XÂY DỰNG SLIDE TRÌNH CHIẾU PHỤC VỤ BẢO VỆ BÀI TẬP LỚN VÀ ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP
Chỉ
thị 29/2001/CT-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ : “Đối
với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi
phương pháp, phương thức dạy và học. Công nghệ thông tin là phương tiện để tiến
tới một xã hội học tập”. Công nghệ thông tin mở ra triển vọng to lớn trong việc
đổi mới các phương pháp và hình thức học tập. Những kiến thức lý thuyết và thực
tiễn dường như vô tận được cung cấp trên mạng Internet giúp học sinh chủ động
và sáng tạo hơn trong học tập. Sự giao lưu giữa mọi người trong các môi trường
mở trên mạng tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên cơ hội tìm hiểu và học hỏi
lẫn nhau. Đặc biệt, một ứng dụng hết sức trực quan của công nghệ thông tin trong
học tập chính là sử dụng công cụ máy chiếu để trình chiếu báo cáo bài tập lớn
và đồ án. Với kinh nghiệm được đào tạo và làm việc trong ngành tin học, tôi xin
trình bày tham luận: "Xây dựng slide trình chiếu phục vụ bảo vệ bài tập
lớn và đồ án tốt nghiệp".
Để xây dựng được một slide trình chiếu
hợp lý, hiệu quả, trực quan và hấp dẫn người theo dõi, chúng ta nên tham khảo
một số lời khuyên sau:
Thứ
nhất, lựa chọn nội dung hoặc phần nội dung phù
hợp để trình chiếu. Trên thực tế, người trình chiếu có thể thể hiện tất cả các
nội dung lên slide. Tuy nhiên điều này sẽ khiến người theo dõi chủ quan, không
theo dõi kĩ càng lời nói, vi dụ thuyết minh. Hơn nữa, việc trình chiếu cả một
khung slide toàn chữ sẽ khiến nội dung phức tạp, khó theo dõi. Do đó chúng ta nên
lựa chọn các nội dung mang tính cốt lõi, quan trọng và trình bày trên slide ở
mức độ tóm lược, giúp người theo dõi nắm được khung nội dung, qua đó theo dõi
phần trình bày tốt hơn. Người trình chiếu nên xây dựng mục lục cho toàn bộ nội
dung trình chiếu sẽ giúp người theo dõi định hình được khung nội dung. Mỗi
slide chỉ nên có từ 6 đến 10 dòng biểu diễn cho các ý chính, đầu slide nên có
tiêu đề.
Thứ hai, các slide trình chiếu phải có
sự liên kết hợp lý, nếu không, bản trình chiếu có thể trở thành một tập các chữ
và hình ảnh rời rạc. Khi trình chiếu Powerpoint, nội dung
của một slide không nên xuất hiện cùng lúc hoặc dày đặc chữ, nên phân dòng hay
phân đoạn thích hợp, cho xuất hiện theo hiệu ứng thời gian tương ứng với dàn ý
và kế hoạch mà người trình bày vạch ra trước. Trường hợp có nội dung dài mà
nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, nên trích chiếu từng phần thích
hợp, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, người theo dõi sẽ dễ hiểu hơn.
Thứ ba, khi soạn slide trình chiếu, người
trình chiếu nên lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các slide phù
hợp. Giữa màu nền và màu chữ phải có độ tương phản (ví dụ nền màu tối thì chữ
phải là màu sáng), nếu không người theo dõi không nhìn thấy, hiệu quả mang lại
sẽ không cao. Cụ thể, với điều kiện giảng đường trường hiện tại, khi hệ thống
màn chiếu (ít màn chiếu, phải chiếu lên tường bả ma-tít) và hệ thống ánh sáng
phòng khi chiếu (máy chiếu hoạt động hiệu quả nhất trong phòng tối) chưa được
tốt, người trình chiếu nên soạn giảng chữ màu tối trên nền sáng và hạn chế sử
dụng màu nhạt. Đặc biệt, đối với các môn học theo giảng đường lớn, phòng học
rộng, nên rất cần thiết trong việc lựa màu chữ, màu nền và phông chữ, cỡ chữ. Nên
sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ
quá cầu kỳ. Việc sử dụng phông chữ không hợp lý có thể vừa làm cho khó theo
dõi, thậm chí không đọc được. Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá
nhỏ: nên sử dụng cỡ chữ 36 trở lên.
Thứ tư, các nội dung nên thiết kế theo
kiểu sơ đồ hóa. Các nội dung mang nặng tính lý thuyết, để tránh các slide khi
trình chiếu có quá nhiều chữ, khó hiểu, khó theo dõi, người trình chiếu nên
thiết kế dưới dạng sơ đồ hóa. Cách thức trình bày dưới dạng sơ đồ hóa sẽ giúp
cho người theo dõi dễ dàng hình dung và định lượng được kiến thức một cách tổng
thể, tuần tự và logic. Đồng thời nếu trình bày dưới dạng sơ đồ hóa, người theo
dõi sẽ phải tập trung chú ý để hiểu và tư duy, gỡ bỏ sức ỳ và sự thụ động. Sơ
đồ nếu được xây dựng một cách khoa học và sử dụng các hiệu ứng đồ họa sẽ giúp
bài giảng trực quan, logic và dễ hiểu.
Thứ
năm, các hình ảnh, phim tư liệu cần phải chọn lọc để trình chiếu. Nội dung
có thể liên quan tới thực tế sẽ giúp người theo dõi dễ hiểu, tuy nhiên lại gây
ra sự phân tán tâm lý, mất tập trung dẫn đến hiệu quả không cao. Những hình ảnh
mang tính chất không tốt, liên quan tới các vấn đề nhạy cảm hoặc nằm trong danh
mục các lĩnh vực cấm của nhà nước sẽ gây ra phản tác dụng. Cũng cần chú ý, với
công nghệ máy chiếu hiện tại, có những đoạn video sẽ khiến máy chiếu chạy không
đươc mượt, ảnh hưởng xấu đến quá trình trình chiếu.
Thứ
sáu, trong slide trình chiếu không nên đưa quá nhiều hiệu ứng vào. Hiệu ứng
chữ sẽ giúp nội dung sinh động hơn, tuy nhiên nếu quá nhiều sẽ khiến phân tán
người theo dõi, rối rắm, khó theo dõi, giảm tính khoa học. Sử dụng các hiệu ứng
xuất hiện một cách nhẹ nhàng, tuần tự theo đúng khung nội dung mà người trình
chiếu muốn cung cấp sẽ có hiệu quả cao nhất, nên tránh các hiệu ứng lòe loẹt,
nhảy nhót hay lộn xộn.
Trong xu thế đổi mới dạy học nói chung, việc vận
dụng các phương tiện hiện đại trong dạy học cũng là một điều tất yếu. Đối với
trường ta, một điều may mắn cho cả giảng viên và sinh viên đó
là được nhà trường rất quan tâm trong việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại
nhằm phục vụ đắc lực cho dạy và học. Nhà trường có chế độ khuyến khích đối với
giảng viên và sinh viên sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin trong dạy
học. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý phải sử dụng các phương tiện đó một
cách hợp lý, phải phát huy được hiệu quả đích thực của nó khi sử dụng, tránh
tình trạng dùng các phương tiện hiện đại như là một cách để “trang trí”.
Nhận xét
Đăng nhận xét