Định hướng và phương pháp học tập ngành CNTT

“Học, học nữa, học mãi” - Câu nói của V.I. Lenin đã trở nên vô cùng quen thuộc với rất nhiều thế hệ thành công đi trước. Nhưng sự thật là, nhiều bạn trẻ sinh viên hiện nay hoàn toàn chưa thể trả lời được một câu hỏi thật sự quan trọng: “Học để làm gì?”.

Học để làm gì?

Thậm chí, câu hỏi này còn quan trọng đến nỗi nếu bạn không xác định được học để làm gì, thì mãi mãi với bạn, học luôn là cực hình. Bởi, bạn không thể bắn trúng vào một cái đích khi mà không biết cái đích ở đâu. Xác định mục tiêu của bản thân luôn là yếu tố hàng đầu trong học tập. Cuộc sống của chúng ta hiện nay phụ thuộc vào học tập rất nhiều. Bạn không thể ngồi chờ điều kì diệu sẽ đến với cuộc đời mình. Định mệnh không phải là vấn đề cơ hội, đó là vấn đề chọn lựa. Đó không phải là điều được trông chờ, mà là điều mà bạn phải đạt được.
Hiện tại việc đào tạo ngành CNTT ở nước ta nói chung và ở trường ta nói riêng còn đang trong thời kỳ định hướng, vẫn chưa có một khung cụ thể cho các mảng của ngành CNTT để định hướng cho SV. Sau một thời gian học tập và làm việc trong ngành CNTT, cùng với việc tham khảo nhiều nguồn thông tin, theo tôi chúng ta có thể chia những người đang làm CNTT ra làm 2 mức và 3 hướng hoàn toàn khác nhau như sau:
Mức nghề: bao gồm rất nhiều công việc từ sửa chữa máy tính, lắp đặt mạng, thiết kế đồ họa, cài đặt phần mềm…. Để làm được những công việc này chỉ cần theo học các khóa đào tạo nghề tương ứng. Nhưng xin lưu ý là có rất nhiều SV đại học CNTT cuối cùng lại làm những công việc này, điều này có thể coi như họ đã thất bại hoàn toàn trong việc theo học ĐH CNTT. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do việc tuyển sinh CNTT tràn lan của các trường ĐH. Một hệ quả tất yếu là những SV này phải theo học một thứ không phù hợp với năng lực của họ và cuối cùng thì phí phạm cả 4-5 năm trời! Giả sử ngay lúc đầu họ chọn cho mình những khóa học phù hợp với khả năng và năng khiếu như một khóa đào tạo Thiết kế đồ họa chẳng hạn, thì tôi tin rằng họ sẽ thành công.
Mức Kỹ sư – Chuyên gia: Những kiến thức trong chương trình đào tạo đại học CNTT, thạc sĩ CNTT, tiến sĩ CNTT, thậm chí là sau Tiến sĩ là để phục vụ cho cấp độ này. Và tất nhiên cấp độ này sẽ tiếp cận theo nhiều xu hướng khác nhau, kèm với mỗi xu hướng là nhiều mức khác nhau tùy theo năng lực mỗi người.
Bây giờ ta nhận xét về các xu hướng và các mức độ tiếp cận của mỗi một xu hướng trong ngành CNTT (Tôi không hiểu nhiều và sẽ bỏ qua mức Nghề, tôi chỉ đề cập tới việc tiếp cận CNTT của các Cử Nhân, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ…. CNTT ). Sau một thời gian học tập và làm việc trong lĩnh vực CNTT, với một tầm hiểu biết nhất định, tôi tạm chia các xu hướng tiếp cận ngành CNTT như sau:
