100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX và lời bình (phần 4)


31- Sóng Hồng
         
 ĐI HỌP

                             Vút ngựa vượt qua đèo,
                             Rì rầm tiếng suối reo.
Xuống đèo trời mới tối,
Vằng vặc mảnh trăng treo.

Ngựa mỏi đi bước một,
Người suy nghĩ vấn vương
Nhiều khi ý kiến lớn
Vụt đến lúc đi đường.

Đêm lạnh, cành sương đượm
Long lanh bóng nguyệt vờn.
Nhà ai bếp vẫn đỏ,
Thấp thoáng ở sườn non?

Đường xa, cơn gió rít,
Xao xác chim cầm canh,
Hội nghị mai họp sớm
Băm băm ngựa bước nhanh.

                                            Việt Bắc
Mùa đông 1953
Lời bình

Bài thơ làm tại Việt Bắc mùa đông 1953. Vào đầu năm 1954 chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ sẽ được chuẩn bị. Nhà thơ là Tổng Bí thư Đảng lúc đó tất nhiên có nhiều việc lớn và khẩn trương phải suy nghĩ.
Đây là một bài thơ rất đỗi giản dị nhưng thuộc loại xinh xắn, hay nhất của Sóng Hồng ( Trường Chinh ).
Bài thơ bố cục theo nhịp đi lúc nhanh, lúc chậm của vó ngựa. Phong cảnh hai bên đường và tâm trạng nhà thơ diễn biến hết sức hoà hợp với tốc độ của ngựa lúc vượt đèo lúc xuống núi.
Hình ảnh người cán bộ cao cấp của Đảng dạt dào một tâm hồn thi sĩ hiện lên trong bài thơ thật đẹp, thật ấn tượng.

32- Minh Huệ

ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ

Anh đội viên thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ.

Lặng yên nhìn bếp lửa,
Vẻ mặt Bác trầm ngâm
Ngoài trời mưa lâm thâm
Lều gianh sương phủ bạc.

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.

Rồi Bác đi dém chăn
Từng người, từng người một
Sợ cháu mình giật thột
Bác nhón chân nhẹ nhàng.

Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng.

Thổn thức cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
-         Bác ơi, Bác chưa ngủ
Bác có lạnh lắm không ?

-         Cháu cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc.
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn.

Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn
                                      Vì Bác cứ thức hoài.
         
                                      Chiến dịch hãy còn dài
Rừng lắm dốc lắm ụ
Đêm nay bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi.

… Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.

Anh vội vàng nằng nặc:
- Mời bác ngủ Bác ơi
Trời ắp sáng mất rồi
Bác ơi, mời Bác ngủ.

-         Cháu cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không yên lòng.

Bác thương đoàn dân công
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn.

Trời thì mưa lâm thâm,
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng cho mau.

Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác.

Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.
                            
1951

Lời bình

Đêm nay Bác không ngủ ”  là bài thơ nổi bật nhất trong cuộc đời sáng tác của Minh Huệ và cũng là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca những năm kháng chiến chống Pháp.
Lúc bấy giờ, mới ngoài hai mươi tuổi, Minh Huệ là một cán bộ tuyên truyền, cán bộ Đoàn thanh niên cứu quốc đang tham gia các công tác trên chiến trường Liên khu IV ( cũ ) và chưa một lần tác giả được gặp Bác. Tình cờ, anh được gặp một người bạn bộ đội đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận Biên giới trở về. Người bạn kể lại cho anh nghe những mầu chuyện về Bác cùng đi chiến dịch, cùng sống với các chiến sĩ trong lán rừng… Chính từ những câu chuyện ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho bài thơ ra đời. Nhà thơ Minh Huệ đã kể về quá trình hình thành nên tác phẩm:
“ Hơn một trăm ngày vật vã một cách hào hứng trong cấu tạo hình tượng Đêm nay Bác không ngủ tôi cảm thấy như không phải mình làm thơ mà là mình đang tâm sự với Bác, mình đang lớn lên một ít trong tình thương của Bác, một tình thương đã được đào luyện đến mức tự nhiên như bản tính người mẹ, như hương thơm tạo vật, như nắng ấm mùa xuân, như một quy luật nhân ái Hồ Chí Minh ” .
( Báo Văn nghệ số 1107, ngày 19-1-1985 ).
Bài thơ đã thể hiện tình cảm sâu sắc của Lãnh tụ đối với chiến sĩ đồng bào và tình cảm của người chiến sĩ, của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.
Viết “ Đêm nay Bác không ngủ ”, Minh Huệ cũng đã thả hồn thơ của mình bay theo âm hưởng dân ca, đặc biệt là dân ca Nghệ Tĩnh vốn thấm vào máu thịt tác giả từ bé. Vì thế nhà thơ chọn thể thơ năm chữ mang màu sắc dân gian rất tự nhiên, thích hợp với mạch cảm xúc có tính tiết của một cốt truyện.

