HỌC TẬP HỢP TÁC THEO NHÓM NHỎ


1.  Dạy học hợp tác
a) Quan niệm
·       Lớp học là  môi trường giao tiếp giữa thầy và trò, giữa trò và trò.
·       Dạy học hợp tác là kiểu dạy học theo đó những người học cùng tham gia làm việc với nhau.
·       Thông qua sự hợp tác, tìm tòi, nghiên cứu, thảo luận, tranh luận, ý kiến của  mỗi cá nhân được bộc lộ, được điều chỉnh, được khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới, bài học vận dụng được vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi cá nhân và của tập thể người học.

b) Cách tiến hành

·       Học tập hợp tác có thể tiến hành ở lớp với kĩ thuật Sôcrát: Thày giáo liên tục nêu câu hỏi và học sinh liên tục trả lời, dần dần dẫn tới việc làm rõ một chân lí nào đó.
·       Kiểu dạy học diễn giảng, thông tin đi một chiều từ thầy đến trò không phải là dạy học hợp tác. Nhưng kiểu dạy học diễn giảng ngắn, xen kẽ với thảo luận của học sinh cũng được xem là dạy học hợp tác.
·       Dạy học hợp tác thường được tiến hành theo nhóm nhỏ, từ 4 đến 6 học sinh và có nhiều hình thức  khác nhau:
- Nhóm thông thường
     Mỗi thành viên của nhóm thực hiện một phần công việc nhưng có sự hợp tác giúp đỡ nhau trong nhóm nhằm hoàn thành công việc chung của nhóm.
    Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ đóng góp vào kết quả chung của cả lớp.
- Nhóm đan chéo
     Đây là một hình thức học tập hợp tác theo nhóm nhỏ, theo đó, lớp được chia thành nhiều nhóm để thảo luận.  Sau một thời gian ngắn (khoảng vài phút) một vài người từ nhóm này chuyển sang thảo luận ở nhóm khác.
    Chẳng hạn: 2 học sinh ở nhóm A chuyển sang nhóm B, tương tự 2 học sinh ở nhóm B chuyển sang nhóm C, … rồi tiếp tục thảo luận.
    Theo cách này, ý kiến từ nhiều nhóm khác nhau được chia sẻ và không cần quá trình phản hồi nữa
- Nhóm hình tháp
     Đây là một hình thức hoạt động nhóm theo đó lớp chia thành nhiều nhóm. Sau một thời gian (khoảng vài phút), hai nhóm lại ghép với nhau và tiếp tục thảo luận. Qúa trình này tiếp tục cho đến khi chỉ còn một nhóm (tức là toàn thể lớp học).
     Xêmine hoặc Workshop cũng là những hình thức dạy học hợp tác.

c) Ưu nhược điểm

·       Dạy học hợp tác mỗi cá nhân được bộc lộ, được điều chỉnh, được khẳng định hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới, bài học vận dụng được vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi cá nhân và của tập thể người học. Do đó dạy học hợp tác rất có ích cho việc tự học của học sinh.
·       Dạy học hợp tác đòi hỏi kiến thức và ý thức của mỗi thành viên tham gia. Do đó nếu chủ đề lựa chọn không thích hợp sẽ kém hiệu quả
·       Dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ thường bị hạn chế bởi không gian chật hẹp của lớp học và thời gian hạn định của tiết học cho nên giáo viên phải biết tổ chức hợp lí mới có kết quả.
·       Không nên lạm dụng các hoạt động nhóm và cần đề phòng xu hướng hoạt động nhóm một cách hình thức.

d) Biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhóm
+/ Quản lí nhóm: Để việc quản  lí nhóm được thành công, cần quan tâm đến các nội dung sau:
·       Nhóm được hình thành như thế nào? có lúc chỉ cần giao cho học sinh tự quyết định lấy nhóm của mình, nhưng nếu cần giáo viên đề ra một tiêu chí nào đó để chia nhóm. Chẳng hạn: đánh số từ một đến hết được 37 học sinh, khi đó nhóm 1 gồm các em có số từ 1 đến 6, nhóm 2 từ 7 đến 12,.. riêng nhóm cuối cùng có 7 em từ số 30 đến 37.
·       Nhóm cỡ nào thì vừa: chú ý rằng làm việc tay đôi là rất bổ ích, còn làm việc tay 3 thì người thứ ba hoạt động như một quan sát viên và làm báo cáo về quá trình mà hai người kia đã thực hiện. Nếu nhóm có 5 người trở lên thì hiệu quả thường bị giảm đi vì có ít cơ hội hơn cho sự tương tác. Để hiệu quả được cao giáo viên nên chú ý các hình thức nhóm nêu trên
·       Bố trí phương tiện học tập như thế nào: Chú ý rằng khi hoạt động nhóm, mỗi người trong nhóm phải có năng lực tiếp xúc bằng mắt với mọi người khác trong nhóm. Do đó cần bố trí bàn, nghế, …sao cho thuận lợi nhất đối với việc nắm bắt thông tin cũng như trao đổi.
·       Bao nhiêu thời gian nên có cho mỗi hoạt động: giáo viên cần tính trước và kế hoạch hoá việc sử dụng thời gian hoạt động của nhóm nhỏ, sao cho tổng thời gian bằng với thời gian của giờ học.

