ẢNH HƯỞNG CỦA MẬT ĐỘ, THỨC ĂN THUẦN DƯỠNG ĐẾN TỶ LỆ SỐNG, TỶ LỆ THÀNH THỤC VÀ HỆ SỐ THÀNH THỤC CỦA CÁ CHẠCH SÔNG



1. Mở đầu
Hiện nay, khi ngành chăn nuôi phải đối mặt với các thách thức về bệnh dịch ảnh hưởng tới sức khỏe con người việc người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm thủy sản là tất yếu, do tính an toàn và lợi ích từ các sản phẩm thủy sản mang lại. Chính sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm hiện nay đặt ra cho ngành thủy sản một thách thức mới. Ngoài việc tăng sản lượng và năng suất của các giống loài thủy sản truyền thống, thì việc nghiên cứu chủ động sản xuất các giống loài quý hiếm có giá trị kinh tế là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Cá Chạch sông (Mastacembelus armatus) là một trong những loài có giá trị kinh tế cao trên hệ thống sông Hồng và một số sông suối khác. Do giá bán cao nên cá Chạch sông đang bị khai thác quá mức bằng những phương tiện huỷ diệt, không đúng quy cách  làm giảm nghiêm trọng nguồn lợi loài cá này.
Với mục đích tạo nguồn cá Chạch sông bố mẹ phục vụ quá trình sản xuất cá Chạch sông giống, nhằm cung cấp nguồn cá giống ốn định cho người nuôi, tôi tiến hành đề tài: “Ảnh hưởng của mật độ, thức ăn thuần dưỡng đến tỷ lệ sống, tỷ lệ thành thục và hệ số thành thục của cá Chạch sông (Mastacembelus armatus)

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Cá Chạch sông. Cỡ cá bố mẹ: 100-150g/con, cỡ tuổi hơn 1 tuổi.
2.2. Phương pháp bố trí thí nghiệm      
a. Bố trí thí nghiệm mật độ nuôi thuần dưỡng cá Chạch sông
Thí nghiệm được phân thành 3 lô, tương ứng với các công thức mật độ khác nhau, mỗi thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Các lô thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên, được cho ăn cùng loại thức ăn và các điều kiện về sinh thái, và phương pháp chăm sóc.
Các công thức mật độ như sau:
+ MĐ 1: 1kg/1m3                        + MĐ 2: 2kg/1m3                                          + MĐ 3: 3 kg/1m3

b. Bố trí thí nghiệm công thức thức ăn

Thí nghiệm được phân thành 3 lô, tương ứng với các công thức thức ăn khác nhau, mỗi thí nghiệm được lặp lại 3 lần. Các lô thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên. Cá ở các lô thí nghiệm được nuôi cá được nuôi mật độ trong bể xi măng 2m3, có nước chảy và sục khí liên tục; các điều kiện về sinh thái, và biện pháp chăm sóc tương tự nhau, chỉ khác nhau về yếu tố TN.
Các công thức thức ăn như sau: CT1: 100% Giun quế, CT2: Thức ăn công nghiệp độ đạm 28%, CT3: Cá tạp băm nhỏ

Các chỉ tiêu nghiên cứu và phương pháp thu số liệu: Tỷ lệ sống, hệ số thành thục, tỷ lệ thành thục. Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu sẽ được xử lý bằng phần mềm SPSS để so sánh tìm ra sự sai khác ở mức ý nghĩa α=0,05.  

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Tỷ lệ sống, sinh trưởng, tỷ lệ thành thục của cá Chạch khi nuôi thuần dưỡng ở các mật độ

