho vay có BĐBTS
Nợ quá hạn là khoản nợ vay của khách hàng có một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và (hoặc) nợ lãi (tùy theo quan điểm của ngân hàng) đã quá hạn. Nợ quá hạn được quyết định 493/2005/QĐ - NHNN ban hành phân định cụ thể. Theo đó nợ quá hạn bao gồm các nhóm nợ 2; 3; 4; 5. Nợ xấu bao gồm các khoản nợ nhóm 3, 4 và 5 và nợ có khả năng mất vốn gồm nợ nhóm 5.
Ta có công thức tính các tỷ lệ nợ là:
Tỷ lệ dư nợ nhóm i
=
Tổng dư nợ nhóm i
Tổng dư nợ có TSBĐ

Tỷ lệ nợ xấu
=
Tổng dư nợ nhóm 3,4 và 5
Tổng dư nợ có TSBĐ

Tỷ lệ nợ nhóm 5
=
Tổng dư nợ nhóm 5
Tổng dư nợ có TSBĐ
Chỉ tiêu này phản ánh hiệu quả hoạt động tín dụng, đo lường chất lượng nghiệp vụ tín dụng và bảo đảm tiền vay bằng tài sản của ngân hàng. Tỷ lệ này càng thấp chứng tỏ ngân hàng có nghiệp vụ tín dụng và bảo đảm tiền vay bằng tài sản tốt.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thu thập tài liệu, thông tin là việc thu thập những tài liệu, số liệu được công bố và những tài liệu số liệu mới liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh và chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ.
Số liệu được thu thập từ giáo trình, tài liệu tham khảo, số liệu trên các báo cáo của ngân hàng, từ internet, hỏi các cán bộ ngân hàng có liên quan…
Các số liệu thu thập được về kết quả hoạt động kinh doanh và chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ đưa vào máy tính, dùng phần mềm EXCEL để tổng hợp, tính toán các chỉ tiêu cần thiết như dư nợ có tài sản bảo đảm, giá trị tài sản bảo đảm….Các chỉ tiêu này được tính cả số tuyệt đối, số tương đối và tốc độ tăng trưởng bình quân.
- Phương pháp thống kê so sánh: Là phương pháp sử dụng phổ biến trong phân tích để xác định mức độ, xu thế biến động của các chỉ tiêu phân tích.
            - Phương pháp tổng hợp: Là phương pháp liên kết thống nhất toàn bộ các yếu tố, các nhận xét mà khi ta sử dụng các phương pháp có được thành một kết luận hoàn thiện, đầy đủ.
3. Thực trạng chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ
3.1. Chỉ tiêu định tính
- Danh mục tài sản đảm bảo: Tài sản bảo đảm được chi nhánh Agribank tỉnh Phú Thọ chấp nhận rất đa dạng: động sản, bất động sản, các giấy tờ có giá. Trong danh mục tài sản ngân hàng đã nhận có hơn tới 90% là bất động sản còn lại là động sản và giấy tờ có giá. Chi nhánh thường nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất làm tài sản bảo đảm. Điều này thể hiện sự thận trọng của ngân hàng.Tuy nhiên tài sản bảo đảm tại chi nhánh thường không được mua bảo hiểm như các ngân hàng khác.
- Định giá tài sản bảo đảm: Tỷ lệ thanh lý tài sản bảo đảm của khoản nợ có khả năng mất vốn lớn hơn 90%. Chứng tỏ công tác đánh giá giá trị tài sản của chi nhánh khá tốt. Việc xem xét đánh giá tài sản, nhìn nhận về giá trị của tài sản việc quản lý TSBĐ bước đầu hình thành để phục vụ cho việc xem xét lựa chọn TSBĐ vẫn còn ở mức sơ khai. Nhận thức về quyền lựa chọn TSBĐ của cán bộ tại chi nhánh còn chưa đầy đủ. Tại chi nhánh cán bộ tín dụng hầu như chỉ căn cứ vào TSBĐ để cho vay cũng là một hướng đi lệch lạc, vì nguồn hoàn trả thứ nhất đó là kinh doanh có hiệu quả để dòng tiền vay quay trở lại trả nợ NHTM mới là mục đích tối cao của ngân hàng và khách hàng.
- Đăng ký giao dịch bảo đảm: Chi nhánh luôn thực hiện đầy đủ việc đăng kí giao dịch bảo đảm cho tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng. Tỷ lệ các giao dịch được đăng ký giao dịch bảo đảm lớn chiếm khoảng 83% trong tổng số giao dịch cho vay.