33- Quang Huy
         
TIẾNG ĐÀN BA - LA- LAI - CA TRÊN SÔNG ĐÀ

Tặng các đồng chí chuyên gia Liên Xô

                             Tiếng đàn Ba - la - lai - ca
                             Như ngọn gió bình yên
                             Thổi qua rừng bạch dương dìu dặt
                             Nghe rụt rè
                             Như tia mắt
                             Người thiếu nữ soi mình trong đáy giếng mùa thu.

                             Nghe mơ hồ
Như tiếng hát
Trong bồng bềnh sương núi
Nghe vời vợi
Như cánh thiên nga
Bay khuất nẻo mây xa…

Tiếng đàn Ba - la - lai - ca
Như ngọn sóng
Vỗ trắng phau ghềnh đá
Nghe náo nức
Như dòng sông nóng lòng tìm biển cả
Như khúc dân vũ Cáp - ca
Nhịp chân quay khiến mắt nhìn chếnh choáng…

Trên Sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi nghe tiếng Ba - la - lai - ca như thế
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.

Lúc ấy cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà
Ngày mai chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.
Khi ấy những người bạn Nga sẽ ở đâu
Ở hàn cực Véc - khôi - an
Hay đỉnh cao lếc - cút
Ở những vùng gian khó nào trên Liên bang Xô Viết
Lại đi mở tiếp những công trình cộng sản vẻ vang
Nhưng vĩnh viễn sẽ còn ở Việt Nam
Tiếng đàn Ba - la - lai - ca rung động
Tiếng đàn. Ấy là biểu tượng
Cho tâm hồn nước Nga
Như đêm nay
Rung một khoảng sông Đà…
                                                1980

Lời bình

Tiếng đàn Ba - la- lai - ca trên sông Đà ” sáng tác năm 1980, là bài thơ hay của Quang Huy viết về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và tình cảm quốc tế vô sản giữa hai nước Việt - Nga.
Bài thơ giàu âm thanh nhạc điệu. Tôi thích những câu thơ:
Trên Sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi nghe tiếng Ba - la - lai - ca như thế
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.

... Tiếng đàn Ba - la - lai - ca rung động
Tiếng đàn. Ấy là biểu tượng
Cho tâm hồn nước Nga

34- Chính Hữu

ĐỒNG CHÍ

                             Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi, đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỉ.
Đồng chí !

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
                                                1948
Lời bình