3.1.1. Tỷ lệ sống của cá Chạch khi nuôi ở các mật độ khác nhau

Bảng1. Ảnh hưởng của mật độ đến tỷ lệ sống cá Chạch sông
Công thức mật độ
Tỷ lệ sống trung bình (%)
15 ngày
30 ngày
MĐ1
89,52a
95,71a
MĐ2
89,36a
95,56a
MĐ3
81,45b
92,01a
Những số liệu trong một cột được đánh dấu  ký tự giống nhau không có sai khác ý nghĩa.
Tại thời điểm 15 ngày nuôi thuần dưỡng, cá bắt đầu làm quen với môi trường nuôi nhân tạo nên tỉ lệ sống ở 3 công thức mật độ đạt trung bình 86,78%, tỷ lệ sống của cá ở công thức mật độ 1 và mật độ 2 lần lượt là 89,52% và 89,36% cao hơn ở công thức mật độ 3 tỷ lệ sống của cá chỉ đạt 81,45%. Sự khác biệt về tỷ lệ sống giữa công thức mật độ 1 và 2 so với công thức mật độ 3, có sự khác biệt về thống kê ở mức ý nghĩa P<0,05.
Ở giai đoạn từ 15-30 ngày nuôi tỷ lệ sống của cá ở công thức mật độ 3 là thấp nhất, đạt 92,01% thấp hơn so với tỷ lệ sống của công thức mật độ 1 và 2 đạt lần lượt là 95,71% và 95,56%. Tuy nhiên khi so sánh về mặt thống kê ở mức ý nghĩa 0,05 thấy sự khác biệt giữa các công thức.
Như vậy, các công thức mật độ khác nhau cho tỷ lệ sống khác nhau. Trong quá trình nuôi thuần dưỡng cá Chạch sông để đảm bảo được cá cho tỷ lệ sống tốt nên nuôi cá với mật độ 1 kg/1m3, hoặc 2kg/1m3.

3.1.2. Hệ số, tỷ lệ thành thục của cá Chạch khi nuôi ở các mật độ khác nhau

Ở điều kiện nuôi vỗ thành thục nhân tạo ở các công thức mật độ khác nhau, hệ số thành thục của cá Chạch sông đạt thấp nhất ở MĐ 3 là 17,92%, ở các MĐ 1 và 2 hệ số thành thục của cá đạt lần lượt là 18,01% và 18,25%, tuy nhiên khi so sánh về mặt thống kê không thấy có sự khác biệt giữa các công thức P>0,05.
Quá trình kiểm tra hệ số thành thục, giữa các lần lặp có sự khác nhau. Ở tất cả các công thức thí nghiệm, hệ số thành thục đạt cao nhất tại lần lặp 2. Điều này có thể là do thí nghiệm ở lần lặp 2 trùng với chính giữa mùa vụ sinh sản tự nhiên của cá vào tháng 5 nên hệ số thành thục đạt cao nhất.
Bảng 2. Ảnh hưởng của mật độ đến hệ số thành thục cá Chạch sông nuôi thuần dưỡng
Công thức mật độ
Hệ số thành thục %
Tỷ lệ thành thục %
MĐ1
18,01a
66,16a
MĐ2
18,25a
64,72a
MĐ3
17,92a
64,81a
Những số liệu trong một cột được đánh dấu  ký tự giống nhau không có sai khác ý nghĩa.
Qua bảng 2 cho thấy tỷ lệ cá thành thục của cá thấp nhất là 64,72% ở công thức mật độ 2, cao nhất  là 66,16% ở công thức mật độ 1. So sánh về mặt thống kê cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ cá thành thục giữa các công thức, như vậy có thể kết luận các mật độ nuôi trên không ảnh hưởng tới tỷ lệ thành thục của cá.
Qua các kết quả ở trên cho thấy, để đảm bảo tỷ lệ sống khi nuôi thuần dưỡng cao và các chỉ số về hệ số thành thục và tỷ lệ thành thục tốt nên nuôi cá ở mật độ 1kg/m3 và 2kg/m3.

3.2. Tỷ lệ sống, sinh trưởng, tỷ lệ thành thục của cá Chạch khi nuôi thuần dưỡng bằng các loại thức ăn khác nhau

3.2.1. Tỷ lệ sống của cá Chạch khi nuôi bằng các loại thức ăn khác nhau

Kết quả ở bảng 3 cho thấy tỷ lệ sống của cá Chạch sông sau 15 ngày có sự khác biệt giữa các công thức thí nghiệm. Công thức thức ăn 2 cho tỷ lệ sống thấp nhất đạt trung bình 79,17%, công thức thức ăn 3 cho tỷ lệ sống đạt 87,83%, cao nhất ở công thức thức ăn 1 đạt 91,05%. Có sự khác biệt về mặt thống kê ở mức ý nghĩa 0,05 giữa công thức thức ăn 1, 3 với công thức 2.
Bảng 3. Ảnh hưởng của thức ăn đến tỷ lệ sống cá Chạch sông
Công thức thức ăn
Tỷ lệ sống trung bình (%)
15 ngày
30 ngày
CT1
91,05a
100a
CT2
79,17b
84,17c
CT3
87,83a
95,56b
Những số liệu trong một cột được đánh dấu  ký tự giống nhau không có sai khác ý nghĩa.
Công thức thức ăn 1 cho tỷ lệ sống cao hơn công thức thức ăn 3 tuy nhiên khi so sánh về mặt thống kê không có sự khác biệt p>0,05. Sự khác biệt này có do, CT 1  và CT 3 giống thức ăn tự nhiên của cá nên cá dễ thích nghi, trong 15 ngày đầu tiên các công thức này cho tỷ lệ sống cao. Công thức thí nghiệm 1 vẫn cho tỷ lệ sống cao nhất đạt 100%, công thức thức ăn 3 cho tỷ lệ sống đạt 95,56% và thấp nhất là công thức thức ăn 2, sự khác biệt về tỷ lệ sống của cá giữa các công thức thí nghiệm mang ý nghĩa thống kê p<0,05. Tỷ lệ sống của cá ở giai đoạn sau ở tất cả các công thức cao hơn tỷ lệ sống của cá ở 15 ngày thí nghiệm đầu, do ở giai đoạn sau cá đã thích nghi được với các loại thức ăn nên cho tỷ lệ sống cao hơn.