- Quản lý tài sản bảo đảm: Tại chi nhánh ngân hàng, cán bộ tín dụng nẵm giữ trực tiếp các giấy tờ chứng nhận sở hữu, quyền sử dụng đất mà không thông qua phòng quản lý nợ như các ngân hàng khác. Nếu trong quá trình lưu giữ giấy tờ bị thất lạc hay sử dụng không đúng mục đích thì rủi ro sẽ xẩy ra cho chi nhánh, việc khắc phuc hậu quả là vô cùng khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngân hàng. Tại chi nhánh cán bộ tín dụng phải định kỳ xuống cơ sở kiểm tra tình hình kinh doanh, đặc biệt là kiểm tra tình trạng tài sản bảo đảm còn hay mất, hao mòn như thế nào. Đồng thời tiến hành tái thẩm định TSBĐ theo định kỳ TSBĐ hoặc khi đi cấp hạn mức tín dụng mới cho khách hàng. Tuy nhiên, công việc này thường rất hay bị sao nhãng, cán bộ tín dụng cũng như lãnh đạo chi nhánh Agribank tỉnh Phú Thọ có thể  chủ quan chưa lường hết được hậu quả pháp lý khi xảy ra tranh chấp về tài sản.
- Xử lý tài sản bảo đảm: Tại chi nhánh việc xử lý tài sản bảo đảm ít diễn ra do số lượng tài sản xử lý không nhiều, tài sản không có tranh chấp và cơ bản cũng không có tranh chấp với khách hàng nên trình tự xử lý cũng không phực tạp. Tài sản bảo đảm sau khi xử lý được thu hồi tới 90% với chi phí xử lý thấp và thủ tục không quá phức tạp, thời gian cũng không kéo dài do không có sự tranh chấp về tài sản, đây là một điểm hiệu quả của ngân hàng.
3.2. Chỉ tiêu định lượng
Bảng 1. Một số chỉ tiêu định lượng đánh giá chất lượng đảm bảo tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ
Đơn vị tính: %
Chỉ tiêu
Năm 2010
Năm 2011
Năm 2012
Tỷ lệ đảm bảo của TSBĐ
212,77
192,31
178,57
Mức độ thu hồi vốn từ TSBĐ
89,91
90,15
93,52
Tỷ lệ giá trị thanh lý TSBĐ so với nợ mất vốn khó đòi
84,00
88,00
90,00
Tỷ lệ dư nợ phải xử lý TSBĐ so với tổng dư nợ
0,72
0,51
0,82
(Nguồn: Phòng kế hoạch tổng hợp ngân hàng NN&PTNTchi nhánh tỉnh Phú Thọ)
Tỷ lệ đảm bảo của TSBĐ ở mức 212,77% – 178,57% cao hơn các ngân hàng khác trên địa bàn nhưng với đặc điểm kinh doanh của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ là thực hiện cho vay chủ yếu cho các dự án phát triển nông nghiệp nông thôn nên có rủi ro bất định cao thì đây cũng là tỷ lệ hợp lý cho chi nhánh. Tỷ lệ này có xu hướng giảm xuống do chi nhánh đa dạng và nới lỏng các điều kiện vay vốn nhằm thu hút khách hàng cạnh tranh với các chi nhánh ngân hàng khác trong khu vực. Dù chưa thu hồi hoàn toàn được nợ nhưng chi nhánh đã thu hồi được trên 90% nợ xử lý. Tỷ lệ mức độ thu hồi vốn từ TSBĐ đang tăng dần, năm 2010 là 89,91%, năm 2011 là 90,15% và sang năm 2012 tăng lên thành 93,52%. Tỷ lệ này tăng càng cao càng tốt như vậy chi nhánh sẽ mất ít vốn hơn, bảo toàn nguồn vốn của ngân hàng, tránh việc trích dự phòng làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Tỷ lệ giá trị thanh lý so với nợ mất vốn khó đòi tăng lên qua các năm khả năng thu hồi nợ của ngân hàng đang được cải thiện lên. Tỷ lệ thanh lý nợ mất vốn khó đòi đạt 84% năm 2010, 88% năm 2011 và sang năm 2012 đạt 90%.Tỷ lệ xử lý nợ cao nhưng ngân hàng vẫn chưa thu hồi được hoàn toàn vốn.