Chính Hữu sáng tác bài thơ  “ Đồng chí ” năm 1948. Bài thơ ca ngợi tình đồng chí gắn bó giữa những người lính xuất thân là nông dân lao động.
Thơ Chính Hữu cô đúc, chặt chẽ và tứ thơ thường nổi lên sau một vài nét phác họa sắc sảo. Bài thơ này cũng thế.
Bài thơ như chia thành ba khổ. Mỗi khổ thơ chốt lại một tứ chủ yếu. Tất cả tạo thành ý chung xuyên suốt toàn bài rất chặt chẽ: “ Đồng chí - Thương nhau tay nắm lấy bàn tay - Đầu súng trăng treo ”.
Đoạn cuối của bài thơ chỉ có ba dòng:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Phát hiện ra chất thơ bay bổng trong một hoàn cảnh gian khổ, khốc liệt, đó là một trong những phương diện thể hiện tài năng thơ ca của Chính Hữu. Câu thơ kết của bài “ Đồng chí ” đã nâng hình ảnh cụ thể, hiện thực của người lính gác đêm giữa nơi “ rừng hoang biên giới ” lên thành một biểu tượng đẹp, thi vị của người lính canh gác đất trời Tổ quốc. “ Đầu súng trăng treo ” là một hình ảnh độc đáo, đầy chất thơ và có ý nghĩa khái quát cao. Vì vậy Chính Hữu đã lấy câu thơ này đặt tên cho cả tập thơ của mình.
Một số bài thơ khác của Chính Hữu có thể xếp là những bài thơ hay của thế kỷ XX: Đường ra mặt trận, Ngọn đèn đứng gác

35-  Hoàng Hữu

 HAI NỬA VẦNG TRĂNG

                             Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
                             Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
trăng vẫn đấy mà em xa quá
nơi cuối trời em có ngắm trăng lên.

Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa vầng trăng mờ tỏ
ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
trăng say đắm dào trên cỏ ướt
trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
em đã khóc
trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
em đã khóc
nhưng làm sao tới được
bến bờ anh tim dội sóng không cùng.

Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…

Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ
Mặt trăng từng khuất nửa ở đời nhau.

Lời bình

Hoàng Hữu là một họa sĩ có tài đồng thời có những bài thơ hay như “ Hai nửa vầng trăng ” - đạt giải B cuộc thi thơ của báo Văn nghệ 1981-1982.
Bài thơ chân thực, sâu lắng và tinh tế:
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa vầng trăng mờ tỏ
ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
( Tác giả nói đến chữ D hoa vì tên thật của anh là Nguyễn Hữu Dũng ).
Trong bài không ít những câu thơ lấp lánh tài hoa:
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
trăng say đắm dào trên cỏ ướt
trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được
trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
em đã khóc
trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
em đã khóc
nhưng làm sao tới được
bến bờ anh tim dội sóng không cùng.
Hoàng Hữu sống nghị lực, dịu hiền, tình nghĩa. Cuộc đời anh tuy ngắn ngủi ( Anh mất năm 1981 khi mới 36 tuổi ) nhưng một số tác phẩm xuất sắc của anh (tranh và thơ nói chung ), bài thơ  “ Hai nửa vầng trăng ” nói riêng vẫn còn trường tồn mãi với thời gian.
36- Tố Hữu
         
VIỆT BẮC

Mình về mình có nhớ ta
                             Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
                                      Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn ?

                             - Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay …
         
- Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
          Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai
                   Mình về rừng núi nhớ ai
          Trám bùi để rụng, măng mai để già,
Mình đi có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son.
Mình về có nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa ?

- Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh,
Mình đi mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu …
         
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
          Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay, ngọt bùi…
Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.
Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.
Nhớ sao lớp học i tờ.
Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan.
Nhớ sao ngày tháng cơ quan
Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo,
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều
Chày đêm nện cối đều đều suối xa…
         
Ta về, mình có nhớ ta,
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng,
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Nhớ khi giặc đến giặc lùng,
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.
Núi giăng thành luỹ sắt dày,
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng.
Ai về ai có nhớ không,
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng.
Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng
Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà.
Những đường Việt Bắc của ta,
Đêm đêm rầm rập như là đất rung.
Quân đi điệp điệp trùng trùng,
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày,
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê,
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Ai về ai có nhớ không ?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng,
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công.
Điều quân chiến dịch thu đông,
Nông dân phát động, giao thông mở đường.
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu.
Ở đâu u ám quân thù
Trông về Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi,
Ở đâu đau đớn giống nòi
Nhìn lên Việt Bắc mà nuôi chí bền,
Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hoà.
Mình vè mình có nhớ ta,
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

- Nước trôi nước có về nguồn
Mây đi mây có cùng non trở về
Mình về ta gửi về quê
Thuyền nâu, trâu mộng với bè nứa mai,
Nâu này nhuộm áo không phai
Cho lòng thêm đậm, cho ai nhớ mình.
Trâu về xanh lại Thái Bình
Nứa mai gài chặt mối tình ngược xuôi.