Hướng Khoa Học: Nghiên cứu sâu xa về những thuật toán nhằm tối ưu hóa chúng, nghiên cứu và phát triển về trí thông minh nhân tạo, về “thị giác” máy tính, về khả năng nhận dạng ngôn ngữ…. Đây là 1 lĩnh vực khoa học rất khó, chỉ dành riêng cho những con người đặc biệt thông minh và có hoài bão trở thành một nhà khoa học thực thụ. Đặc biệt nếu chấp nhận hướng đi này các bạn phải sẵn sàng chấp nhận xác xuất 99% … thất bại.
Hướng Kĩ Thuật: Bao gồm kỹ sư mạng và lập trình viên.
- Hướng phát triển của một kỹ sư mạng là thành chuyên gia an ninh mạng cao cấp (đòi hỏi nền tảng về kinh nghiệm, trí tuệ và kiến thức rất cao và rất ít kỹ sư mạng đáp ứng được các yêu cầu đó).
- Lập trình viên: Các bạn lưu ý rằng để làm việc ở cấp độ LTV thì chỉ cần theo học tại một trung tâm đào tạo LTV như Aptech là đủ, không cần thiết phải theo học đại học. Bởi theo chương trình của các trường ĐH hàng đầu như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, họ cung cấp cho các Kỹ sư – cử nhân CNTT những kiến thức về công nghệ, về tầm nhìn công nghệ, về tư duy thuật toán, về quản trị dự án và xem việc lập trình bằng một ngôn ngữ cụ thể nào đó là do SV mặc định phải tự học lấy. Chính vì lẽ đó nếu muốn làm LTV thì hãy học Aptech, họ sẽ “nắm tay” bạn để dạy bạn kỹ thuật lập trình.
Tôi có vài nhận xét về việc lập trình (ở mức độ bình thường chứ không nói đến lập trình để giải quyết các vấn đề khoa học) như sau: Lập trình là một công việc 100% kỹ thuật không mang tính khoa học và công nghệ, nó cũng không đòi hỏi cao về khả năng tư duy. Tuy nhiên như những công việc kỹ thuật khác, nó đòi hỏi rất cao về sự cần cù và tính kiên nhẫn. Do đặc thù của VN mà hầu hết các bạn SV CNTT đều đi theo hướng này, đây là một điều rất đáng tiếc! Hướng phát triển của LTV là trở thành một quản trị dự án, một tư vấn giải pháp phần mềm… Nhưng để đạt được thì phải mất một thời gian rất dài làm LTV (có khi là suốt đời!). Tóm lại tôi muốn tư vấn cho các bạn SV một điều: Nếu muốn làm LTV thì phải có tố chất phù hợp với nó (cần cù, kiên nhẫn, mọt sách, ….) nếu không rất dễ thất bại!
Hướng Kinh tế: Trong thời đại thông tin, tư duy thông tin đang nhen nhóm trong các doanh nghiệp hàng đầu VN. Các bạn SV CNTT có nhìn thấy cơ hội nào cho mình không? Hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu để thực sự hiểu: Thời đại thông tin là gì? Nó đã bùng nổ trên thế giới như thế nào? Nó sẽ bùng nổ ở các doanh nghiệp VN ra sao? Và quan trọng nhất là các bạn sẽ hưởng lợi từ nó như thế nào? Không cần cao siêu đến mức giữ vai trò dẫn dắt thời đại thông tin ở các doanh nghiệp VN (như Bill Gates đã từng đẫn dắt thời đại thông tin khi nó bùng nổ ở các nước phát triển để rồi thành người đàn ông giàu nhất hành tinh), mà chỉ cần hiểu nó sẽ diễn ra như thế nào và tìm cho mình một vai trò phù hợp.
Như vậy chúng ta đã có một cái nhìn tổng quát hơn về ngành CNTT mà chúng ta đang theo học. Quan trọng là, dựa vào đó các bạn nhận ra được định hướng nghề nghiệp mà mình có thể theo đuổi. Theo ý kiến của tôi, các bạn SV nên tự xác định cho mình một hướng cụ thể cùng với sự tham khảo ý kiến của những người đi trước trong ngành, ví dụ như các Thầy cô trong bộ môn.

Học như thế nào?