Việc phải xử lý tài sản của khách hàng là việc ngân hàng không bao giờ mong muốn, vừa tốn kém chi phí, thời gian và công sức của ngân hàng. Ở chi nhánh Agribank Phú Thọ tỷ lệ dư nợ phải xử lý tài sản bảo đảm ở mức thấp 0,72% năm 2010, 0,51%  năm 2011 và là 0,82% năm 2012. Có được điều này là do sự cố gắng giải quyết các khoản nợ có rủi ro của ngân hàng.
Bảng 2. Tình hình dư nợ theo từng hình thức bảo đảm bằng tài sản
Đơn vị tính: triệu đồng
Chỉ tiêu
Năm 2010
Năm 2011
Năm 2012
Số tiền
Tỷ trọng (%)
Số tiền
Tỷ trọng
(%)
Số tiền
Tỷ trọng
(%)
Tổng dư nợ
5.125.127
100
5.689.657
100
6.628.310
100
DN CóTSBĐ
4.543.746
88,66
4.992.883
87,75
6.018.367
90,8
Cầm cố TS
423.525
9,32
405.245
8,12
704.088
11,7
Thế chấp TS
4.120.221
90,68
4.587.638
91,88
5.314.279
88,3
TC TS của  người đi vay
3.554.305
86,26
3.976.467
86,68
4.539.304
85,42
TC TS của bên thứ ba
451.684
10,96
473.080
10,31
581.801
10,95
TC TS HT trong TL
114.232
2,77
138.092
3,01
193.174
3,63
TC các khoản phải thu
-
-
-
-
-
-
DN không có TSBĐ
581.381
11,34
696.774
12,25
609.943
9,2
(Nguồn: Phòng kế hoạch tổng hợp ngân hàng NN&PTNTchi nhánh tỉnh Phú Thọ)
Tỷ lệ dư nợ có bảo đảm tiền vay bằng tài sản  của ngân hàng luôn cao trên 88% tổng dư nợ của cả chi nhánh. Trong dư nợ cho vay có bảo đảm tiền vay bằng tài sản thì tỷ trọng dư nợ thế chấp cao nhất ở mức trên 88%, bảo lãnh và cầm cố có tỷ trọng dưới 12%. Chứng tỏ ưu thế của hình thức thế chấp là an toàn nên luôn được ngân hàng ưu tiên sử dụng. Dư nợ cho vay không có bảo đảm tiền vay bằng tài sản ở mức 9 - 12% chủ yếu là cho vay theo chính sách của nhà nước.
Bảng 3. Tình hình nợ xấu có TSBĐ so với tổng dư nợ có TSBĐ
Đơn vị tính: triệu đồng
Chỉ tiêu
Năm 2010
Năm 2011
Năm 2012
Số tiền
Tỷ trọng
 (%)
Số tiền
Tỷ trọng
(%)
Số tiền
Tỷ trọng
 (%)
Dư nợ có TSBĐ
4.543.746
100
4.992.883
100
6.018.367
100
Nhóm 1
4.449.237
97,92
4.912.498
98,39
5.918.462
98,34
Nhóm 2
38.622
0,85
28.959
0,58
33.101
0,55
Nhóm 3
19.538
0,43
17.974
0,36
24.073
0,4
Nhóm 4
15.449
0,34
16.976
0,34
22.870
0,38
Nhóm 5
20.901
0,46
16.477
0,33
19.861
0,33
(Nguồn: Phòng kế hoạch tổng hợp ngân hàng NN&PTNTchi nhánh tỉnh Phú Thọ)
Trong năm 2010 tỷ lệ nợ quá hạn của dư nợ có TSBĐ so với dư nợ có TSBĐ của chi nhánh là 2,08% trong đó tỷ lệ nợ xấu tương tự là 1,23%, nợ có khả năng mất vốn là 0,46 % với số tiền là 20.901 triệu đồng. Các tỷ lệ này tương ứng giảm trong năm 2011. Nợ xấu của chi nhánh giảm từ 1,23% năm 2010, còn 1,03% năm 2011 và sang năm 2012 có tăng thêm 0,08 % thành 1,11%. Nguyên nhân nợ quá hạn vẫn còn cao là do nguồn thu chính để trả của người vay là từ sản xuất nông nghiệp nên không tránh khỏi rủi ro thiên tai, giá nông sản bị giảm…ảnh hưởng đến tình hình thu nợ.