          - Nước trôi lòng suối chẳng trôi,
Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Chàm nâu thêm đậm, phấn son  chẳng nhoà.
Nứa mai mình gửi quê nhà,
Nước non đâu cũng là ta với mình,
Thái Bình đồng lại tươi xanh,
Phên nhà lại ấm, mái đình lại vui …

- Mình về thành thị xa xôi,
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng,
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng,
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?

- Đường về, đây đó gần thôi,
Hôm nay rời bản về nơi thị thành.
Nhà cao, chẳng khuất non xanh,
Phố đông, càng giục chân nhanh bước đường.
Ngày mai về lại thôn hương.
Rừng xưa núi cũ yêu thương lại về.
Ngày mai rộn rã sơn khê,
Ngược xuôi tàu chạy, bốn bề lưới giăng,
Than Phấn Mễ, thiếc Cao Bằng
Phố phường như nấm, như măng giữa trời.
Mái trường ngói mới đỏ tươi
Chợ vui trăm nẻo về khơi luồng hàng
Muối Thái Bình ngược Hà Giang,
Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh
Ai về mua vại Hương Canh,
Ai lên mình gửi cho anh với nàng,
Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng,
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông.
Áo em thêu chỉ biếc hồng
Mùa xuân ngày hội “ lùng tùng ” thêm tươi
Còn non, còn nước, còn trời,
Bác Hồ thêm khoẻ, cuộc đời càng vui.

- Mình về với Bác đường xuôi,
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu, túi vải, đẹp tươi lạ thường !
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.
Nhớ chân Người bước lên đèo,
Người đi rừng núi trông theo bóng Người…

- Lòng ta ơn Bác đời đời,
Ngược xuôi, đôi mặt một lời song song.
Ngàn năm xưa nước non Hồng,
Còn đây, ơn Bác nối lòng dài lâu.
Ngàn năm non nước mai sau
Đời đời ơn Bác càng sâu càng nồng.

Cầm tay nhau hát vui chung
Hôm sau, mình nhé, hát cùng Thủ đô.

