GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ



Mở đầu
Khi đất nước ta bước vào thời kỳ “mở cửa” và chuyển sang nền kinh tế thị trường, không chỉ có các đơn vị nhà nước và hợp tác xã được cung ứng hàng hóa, dịch vụ nữa mà còn có sự tham gia của rất nhiều thành phần kinh tế khác: tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài,…Lúc này, người tiêu dùng trở thành một yếu tố rất quan trọng bởi người tiêu dùng là đối tượng hướng tới của các chủ thể kinh doanh. Mặt khác, các chủ thể kinh doanh lại luôn tìm cách để tối đa hóa lợi nhuận quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng bị xâm hại trầm trọng và trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, gian lận xăng dầu, hàng giả, hàng nhái…. Đây cũng là mặt trái của nền kinh tế thị trường mà chúng ta phải gánh chịu.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, là một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, Việt Nam cũng đã học tập kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và nhằm khắc phục những hạn chế của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đang tồn tại, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào năm 2010. Đây là một bước tiến lớn góp phần hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Luật mới được ban hành và đi vào cuộc sống được hơn 2 năm nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn. Mỗi địa phương lại có những vấn đề riêng trong việc thực hiện Luật. Phú Thọ là một tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và trong những năm gần đây, kinh tế Phú Thọ đã phát triển đa dạng với nhiều ngành nghề kinh doanh, số lượng doanh nghiệp cũng tăng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê về dân số và mật độ dân số năm 2010, dân số Phú Thọ là 1.322.100 người và là tỉnh đông dân thứ 2 trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Như vậy, số lượng người tiêu dùng tại tỉnh Phú Thọ cũng khá phong phú. Tình hình vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cũng chịu ảnh hưởng chung như trong cả nước. Hoạt động của các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì còn nhiều lúng túng và đồng thời, người tiêu dùng cũng còn “lơ mơ” với Luật.
2. Kết quả và thảo luận
2.1. Kết quả đạt được
            Trong những năm qua kể từ khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai áp dụng trên toàn quốc trong đó có tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã cố gắng nỗ lực thực hiện tốt các công việc của mình như tuyên truyền pháp luật, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
            * Về việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật
            Các cơ quan chức năng cụ thể như Sở Công Thương, Chi cục QLTT phối hợp với các cơ quan khác và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
            * Về đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
            Các cơ quan có chức năng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh luôn luôn tìm cách nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ được giao nhiệm vụ làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
            * Về sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước
            Các cơ quan nhà nước mà trực tiếp là Sở Công Thương luôn nắm vững tình hình thị trường để kiểm soát các hoạt động kinh doanh có hiệu quả, đồng thời có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh để làm tốt các công tác như đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái phép khác, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
            * Về công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát
            Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra đến các cơ sở kinh doanh và đã phát hiện, ngăn chặn nhiều sai phạm của các chủ thể kinh doanh, tiêu hủy nhiều hàng hóa vi phạm, thu nộp về ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
            * Về hoạt động của các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
            Trong suốt quá trình hoạt động của mình từ khi thành lập vào năm 2002, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức được nhiều buổi hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hội cũng đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng về các vấn đề chất lượng hàng hóa, sản phẩm, giá cả của sản phẩm,…
2.2. Hạn chế và nguyên nhân
            Sau hơn 2 năm thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung đã đạt được nhiều kết quả nhưng trong quá trình thực hiện Luật vẫn còn nhiều tồn tại cần được khắc phục.  
            Điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp nên đôi khi người tiêu dùng không quan tâm đến các quy định của Luật và thường chọn những hàng hóa, dịch vụ có giá thành thấp (thậm chí chấp nhận mua cả hàng giả, hàng nhái,…) nhưng chất lượng của các sản phẩm này thì lại chưa được đảm bảo.
            Qua 11 năm hoạt động, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng chỉ mới thiết lập được 2 hòm thư tại chợ Trung tâm thành phố Việt Trì và chợ Mè (thị xã Phú Thọ); tiếp nhận 45 đơn thư ý kiến khiếu nại của người tiêu dùng (chủ yếu là ở thành phố Việt Trì) tập trung vào các vấn đề gian lận thương mại, như: thiếu định lượng hàng bao gói sẵn, quảng cáo mập mờ gây nhầm lẫn; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
            Chính vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai và thực hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhưng chưa đạt được hiệu quả cao, nhiều bộ phận người tiêu dùng chưa nắm được quy định của Luật, còn “mơ hồ” với Luật. Người tiêu dùng cũng có tâm lý “ngại” khiếu nại, khởi kiện khi bị xâm hại quyền lợi.
            Công tác kiểm tra, thanh tra cũng được các cơ quan chức năng như Chi cục Tiêu chuẩn và đo lường chất lượng, Chi cục QLTT,… tăng cường nhưng do lực lượng cán bộ còn mỏng mà số lượng các chủ thể kinh doanh nhiều, địa bàn rộng nên việc kiểm tra cũng chưa được toàn diện.
            * Nguyên nhân
- Hạn chế lớn nhất sau hai năm thực hiện luật, có thể nói công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành luật trong thời gian qua còn rất hạn chế về phương pháp thông tin, tuyên truyền chủ yếu chỉ thực hiện ở các hội nghị, hội thảo, tập huấn.
- Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa được củng cố hoàn thiện và thống nhất về tổ chức.
- Ở Phú Thọ hiện nay và ở hầu hết các tỉnh phía Bắc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đều chưa được công nhận là hội đặc thù nên không được nhà nước cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động, lại thiếu nhân lực chuyên trách, mặt khác cho đến nay hầu hết các hội đều không được cơ quan Nhà nước giao nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước.
- Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa ý thức được doanh nghiệp cần người tiêu dùng.
- Tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người tiêu dùng tỉnh Phú Thọ nói riêng rất ngại va chạm nên nếu bị xâm hại quyền lợi với những giá trị nhỏ thì xu hướng chung của người tiêu dùng là thường “bỏ qua”.
2.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
* Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật
            Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng có thể phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các buổi ngoại khóa của các trường học từ cấp Trung học cơ sở, Phổ thông trung học, Cao đẳng, Đại học,…trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng phối hợp với phía các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để tổ chức các buổi nói chuyện, thảo luận về vấn đề quyền lợi người tiêu dùng.
* Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng
            Người tiêu dùng nắm bắt các quy định của pháp luật và thực hiện triệt để các quyền của mình chính là thể hiện vai trò của người tiêu dùng để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả cao.
* Nâng cao trách nhiệm của các chủ thể kinh doanh
            Các chủ thể kinh doanh cần nắm vững quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ý thức được vai trò của người tiêu dùng với sự phát triển, tồn tại của mình. Khi làm được điều này, có nghĩa là pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tạo được hiệu quả thực thi cao.
* Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước
            Đối với vấn đề này, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mà đặc biệt là Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm khắc để trừng trị những kẻ vi phạm đồng thời răn đe các đối tượng khác.
            UBND tỉnh có hướng trợ giúp nguồn kinh phí hoạt động, tạo điều kiện hơn nữa cho Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh để Hội có thể thực hiện tốt chức năng bảo vệ người tiêu dùng của mình.

* Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Phú Thọ

            Trong thời gian tới, Hội có thể phối hợp tốt hơn với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, tìm sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, các tổ chức để hoạt động của Hội phong phú hơn, đặc biệt là có nguồn kinh phí để triển khai các dự án,…về bảo vệ người tiêu dùng.
* Tăng cường phối hợp từ phía các cơ quan, đoàn thể khác
Tăng cường hoạt động của Đoàn liên ngành như Công thương, Y tế, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học công nghệ,… tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, chất lượng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Kết luận
            Qua nghiên cứu vấn đề thực tiễn thực hiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhóm tác giả nhận thấy các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, công tác triển khai thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Chính vì vậy, việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đạt hiệu quả chưa cao. Để giải quyết tình trạng trên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiêu dùng…trên địa bàn tỉnh cần phối hợp thực hiện đồng thời và triệt để các biện pháp.

Tài liệu tham khảo
1. TS. Nguyễn Thị Vân Anh, TS. Nguyễn Văn Cương (2010), Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
2. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ (2011, 2012, 2013), Báo cáo tổng kết.
3. Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Phú Thọ (2012), Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2 (2007-2012).
4. Phạm Thị Hiền (2011), “Vai trò của Hội bảo vệ người tiêu dùng trong việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng”, Khóa luận tốt nghiệp, Trường ĐH Luật HN.
5. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010, Quốc hội khóa XII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 17/11/2010.


Phạm Lan Hương Khoa Kinh tế và QTKD

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"