+/ Quản lí quá trình hoạt động nhóm: muốn hoạt động của nhóm đạt hiệu quả, cần
·       Làm cho người học hình dung toàn cảnh về bài học, cách sử dụng thời gian như thế nào? mỗi nhóm nhận nhiệm vụ gì, mỗi thành viên có trách nhiệm gì? khi vướng mắc thì hỏi ai?,…
·       Giải thích mục đích của từng hoạt động, sao cho mọi thành viên đều hiểu mình phải làm gì. Tường minh hoá yêu cầu thành câu hỏi rồi in phát cho mỗi nhóm, hoặc chiếu lên bảng,…Chú ý: phải đảm bảo rằng mọi người đều hiểu  những điều yêu cầu đó.
·       Xác định thời gian: thông báo cho học sinh biết thời gian cho từng hoạt động là bao nhiêu. Tuy nhiên phải điều chỉnh thời gian khi cần thiết
·       Giúp học sinh cách thức tiến hành hoạt động đó: cần đọc đoạn nào, ở đâu? cách ghi chép, cách thảo luận để có ý kiến chung trong nhóm
·       Củng cố việc học: tạo điều kiện để mỗi nhóm  báo cáo kết quả, tranh luận (giữa các nhóm, hoặc cá nhân) để đi tới thống nhất cách hiểu, đưa ra ý kiến chung.
·       GV tham gia vào hoạt động của nhóm khi có điều kiện: nhằm giúp giáo viên tìm được thông tin phản hồi về diễn biến của mỗi nhóm


2. Tổ chức dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ

      Lớp học được chia thành những nhóm từ 4 đến 6 người. Tuỳ mục đích sư phạm và yêu cầu của vấn đề học tập, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ định, được duy trì ổn định trong cả tiết học hoặc thay đổi theo từng hoạt động, từng phần của tiết học, các nhóm được giao cùng một nhiệm vụ hoặc được giao những nhiệm vụ khác nhau.
           Nhóm tự bầu ra nhóm trưởng nếu thấy cần. Các thành viên trong nhóm có thể luân phiên nhau làm nhóm trưởng. Nhóm trưởng phân công cho mỗi nhóm viên thực hiện một phần công việc. Trong nhóm nhỏ mỗi thành viên thực hiện một phần công việc, được hoạt động tích cực, không thể ỷ lại vào một vài người năng động và nổi trội hơn, nhưng có sự hợp tác, giúp nhau tạo thành kết quả chung của nhóm. Kết quả làm việc của mỗi nhóm sẽ được đóng góp vào kết quả chung của cả lớp, nhóm có thể cử ra một đại diện hoặc có thể phân công mỗi nhóm viên trình bày một phần nếu nhiệm vụ được giao là khá phức tạp.
    Cấu tạo cuả  một hoạt động học tập hợp tác (trong một phần của tiết học, một tiết học, một buổi học) có thể là như sau:
·       Làm việc chung cả lớp
-         Nêu vấn đề, xác định nhiệm vụ nhận thức
-         Tổ chức các nhóm (chia nhóm) và giao nhiệm vụ cho các nhóm
-         Hướng dẫn cách làm việc theo nhóm

·       Làm việc theo nhóm
-         Phân công trong nhóm. Từng cá nhân làm việc độc lập
-         Trao đổi ý kiến, thảo luận trong nhóm, tiến tới thống nhất ý kiến
-         Cử đại diện (hoặc phân công trước) chịu trách nhiệm trình bày kết quả làm việc của nhóm mình

·       Thảo luận, tổng kết  trước toàn lớp
-         Các nhóm lần lượt báo cáo kết quả của nhóm mình
-         Thảo luận chung toàn lớp
-         Giáo viên tổng kết nhằm xác nhận kiến thức và đặt vấn đề tiếp theo
        Dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ cho phép các thành viên trong nhóm chia sẻ các suy nghĩ, băn khoăn, kinh nghiệm, hiểu biết bản thân, cùng nhau xây dựng nhận thức, thái độ mới. Bằng cách nói ra những  điều đang nghĩ, mỗi người có thể nhận rõ trình độ hiểu biết của mình về chủ đề nêu ra, thấy mình cần học hỏi thêm những gì. Bài học trở thành quá trình học hỏi lẫn nhau chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận thụ động từ giáo viên.
     Theo hình thức này, mọi người dễ hiểu, dễ nhớ hơn vì họ được tham gia trao đổi, trình bày vấn đề nêu ra, cảm thấy hào hứng khi trong sự thành công chung của cả lớp có phần đóng góp của mình. Phương pháp này thường được vận dụng trong các lớp học ở trường PTTH như một phương pháp trung gian  giữa làm việc chung cả lớp với làm việc độc lập của từng học sinh. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp này thường bị hạn chế bởi không gian chật hẹp của lớp học, bởi thời gian hạn định của tiết học, cho nên giáo viên phải biết tổ chức hợp lí mới có kết quả. Không nên lạm dụng các hoạt động nhóm và cần đề phòng xu hướng hình thức.
(Dựa theo tài liệu: Phương pháp làm việc theo nhóm, DSE – NAPA).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"