Lời bình:
          Tháng 7- 1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình lập lại ở Đông dương, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Trung ương Đảng và Chính phủ rời căn cứ Việt Bắc để trở về thủ đô Hà Nội. Bài thơ viết vào tháng 10 - 1954 ( tháng quân đội ta vào tiếp quản Hà Nội ), nói lên niềm thương nỗi nhớ, mối ân tình sâu nặng thiết tha đối với Việt Bắc của người cán bộ, chiến sĩ khi từ giã Việt Bắc, cũng là tình cảm mọi người Việt Nam đối với chiến khu Việt Bắc, quê hương cách mạng, căn cứ địa kháng chiến, đồng thời, là tấm lòng nhân dân đối với Bác Hồ, với Đảng.
          Bài thơ viết theo thể lục bát, mượn hình thức đối đáp của đôi trai gái khi chia tay nhau trong ca dao. Bài thơ dài 150 câu này có hai phần lớn:
          Phần trên, 90 câu, là phần chính của bài thơ. Bao trùm là nỗi NHỚ Việt Bắc, nhớ bồn chồn, da diết “ nhớ gì như nhớ người yêu ”. Qua nỗi nhớ tha thiết ấy, thiên nhiên, con người và cuộc sống ở Việt Bắc hiện lên xiết bao thân thương, trìu mến. Nỗi nhớ niềm thương cứ tuôn chảy, dâng trào theo dòng hồi tưởng. Nhớ gì, nhớ sao, nhớ từng, nhớ những, nhớ khi, nhớ từ …, những từ ấy lặp đi lặp lại xoáy sâu da diết. Nhớ thương tha thiết vì tình sâu nghĩa nặng, vì sắt son chung thuỷ. Là tình cảm nhưng cũng chính là đạo lí, đạo lí truyền thống của dân tộc và cũng là đạo lý cách mạng.
Núi nhớ rừng Việt Bắc nên thơ, tình nghĩa đậm đà ấy cũng là núi rừng cùng con người chiến đấu kiên cường bất khuất (Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây… ). Đoạn thơ 12 câu từ  “ Những đường Việt Bắc của ta “ … trở xuống, dạt dào hơi thở anh hùng ca, vừa có những chi tiết chân thật vừa bay bổng, hào hùng. Đoạn viết về: “ Trung ương chính phủ luận bàn việc công ” trong hang núi cũng rất đặc sắc: giản dị, trang nghiêm mà lung linh, ngời sáng.
Phần thứ hai, 60 câu còn lại, khẳng định mạnh mẽ sự gắn bó sắt son, thuỷ chung giữa người đi kẻ ở, cách mặt xa lòng; cũng là sự gắn bó miền xuôi với miền ngược, nhân dân với Đảng, với Bác Hồ; đồng thời phác ra viễn cảnh sáng tươi của đất nước xây dựng ngày mai.
Đoạn 8 câu thơ viết về Bác Hồ là một trong những đoạn hay nhất của bài thơ. Chỉ mấy nét đơn sơ, tự nhiên nhưng là những nét “ thần bút “ mà nói như Xuân Diệu, đây là “ một bức danh hoạ, Bác hiện lên giản dị, bình thường ( áo nâu túi vải ) và rất mực ung dung, linh hoạt. Hình ảnh Bác Hồ hoà hợp tuyệt vời với thiên nhiên song vẫn nổi bật lên “ là trung tâm, là ánh sáng, là linh hồn của bức tranh ” ( Hoài Thanh ); suối, đèo, rừng núi sống động và trở nên có hồn khi Bác xuất hiện. Người đi rừng núi trông theo bóng Người, câu thơ thật bâng khuâng, thể hiện nỗi lưu luyến không dứt của đồng bào Việt Bắc đối với Bác.
Việt Bắc là một trong những bài thơ hay nhất, tiêu biểu nhất của thơ ca Tố Hữu. Đặc điểm nghệ thuật nổi bật của bài thơ là tính chất dân tộc đậm đà. Bài thơ vận dụng nhuần nhuyễn và sáng tạo hình thức ca dao trữ tình, dùng cả cách diễn đạt rất xưa để diễn đạt một nội dung mới mẻ mà thật thấm thía. Hình tượng thơ chọn lọc, chân thật mà gợi cảm khôn cùng. Lời thơ, nhạc thơ trong sáng, điêu luyện, hàng trăm câu thơ lục bát liền mạch nhưng không đơn điệu, khi sâu lắng bùi ngùi, khi tưng bừng rộn rã, khi sảng khoái, hào hùng. Các biện pháp tu từ trong bài ( điệp ngữ, ẩn dụ, nhân hoá, tượng trưng ) được sử dụng rộng rãi, tự nhiên mà rất “ đắt ” đầy sáng tạo. Việt Bắc thuộc những bài thơ đạt tới cái trong sáng cổ điển mới của thơ sau cách mạng.
Cùng với “ Việt Bắc ”, thơ Tố Hữu còn có những bài thơ khác có thể xếp trong những bài thơ hay thế kỷ XX như: Tiếng hát sông Hương, Bà má Hậu Giang, Quê mẹ, Em ơi … Ba Lan …, Bài ca mùa xuân 1961, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt, Bác ơi ! …







                                                BÁC ƠI !

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời không mưa…
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa!

Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn !

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài !
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi
Năm canh bớt nặng nỗi thương đời
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau
Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu
Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ
Cho hôm nay và cho mai sau…

Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha
Bác nghe từng bước trên tiền tuyến
Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa.


