Câu hỏi và trả lời môn Nhà nước và Pháp luật

Câu hỏi:
Làm rõ bản chất của Nhà nước ta là gì? biểu hiện trong thực tế ra sao? Làm gì để nhà nước ta thể hiện ngày càng đầy đủ bản chất của mình?

Bài làm

I.Nguồn gốc và bản chất nhà nước:
1. Nguồn gốc nhà nước
:
- Nhà nước là một phạm trù lịch sử. Nhà nước không đồng nghĩa với xã hội, không phải xã hội loài người hình thành là đã có nhà nước. Lịch sử xã hội đã có một thời kỳ chưa có nhà nước - thời kỳ xã hội cộng sản nguyên thuỷ; chỉ đến khi xã hội phân chia thành giai cấp nhà nước mới ra đời.
- Chế độ tư hữu ra đời, xã hội phân chia thành những giai cấp đối kháng - chủ nô và nô lệ. Mâu thuẫn giữa các giai cấp, cuộc đấu tranh giữa giai cấp đó không ngừng diễn ra và ngày càng quyết liệt không thể điều hoà được. Để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp chủ nô đã lập ra một bộ máy bạo lực, trấn áp. Bộ máy đó là nhà nước.
- Nhà nước đầu tiên trong lịch sử là nhà nước chiếm hữu nô lệ, tiếp đó là nhà nước phong kiến, nhà nước tư bản đều xuất hiện từ mâu thuẫn đối kháng giai cấp vốn có của mỗi xã hội đó. Như vậy, nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. Ở đâu có mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà thì ở đó nhà nước xuất hiện.

2. Bản chất nhà nước
:
- Bản chất nhà nước là nền chuyên chính của một giai cấp này đối với giai cấp khác và đối với toàn xã hội. Nhờ có bộ máy nhà nước, giai cấp thống trị chiếm số ít trong dân cư duy trì được sự áp bức, bóc lột của mình đối với giai cấp bị trị bao giờ cũng chiếm số đông. Bản chất đó được thể hiện ở chức năng và đặc trưng của nhà nước.
- Với tính cách là nền chuyên chính của một giai cấp đối với giai cấp khác, nhà nước của giai cấp bóc lột không thể là kẻ "công bằng" bảo vệ lợi ích cho các giai cấp trong xã hội.
- Theo bản chất đó, nhà nước, là một bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng của xã hội có giai cấp. Do đó, "Nhà nước nói chung chỉ là sự phản ánh, dưới hình thức tập trung của những nhu cầu kinh tế của giai cấp thống trị trong sản xuất".
Bản chất của nhà nước thể hiện dưới hai đặc tính cơ bản:

Thứ nhất là: tính giai cấp của Nhà nước, thể hiện ở chỗ: nhà nước là công cụ thống trị trong xã hội để thực hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, củng cố và bảo vệ trước hết lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội. Bản chất của nhà nước chỉ rõ nhà nước đó là của ai, do giai cấp nào tổ chức và lãnh đạo, phục vụ lợi ích của giai cấp nào?
Trong xã hội bóc lột (xã hội chiếm hữu nô lê, xã hội phong kiến, xã hội tư sản) nhà nước đều có bản chất chung là thiết chế bộ máy để thực hiện nền chuyên chính của giai cấp bóc lột trên 3 mặt: Kinh tế, chính trị và tư tưởng.
Vì vậy, nhà nước tồn tại với hai tư cách:
 
Một là: bộ máy duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác.
Hai là: tổ chức quyền lực công – tức là nhà nước vừa là người bảo vệ pháp luật vừa là người bảo đảm các quyền của công dân được thực thi.