Đối với sinh viên chúng ta, dù học theo tín chỉ hay niên chế thì quan trọng nhất luôn là phải áp dụng phương pháp học tích cực, đó là phương pháp học lấy tự học, tự nghiên cứu và học cái cốt lõi là chính.
Giờ lý thuyết trên lớp: Trước giờ lên lớp chúng ta phải đọc bài ở nhà trước, chuẩn bị trước những câu hỏi có liên quan đến bài học đó.Trong giờ học lý thuyết trên lớp chúng ta không chỉ ghi chép những lời thầy cô giảng một cách thụ động mà phải nghe, suy ngẫm và nắm được nội dung cốt lõi của những vấn đề mà thầy cô giảng và tự mình đặt ra những câu hỏi: Thầy cô đặt vấn đề như thế nào? Tại sao lại đặt vấn đề như thế? Nguyên tắc và cách để giải quyết vấn đề là gì? Phương pháp và con đường cụ thể để giải quyết những vấn đề đó là gì? Mà chưa cần nắm rõ những chi tiết cụ thể.
Giờ thảo luận trên lớp: Giờ thảo luận là giờ để làm rõ những vấn đề của giờ lý thuyết áp dụng vào những bài toán cụ thể. Nếu như giờ lý thuyết chủ yếu là nghe, viết và suy ngẫm thì giờ thảo luận phải là nói nhiều và tranh luận, lập thành một nhóm và tích cực thảo luận nhóm. Tích cực đặt câu hỏi hơn là trả lời. Không nên vào những vấn đề quá sâu, phức tạp và mất nhiều thời gian mà hãy dành thời gian ở nhà đẻ giải quyết vấn đề đó. Đừng nôn nóng hiểu sâu, hãy hiểu những vấn đề cơ bản trước.
Ở nhà: Khi học tín chỉ thì sinh viên phải tự học và nghiên cứu là chính cho nên các giờ học ở nhà là quan trọng nhất.
Chúng ta phải tăng cường giờ học ở nhà và thư viện. Học cách tự đọc tài liệu để hiểu sâu nội dung của từng chương và tiến tới cả học phần. Tự triển khai những vấn đề cụ thể của học phần. Hãy đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Thành lập một nhóm để cùng nhau học tập(nên cùng lớp) và tăng cường trao đổi bài theo nhóm. Người biết khi giảng cho người chưa biết sẽ càng giỏi hơn, người chưa biết hỏi người biết sẽ hiểu được vấn đề.
Ngoài ra chúng ta phải suy nghĩ, hoạch định kế hoạch học tập chung cho toàn quá trình học, xác định rõ những kĩ năng, những kiến thức cần bổ sung, cần có về kỹ năng mềm, ngoại ngữ liên quan đến chuyên ngành của mình, từ đó dự tính sẽ rèn luyện tất cả những kỹ năng ấy vào học kỳ nào. Nên tham gia vào các hoạt động Đoàn thể, thể thao, giải trí do Chi đoàn, Liên chi và Khoa tổ chức qua đó chúng ta sẽ tự rèn luyện cho mình các kĩ năng mềm cần thiết.

Ngoài ra, sinh viên ngành CNTT còn luôn phải tự tìm hiểu, trau dồi kiến thức về các công nghệ theo hướng tìm hiểu, ứng dụng. Phải luôn có ý thức ham học hỏi, tìm tòi những công nghệ mới. Tham gia các diễn đàn về CNTT để có nhiều hơn cơ hội trao đổi, giao lưu với các chuyên gia trong ngành. Mặc dù chương trình học hiện nay của  chúng ta còn là “Chín nghề” chứ không phải là “Một nghề chín” nhưng dựa vào định hướng nghề nghiệp và với sự tư vấn của các Thầy cô, các bạn hãy chọn lấy cho mình những hạng mục cần quan tâm sâu sắc, những phần chỉ học để biết…

Ngoài ra việc thường xuyên ngồi với máy tính cũng là không tốt, hãy luôn cố gắng sắp xếp lịch để được nghỉ ngơi giải trí lành mạnh. Chắc chắn các bạn sẽ là những SV CNTT thành công nhất! 
Chúc các bạn may mắn!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Địa lý THCS ở miền núi.