Bác vui như ánh buổi bình minh
Vui mỗi mầm non, trái chín cành
Vui tiếng chim ca hoà bốn biển
Nâng niu tất cả chỉ quên mình.

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

   *

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều
Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu
Ra đi, Bác dặn: “ Còn non nước... ”
Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều.

Bác đã lên đường theo tổ tiên
Mác - Lê-nin, thế giới Người hiền
Ánh hào quang đỏ thêm sông núi
Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn
Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.
                                                         
6-9-1969

Lời bình:
           Ngày 2 tháng 9 năm 1969 Bác Hồ kính yêu từ trần. Tang lễ Bác là một sự kiện lớn lao của đời sống dân tộc. Ngày 6-9-1969, nhà thơ Tố Hữu viết xong bài thơ để khóc Bác. Thời gian này có hàng trăm bài thơ của các nhà thơ trong nước và thế giới viết về Bác, trong đó “ Bác ơi ! ”của Tố Hữu là một trong những bài thơ hay nhất, giàu cảm xúc nhất.
          Trong một hoàn cảnh đầy xúc động, trong tâm trạng thổn thức nghẹn ngào, nhà thơ bày tỏ tấm lòng thương tiếc lớn, sâu xa đối với Bác Hồ, một trái tim vĩ đại đã ngừng đập, một nhân cách tuyệt vời không còn nữa. Đó cũng là tình cảm chung của đông đảo quần chúng nhân dân.
          Trong từng câu viết về Bác Hồ đều giản dị, hàm súc, không khoa trương, rất phù hợp với cuộc đời, phong cách sống của Bác.
Nhà thơ có ý thức đưa ra những khái quát thật cao, thật sâu về bản chất con người Bác: Bác là hiện thân của cái lớn lao, cao cả, cái tự nhiên của đất trời ( “ Bác sống như trời đất của ta ”, “ Ôm non sông mọi kiếp người ”… ), Bác là kết tinh tâm hồn dân tộc, lấy nét thương đời làm chủ đạo ( “ Nỗi đau dân nước nỗi năm châu ”, “ Lo muôn mối ” , “ Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa ” … )
Hai khổ thơ cuối cùng, giọng thơ có bình tĩnh hơn, tác giả khẳng định sự bất tử của Bác Hồ và tin tưởng ở đà “ vươn tới mãi ” của dân tộc trên con đường cách mạng Bác đã mở ra.
Bài thơ “ Bác ơi ! ” của Tố Hữu sáng tác trong không khí những ngày tang lễ như một tiếng khóc tiễn biệt, như một “ điếu văn bi hùng ” bằng thơ.  “Bác ơi! ” đã được nhà thơ Tố Hữu chọn là bài thơ yêu thích nhất của mình.
         

37- Nông Thị Ngọc Hoà
         
LỜI CỦA LÁ

Ta như một chiếc lá xanh
          Nhỏ nhoi giữa nhánh, giữa cành của cây
Đung đưa ngọn gió hao gầy
Chập chừng lay… chập chừng lay… chập chừng…

Khôn ngoan vay trả người dưng
Dở hơi sòng phẳng nợ nần bà con
Đất vuông ganh tỵ trời tròn
Mà nghe đây đó vẫn còn bể dâu
Chỉ nhìn một khúc sông sâu
Làm sao biết được ở đâu cội nguồn

Mơ màng những chuyện thiệt hơn
          Nổi nênh tăm cá, chập chờn chim bay
Rủi thì ở giữa lòng tay
Biết đâu vớt được chút may của rừng.

