Học văn, dạy văn là niềm vui niềm hạnh phúc!
Tôi sinh năm 1954 - cái năm đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của đất nước: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “ chấn động địa cầu ” kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Là người con của thành phố dệt Nam Định, tôi đã được học qua các trường: cấp I Võ Thị Sáu, cấp II Trần Đăng Ninh, cấp III Lê Hồng Phong ... Thời kỳ học cấp I, cô Mai là cô giáo trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm tôi. Duyên dáng, phúc hậu, dạy giỏi, cô đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với chúng tôi. Từ chỗ yêu quý cô, tôi say sưa nghe cô giảng bài, yêu thích bộ môn Văn và ước mơ sau này sẽ trở thành một cô giáo dạy văn giỏi như cô.
Thời kỳ học phổ thông, các năm học tôi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, các năm cuối cấp đều là học sinh giỏi Văn của tỉnh.
Tháng 6 năm 1976, sau khi tốt nghiệp loại khá khoa ngữ Văn trường Đại học sư phạm, tôi xung phong lên giảng dạy ở miền núi: Trường THPT Yên Bình, sau đó là trường THPT Văn Yên ( tỉnh Yên Bái ). Năm 1982 được chuyển về tỉnh Phú Thọ, giảng dạy tại trường THPT chuyên Hùng Vương của tỉnh đến năm 1985. Từ năm 1986 đến nay là giáo viên Văn, trường THPT. Suốt 29 năm qua, tôi luôn tâm huyết nhiệt tình trong giảng dạy và công tác, tôi luôn tâm niệm một điều: “ Lấy sự tiến bộ, thành đạt của học sinh làm niềm vui, niềm hạnh phúc, làm lẽ sống cho bản thân mình “.
Về kinh nghiệm, bí quyết học tốt bộ môn Văn? Theo tôi muốn học tốt môn Văn, muốn trở thành học sinh giỏi Văn trước hết phải say mê, yêu thích bộ môn. Phải có vốn kiến thức phong phú, nắm vững các tác giả - tác phẩm trong chương trình; trau dồi kiến thức về ngôn ngữ, lý luận văn học và văn học nước ngoài; chịu khó đọc - ghi chép các tài liệu tham khảo cần thiết, không lệ thuộc vào các bài văn mẫu. Học sinh giỏi Văn không những phải có những suy nghĩ độc đáo sáng tạo mà còn phải có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo những ý nghĩ của mình. Học sinh cần tránh dùng những từ ngữ, những khái niệm đã quá mòn, trở nên nhạt nhẽo và sáo rỗng, hay bắt chước một cách vụng về cách diễn đạt của người khác. Học sinh cần chú ý rèn luyện những kỹ năng như: phân tích, bình giảng tác phẩm văn học, kỹ năng phân tích đề, lập dàn ý; kỹ năng viết câu, diễn đạt và rèn luyện chữ viết v.v...
Yếu tố năng khiếu và vai trò của người thầy cũng rất cần thiết để học sinh phấn đấu trở thành học sinh giỏi Văn.
Có thể nói, người thầy giáo nói chung, thầy giáo dạy Văn nói riêng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, là cái cầu bắc giữa cái cao thượng trong lịch sử giữa quá khứ của con người với các thế hệ trẻ.
Với một số kinh nghiệm trong giảng dạy và học tập bộ môn Văn, với sự cố gắng của thầy và trò, học sinh những lớp tôi giảng dạy nhiều em đã đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh, có những học sinh đạt giải Quốc gia môn Văn, được tuyển thẳng vào khoa Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội và thi đỗ vào lớp tài năng của trường. Các lớp tôi chủ nhiệm nhiều năm liền đạt kết quả tốt. Đặc biệt lớp 12 C năm học 1991- 1994: 100 % các em đỗ vào các trường Đại học - Cao đẳng, lớp 12 D khóa 2000 - 2003: 47/49 em đỗ vào các trường Đại học - Cao đẳng ( 2 lớp này đa số các em thi đỗ Đại học khối C, khối D ). Đó là phần thưởng, là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của tôi, của người làm nghề dạy học - “ nghề cao quý nhất nhất trong các nghề cao quý ” , “ nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo ”...
Nhận xét
Đăng nhận xét