Thứ hai là: tính xã hội hay còn gọi là vai trò kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Trong nhà nước, giai cấp thống trị chỉ tồn tại trong mối quan hệ với các tầng lớp giai cấp khác, do vậy ngoài tư cách là công cụ duy trì sự thống trị, nhà nước còn là công cụ để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội.
Ví dụ: Nhà nước giải quyểt các vấn đề nảy sinh từ đời sống xã hội như: đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, các vấn đề về môi trường, phòng chống thiên tai, địch hoạ, về dân tộc, tôn giáo và các chính sách xã hội khác.v.v…
3. Bản chất nhà nước CHXHCN Việt Nam:
Điều 2 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992: “ Nhà nước CHXHCN VN là nhà nước XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực NN thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức. Quyền lực NN là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan NN trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
            Nhà nước pháp quyền XHCN VN là thành quả cách mạng của quần chúng nhân dân lao động do giai cấp công nhân lãnh đạo, Nhà nước ta mang bản chất của giai cấp công nhân, được thể hiện ở tính nhân dân và tính dân tộc.
a/ Tính nhân dân:
-          Nhà nước của nhân dân (nd), do nd lập nên và nd tham gia quản lý.
-          Nhà nước thể hiện ý trí, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nd.
-          Nhà nước là công cụ chủ yếu để nd thực hiện quyền làm chủ của mình.
b/Tính dân tộc:
-          Kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc.
-          Có chính sách dân tộc đúng đắn, chăm lo lợi ích mọi mặt của nhân dân.
-          Thực hiện mối Đại đoàn kết dân tộc.