Lời bình:
Nông Thị Ngọc Hoà là nữ thi sĩ có tên tuổi trên văn đàn với một số bài thơ hay, độc đáo để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Là người con dân tộc Tày, quê ở Yên Thịnh, Chợ Đồn, Bắc Cạn nhưng chị nhiều năm gắn bó với mảnh đất trung du Phú Thọ, với Trường dự bị Đại học dân tộc TW. Từ năm 1998 đến năm 2004, chị đã cho ra đời 5 tập thơ, được một số giải thưởng về thơ và có thơ in chung trong nhiều tuyển tập thơ của Trung ương.
          “Lời của lá” là một bài thơ hay, thể hiện được phong cách riêng của thơ Nông Thị Ngọc Hoà
          Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát, gồm 3 khổ, 14 câu thơ. Với ngôn từ giản dị và hình ảnh “chiếc lá xanh” thân thuộc của núi rừng, 4 câu thơ đầu đã thể hiện sự khiêm nhường và những tình cảm sâu lắng của tác giả với quê hương, với cuộc đời:
                             Ta như một chiếc lá xanh
                             Nhỏ nhoi giữa nhánh, giữa cành của cây
                             Đung đưa ngọn gió hao gầy
                             Chập chừng lay…chập chừng lay…chập chừng…
          Những từ tượng hình “nhỏ nhoi”, “hao gầy” thật gợi tả và điệp ngữ “chập chừng lay” đã tăng thêm cảm xúc, nỗi niềm và sức gợi của câu thơ.
          Nếu như 4 câu thơ đầu là những câu thơ giàu cảm xúc trữ tình thì 6 câu thơ giữa là những triết luận về cuộc đời, những băn khoăn trăn trở về nhân tình thế thái:
Khôn ngoan vay trả người dưng
                             Dở hơi sòng phẳng nợ nần bà con
                             Đất vuông ganh tỵ trời tròn
                             Mà nghe đây đó vẫn còn bể dâu
          Những câu thơ đậm chất triết lý, trí tuệ. Nếu có một chút băn khoăn thì đó là sự gieo vần “ dưng - nần” có phần khập khiễng trong thơ lục bát.
          Hai câu thơ cuối của khổ thơ thứ hai cũng là hai câu triết luận nhưng không khô cứng mà giàu cảm xúc đối với cội nguồn – quê hương:
                             Chỉ nhìn một khúc sông sâu
                             Làm sao biết được ở đâu cội nguồn.
          Bốn câu thơ cuối có vẻ ngu ngơ, mộng mị, chông chênh nhưng lại rất thật đã làm nên cái hay, cái độc đáo của bài thơ:
                             Mơ màng những chuyện thiệt hơn
                             Nổi nênh tăm cá, chập chờn chim bay
Rủi thì ở giữa lòng tay
Biết đâu vớt được chút may của rừng.
          Bài thơ kết thúc gợi bao điều về cuộc đời, danh phận, về thiệt - hơn, về rủi -may, khổ đau - hạnh phúc… Nhân vật trữ tình vững vàng vượt qua mọi chìm nổi, rủi ro của cuộc đời nhờ có điểm tựa, niềm hy vọng ở rừng núi -  quê hương.
          Với ngôn từ dung dị và sâu lắng, giàu tâm trạng với quê hương, với những triết luận về cuộc đời, những trăn trở về nhân tình thế thái… “Lời của lá” là bài thơ hay đã “gửi gắm được những nỗi niềm, tâm trạng với quê hương từ trong sâu thẳm tâm hồn” của nhà thơ Nông Thị Ngọc Hoà, đúng như lời tâm sự của chị:
          “ Tôi chỉ viết những gì lòng mình muốn; mong có thể phản ánh được chân thực cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôi – Như chiếc lá rừng, đã góp thêm vào giai điệu của đại ngàn, để mai sau khi lìa cành biết mình không vô nghĩa”
          Tên của bài thơ này được lấy làm tên một tập thơ của Nông Thị Ngọc Hoà: “Lời của lá” – NXB Văn hoá Dân tộc, 2000, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.


38- Hoàng Thị Minh Khanh
                            
NHỚ

Tiễn chân anh đi xa
em không buồn nhưng cũng nhớ
mỗi cánh chim bay qua cửa sổ
em ước mình được vỗ cánh bay theo…

Anh đã đi trăm suối vạn đèo
bằng đôi chân chai rạn
bằng đôi chân đã cùng anh ra trận
góp phần giải phóng quê ta.