3.2.2. Hệ số, tỷ lệ thành thục của cá Chạch nuôi bằng các loại thức ăn khác nhau

Kết quả nuôi vỗ cá trong điều kiện nhân tạo, cá Chạch sông cho thấy cá thành thục tốt khi được nuôi vỗ trong điều kiện nhân tạo, mùa và vụ sinh sản bắt đầu từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 6.
Bảng 4. Ảnh hưởng của thức ăn đến hệ số thành thục cá Chạch sông
Công thức thức ăn
Hệ số thành thục %
Tỷ lệ thành thục %
CT1
20,01a
75,77a
CT2
16,42c
60,57b
CT3
17,54b
68,18ab
Những số liệu trong một cột được đánh dấu  ký tự giống nhau không có sai khác ý nghĩa
Tỷ lệ thành thục của cá Chạch khi dùng  công thức thức ăn 1 là giun quế trung bình đạt 75,7 %. Tỷ lệ thành thục của cá khi được nuôi vỗ bằng thức ăn là cá tạp trung bình đạt 60,6%. Tỷ lệ thành thục của cá đạt thấp nhất khi nuôi bằng công thức thức ăn 2 là thức ăn công nghiệp, tỷ lệ thành thục trung bình đạt 60,57%. Như vậy, cá Chạch được nuôi vỗ bằng thức ăn giun quế cho kết quả thành thục cao nhất là 75,77%, thấp nhất khi nuôi bằng thức ăn công nghiệp đạt 60,57%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p< 0,05).
Kết quả về hệ số thành thục thể hiện ở bảng 4 cho thấy tương tự như tỷ lệ thành thục, CT 1 cho hệ số thành thục cao nhất là 20,01% tiếp theo là CT 3 cho tỷ lệ thành thục đạt 17,54% và thấp nhất là CT 2 cho tỷ lệ thành thục chỉ đạt 16,42%, sự khác biệt về hệ số thành thục giữa các công thức thức ăn có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

4. Kết luận

Ở thời điểm 15 ngày nuôi thuần dưỡng tỷ lệ sống của cá Chạch sông khi nuôi ở mật độ nuôi 3kg/m3 là thấp nhất (81,45%), ở mật độ 1kg/m3 (89,52%)và 2kg/m3 (89,36%) tương đương nhau. Ở thời điểm 30 ngày nuôi tỷ lệ sống của cá ở các công thức thí nghiệm không có sự khác biệt.Hệ số thành thục và tỷ lệ thành thục của cá ở công thức mật độ 1, 2, 3 là tương đương nhau.
Công thức thức ăn 1 cho hệ số thành thục và tỷ lệ thành thục của cá Chạch cao nhất đạt lần lượt là 20,01% và 75,77%; Tiếp theo là công thức thức ăn 2 cho hệ số thành thục và tỷ lệ thành thục là 17,54% và 68,18%; Đạt thấp nhất là công thức thức ăn 2 hệ số thành thục và tỷ lệ thành thục là 16,42% và 60,57%. Sự khác biệt về hệ số thành thục và tỷ lệ thành thục của cá ở các thí nghiệm mang ý nghĩa thống kê p<0,05.

Tài liệu tham khảo
4.    Pethiyagoda, R.  (1991), Freshwater fishes of Sri Lanka, The Wildlife Heritage Trust of Sri Lanka, Colombo. 362 p.
5.    Vidthayanon, C. (2002), Peat swamp fishes of Thailand. Office of Environmental Policy and Planning, Bangkok, Thailand, 136 p.
 
Phan Thị Yến Khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Hùng Vương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"