II. Bản chất của NHà nước ta biểu hiện trong thực tế:
Bản chất rõ nhất của nhà nước ta trong thực tế, đó là tính dân chủ. Thực tiễn cho thấy, bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ nước ta không chỉ thể hiện trong các văn bản hiến pháp, pháp luật mà ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày của quần chúng nhân dân. Kể từ khi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng lên làm chủ, tự mình tổ chức, cai quản và xây dựng xã hội mới. Đó là thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Chế độ dân chủ ở nước ta, xét về bản chất, là một thể chế chính trị mà trong đó quyền lực chính trị - xã hội thuộc về nhân dân, “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”; là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tinh thần; phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Bản chất dân chủ XHCN đòi hỏi “Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”[. Thực tiễn cho thấy, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng cao. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đứng thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thứ 9/135 nước trên thế giới. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội; thực hiện đối thoại trực tuyến của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ…với nhân dân; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu với cử tri chuẩn bị cho các kỳ bầu cử Quốc hội đã tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ, thực thi quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình. Điều đó thể hiện sâu sắc bản chất tốt đẹp, tính ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta; thể hiện rõ mục tiêu, động lực của dân chủ XHCN đối với sự phát triển đất nước.
III.Làm gì để nhà nước ta thể hiện ngày càng đầy đủ bản chất của mình?
Trong bối cảnh của kinh tế thị trường, toàn cầu hoá hiện nay nhà nước cũng như bất kỳ thiết chế nào khác đều phải đứng trước những nguy cơ, thách thức lớn, thậm chí có thể bị thay đổi bản chất. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự thay đổi chế độ, đảo lộn thể chế và định hướng phát triển. Trong điều kiện như vậy việc nhận thức bản chất của nhà nước nhằm giữ vững bản chất tốt đẹp của nhà nước đặt ra những vấn đề có tính cấp bách. Để giữ vững bản chất kiểu mới của Nhà nước ta trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hoá hiện nay, đòi hỏi phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, giữa giai cấp và dân tộc, giữa dân tộc và quốc tế, đồng thời cần dự báo chính xác những yếu tố mới xuất hiện trong xã hội, trong sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước cũng như những yếu tố của thời đại có thể tác động tiêu cực, làm tha hoá bản chất tốt đẹp của Nhà nước. Từ đây cần thiết phải xử lý các vấn đề sau:
1.1. Về cơ sở kinh tế của nhà nước
Các nhà nước kiểu cũ, nhà nước bóc lột đều tồn tại trên cơ sở kinh tế là chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong khi nhà nước kiểu mới xã hội chủ nghĩa tồn tại trên cơ sở kinh tế là chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Vì vậy phải Thực hiện cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước, đổi mới về cơ bản mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, đồng thời có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của nó đối với việc giữ gìn bản chất của nhà nước là giải pháp quan trọng đối với thách thức trên.
1.2. Về tính chất giai cấp công nhân của nhà nước
Bảo đảm tính chất giai cấp công nhân của nhà nước cũng là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và mối quan hệ trách nhiệm của đảng cầm quyền với nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm bản chất của nhà nước. Sự bảo đảm đó trước hết phải ở tính tiên phong trong xã hội của giai cấp công nhân, ở địa vị làm chủ nền kinh tế – xã hội của người lao động. Đây là thách thức lớn nhất, bởi trong thực tế quan hệ lao động phổ biến hiện nay là quan hệ chủ – thợ, với sự lệ thuộc của người lao động vào giới chủ cả về tổ chức, cả về việc làm và thu nhập, và bởi cả sự cạnh tranh ngay trong những người lao động về những vấn đề ấy. Trong khi đó, công đoàn, trực tiếp là công đoàn cơ sở, là tổ chức đại diện của người lao động, có thiên chức bảo vệ lợi ích của người lao động song lại rất hạn chế về năng lực thực hiện thiên chức của mình. Xây dựng giai cấp công nhân, củng cố khối liên minh công nông và đội ngũ trí thức, sửa đổi Luật Công đoàn để bảo đảm cho các cấp công đoàn thực sự là tổ chức chính trị – xã hội của người lao động là giải pháp quan trọng cho việc vượt qua nguy cơ và thách thức trên.
Suy cho cùng, Đảng lãnh đạo là để nhà nước thực sự là sở hữu của nhân dân, thực sự là người phục vụ nhân dân, luôn đem lại sự hài lòng của mọi tầng lớp nhân dân về chất lượng phục vụ, đem lại cuộc sống sung túc cho mọi người dân. Thực tế lại chưa phải như vậy. Một bộ phận nhân dân đời sống còn khốn khó, nhiều cán bộ, Đảng viên, kể cả những bậc lão thành, và nhất là không ít trí thức mất lòng tin vào Đảng, vào Nhà nước, thờ ơ, quay lưng lại chính trị, hoài nghi bản chất tốt đẹp của chế độ. Có nhiều lý do của thực trạng ấy, trong đó có tình trạng tham nhũng nặng nề và đặc biệt là, bệnh nói không đi đôi với làm, “nghĩ khác, nói khác, làm khác”, nói hay làm dở, nói theo nghị quyết, pháp luật nhưng lại làm trái nghị quyết, chà đạp luật pháp ở không ít cán bộ, cả cán bộ có trọng trách đã trở thành phổ biến. Đây là nguy cơ lớn bởi nó không chỉ dừng ở hậu quả là sự mất lòng tin mà chuyển hoá, gây hậu quả trầm trọng hơn, có thể làm biến dạng cả nền chính trị cầm quyền, làm cho sự cầm quyền, cai trị không minh bạch, không chính danh.
1.3. Về bảo đảm thuộc tính dân chủ của Nhà nước
Dân chủ là một thuộc tính quan trọng làm nên bản chất của nhà nước theo chính thể cộng hoà. Dân chủ trong bản chất của nhà nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là:
- Dân chủ với đa số, chuyên chính với những phần tử chống đối chế độ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
- Dân chủ là quyền lực thống nhất không chia sẻ nằm trong tay nhân dân. “bản thân các cơ quan nhà nước không tự có quyền mà là được nhân dân uỷ nhiệm theo thẩm quyền cụ thể do pháp luật quy định” .
- Dân chủ trong nhà nước phải đồng thời với dân chủ xã hội. Xây dựng nhà nước dân chủ phải xây dựng xã hội dân chủ. Đó phải là một xã hội tạo ra được những áp lực cần thiết, tích cực cho việc bảo đảm dân chủ nhà nước, mà với áp lực ấy đủ để làm cho công chức nhà nước trở thành công bộc thực sự của dân, là người làm thuê cho dân, dân không tin, không dùng thì phải từ chức; làm cho các quyết định của nhà nước phải đi từ xã hội, quay lại phục vụ xã hội, phát triển xã hội; hình thành một cơ chế xã hội, với những mô hình và hình thức đa dạng để nhân dân tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định và thực hiện các quyết định của nhà nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

Tham luận về "kĩ năng mềm"