4. Giải pháp nâng cao chất lượng bảo đảm tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ
Quy trình tín dụng tại chi nhánh chưa có sự hoàn chỉnh chặt chẽ. Để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu gia tăng lợi nhuận đi đôi với an toàn vốn kinh doanh:
            Trước hết: Chi nhánh phải tự mình hoàn thiện quy trình cấp tín dụng vừa có tính chất chuẩn mực, định hướng cho mọi hình thức tài trợ vốn, vừa là hệ quy chiếu để thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát, từ đó dễ dàng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, vướng mắc.
Thứ hai: Để thuận lợi cho công tác của mình, chi nhánh nên đưa ra các tiêu thức quy định cụ thể về việc định giá tài sản bảo đảm. Tiêu thức để định giá tài sản cần được xây dựng có căn cứ thực tế và có cơ sở pháp lý, khoa học để có thể định giá tài sản hợp lý nhất.
- Đa dạng hóa danh mục tài sản bảo đảm tiền vay bằng tài sản
Ngân hàng nên có chính sách để khuyến khích khách hàng bảo đảm bằng những loại hình tài sản khác như là khoản phải thu, các hợp đồng dự thầu chưa có trong danh mục TSBĐ và chi nhánh nên nới lỏng điều kiện hơn và mở rộng loại hình bảo đảm.
Thứ nhất: Chi nhánh cần thành lập riêng một phòng thẩm định tài sản có cán bộ chuyên trách đảm nhiệm công việc thẩm định.
Thứ hai: Trước khi nhận một tài sản làm vật đảm bảo cán bộ thẩm định cũng cần phải kiểm tra xem tài sản đó đã được khách hàng dùng làm tài sản đảm bảo tại tổ chức tín dụng nào khác chưa.
Ngoài ra, chi nhánh nên xây dựng một hệ thống thông tin đầy đủ và cập nhật về tình hình tài sản cũng như những biến động trên thị trường về các tài sản khách hàng đem đến ngân hàng để dùng làm đảm bảo.
- Tuân thủ các nguyên tắc khi thẩm định TSBĐ
Nguyên tắc định giá tài sản là là cơ sở quan trọng để đưa ra các tiêu chí và xây dựng nên các phương pháp định giá khoa học. Nó cho phép tiếp cận và ước lượng một cách hợp lý giá trị tài sản.
Các nguyên tắc cơ bản cần được tuân thủ khi thẩm định TSBĐ: nguyên tắc sử dụng tốt nhất và hiệu quả nhất, nguyên tắc thay thế, nguyên tắc dự kiến các khoản lợi ích tương lai, nguyên tắc đóng góp, nguyên tắc cung cầu.
Để có thể định giá TSBĐ một cách hợp lý nhất, cán bộ ngân hàng cần lựa chọn và kết hợp linh hoạt các phương pháp định giá tài sản vì mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng.
Các phương pháp định giá TSBĐ sử dụng phổ biến: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp chi phí, phương pháp thặng dư
Chi nhánh phải thường xuyên đánh giá lại giá trị của tài sản bảo đảm. Do giá trị tài sản bảo đảm chính là nguồn thu nợ thứ hai của ngân hàng, nên sự biến động giá trị của tài sản bảo đảm có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của khoản vay.
- Tăng cường yêu cầu khách hàng mua Bảo hiểm cho TSBĐ
Đối với những loại TSBĐ mà pháp luật quy định phải mua bảo hiểm, chi nhánh yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm. Do đó, đối với tài sản bắt buộc phải mua bảo hiểm, việc thẩm định TSBĐ lại càng phải được thực hiện chặt chẽ, kĩ lưỡng. Tuy nhiên, để đảm bảo thu nợ, khi mua bảo hiểm cho TSBĐ, chi nhánh cần phải thỏa thuận với khách hàng vay, bên bảo lãnh về việc chuyển tên người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm là chi nhánh trong trường hợp có rủi ro xảy ra.
Để quản lý tốt tài sản bảo đảm, ngân hàng cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý về chất lượng tài sản bảo đảm. Vấn đề đặt ra ở đây là chi nhánh phải có những biện pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản bảo đảm, phải chú trọng từ khâu tuyển dụng cán bộ thẩm định có chuyên môn về máy móc, kỹ thuật, xây dựng cơ bản, đến việc giành những chi phí thích hợp cho công tác phân tích thẩm định khách hàng và tài sản bảo đảm, hoặc ban hành những quy định hành chính buộc khách hàng phải cam kết bảo dưỡng, nhằm duy trì công suất cũng như giá trị tài sản, tránh trường hợp khách hàng bán mất tài sản bảo đảm hoặc thay thế phụ tùng, thiết bị làm giảm giá trị thị trường, cán bộ tín dụng cần thường xuyên đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm và giám sát chặt chẽ công tác bảo quản, lưu trữ, sử dụng tài sản đảm bảo bằng tài sản của khách hàng.
- Sử dụng chính sách thu gốc và lãi hợp lý đối với từng khách hàng
Ngân hàng cần có chính sách thu hồi gốc và lãi hợp lý đối với từng khách hàng để có thể thu hồi được gốc và lãi, đảm bảo kết quả kinh doanh cho ngân hàng.
Chi nhánh nên thành lập một phòng ban quản lý và xử lý nợ tồn đọng, phải lập một đề án tổng thể về xử lý nợ xấu của chi nhánh bên cạnh quyết định 493 của NHNN và quyết định 636 của ngân hàng NNo&PTNT Việt Nam. Đề án phân cụ thể hai mảng nợ quá hạn và mảng nợ xấu để giám sát cụ thể tình trạng của từng khoản nợ. Ở mỗi nhóm được đánh giá phân tích kỹ nguyên nhân nợ quá hạn, tình hình tài chính của khách hàng  trong nhóm triển vọng phục hồi hoặc có thể phải phá sản để đưa ra biện pháp thích hợp.
Chi nhánh phải yêu cầu các khách hàng cung cấp đầy đủ các thông tin về TSBĐ như giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, giấy tờ về bảo hiểm tài sản, các hợp đồng mua bán có liên quan tới tài sản để bảo đảm cho khoản vay...
Bên cạnh việc thông tin thu thập về TSBĐ thì chi nhánh cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như là từ các đối tác của khách hàng, từ các TCTD khách, CIC của ngân hàng nhà nước, cơ quan thuế, hải quan, Sở tư pháp, Sở tài nguyên môi trường....các thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, tình hình kinh tế xã hội.
            Trước hết: Để hạn chế những rủi ro nói trên, trước hết bản thân cán bộ tín dụng phải tuân thủ một cách nghiêm túc quy trình cho vay, từ việc lập hồ sơ (đặc biệt là các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thuế chấp, hợp đồng bảo lãnh) đến việc kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, định kỳ đánh giá lại giá trị của các loại TSĐB so sánh với giá thị trường.
Thứ hai: Cán bộ tín dụng có thể tự mình nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân thông qua việc tìm tòi học hỏi và không ngừng tích luỹ kinh nghiệm nhằm làm phong phú hơn kiến thức thực tiễn kinh doanh của mình, có được sự hiểu biết về tâm lý khách hàng để có thể thương lượng với khách hàng, đưa ra các quyết định cho vay chính xác kịp thời, dự đoán được những rủi ro có thể xảy ra đối với khoản vay.
Thứ ba: Chi nhánh nên thường xuyên xây dựng các chương trình đào tạo CBTD thực sự mang tính chuyên môn hoá và hữu ích cao.
5. Kết luận
Đề tài đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận chung về chất lượng bảo đảm tiền vay tại ngân hàng thương mại.
Đề tài cũng đã phân tích thực trạng chất lượng bảo đảm tiền vay bằng tài sản tại ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2010 đến năm 2012, ngân hàng đã thực hiện công tác bảo đảm tiền vay bằng tài sản và đã đạt được một số kết quả: Ngân hàng đã xác định đúng được vai trò của đảm bảo tiền vay bằng tài sản, danh mục tài sản đảm bảo có cải thiện hơn so với những năm trước, mức độ đảm bảo an toàn vốn bằng tài sản đã được nâng cao, công tác xử lý thu hồi nợ được đảm bảo. Bên canh đó NHNo & PTNN vẫn còn có một số hạn chế trong công tác bảo đảm tiền vay bằng tài sản: danh mục tài sản đảm bảo vẫn chưa được phong phú, công tác định giá tài sản đảm bảo còn nhiều bất cập thiếu tính cạnh tranh, mức độ bảo hiểm của các tài sản đảm bảo còn thấp, công tác quản lý tài sản còn gặp nhiều khó khăn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"