Chín năm dài kháng chiến
Việt Bắc anh qua - Mường La anh đến
ăn quả sim rừng - uống nước trăm khe
đời có gian lao nhưng lòng vẫn tràn trề
mang niềm vui câu hát.

Đâu có giặc là đoàn quân tiến bước
lội suối băng ngàn vượt thác nề chi
chín năm trời anh đã mang đi
cả tình em - xóm nhỏ.

Cho đến hôm nay trời ta giăng lửa đỏ
đất ta dựng chiến hào
ta đi vào trận đánh Mỹ gian lao
xích lại gần hai miền chia cắt.

Trái tim ta đau nỗi đau mất nước
anh ơi anh - khi Tổ quốc yêu cầu
Ta sẵn sàng lại gửi nhớ thương nhau
Theo bước hành quân kháng chiến.

Phút chia tay - em nhìn anh xao xuyến
dù không nói được một lời
em vẫn thấy mình kiêu hãnh
vì tình ta lắm lắm anh ơi !

Ôi - đôi mắt xanh đằm thắm
Ôi - vầng trán rộng cao cao
Ôi - mái tóc từng gội mưa dãi nắng
theo gió bay bay trên khắp nẻo chiến hào.

Dù anh đi đâu đến đâu
dù ta xa nhau biết mấy
em vẫn tin anh như từng tin Đảng vậy
trong gian lao anh có mặt hàng đầu.

Em nhớ anh không chỉ trong giấc ngủ
em nhớ anh không chỉ lúc dạo chơi
Em nhớ anh không chỉ đêm trăng tỏ
Em nhớ anh không chỉ lúc mưa rơi.
Mà em đã nhớ anh
cả những lúc soi gương chải tóc
cả những lúc công tác bộn bề
cả những lúc nghe đàn em trẻ học
hay tiếng chim trời ríu rít bay đi …

Ôi cái nhớ sao mà kỳ diệu
Ôi cái thương sao khéo mặn mà
có phải lúc xa nhau mới hiểu
hết lòng người trong những phút giây qua.
                                                         
Hà Nội 1965
Lời bình:
         Bài thơ chân thực, sâu lắng. Đoạn kết của bài mang tính khái quát và triết lý:
“ Ôi cái nhớ sao mà kỳ diệu
Ôi cái thương sao khéo mặn mà
có phải lúc xa nhau mới hiểu
hết lòng người trong những phút giây qua “.

39- Trần Đăng Khoa
         
 HẠT GẠO LÀNG TA

                                      Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi hôm nay.

Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Hạt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…

Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút lên mái nhà
Những năm khẩu súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông…

Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cào rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất…

Hạt gạo làng ta
Gửi ta tiền tuyến
Gửi về phương xa…
Em vui em hát
Hạt gạo làng ta.

Lời bình:
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại: “ Tôi viết bài thơ Hạt gạo làng ta vào năm 1969. Khi đó tôi 11 tuổi, đang học lớp 5 trường làng. Bài thơ ra đời đã lâu, lại viết trong những năm chiến tranh khốc liệt. Bây giờ đọc lại nó trong hoà bình, ở một thời điểm khác, một bầu không khí khác, liệu nó có còn đủ sức làm rung động trái tim độc giả hôm nay hay không ? ’’
Xin thưa, đến hôm nay và mai sau, bài thơ vẫn đủ sức làm rung động trái tim độc giả, bài thơ vẫn trường tồn mãi với thời gian .
Những câu thơ mở đầu thật trong sáng, tình cảm, sâu sắc:
                                      Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay.
Người biên tập đã sửa lại thành “ Ngọt bùi hôm nay ”. Ngọt bùi đắng cay hay hơn, sâu sắc, ý nghĩa hơn Ngọt bùi hôm nay vì “ Ở mỗi hạt gạo có bao mồ hôi, nắng mưa, sương gió, bão giông, bom đạn và cả nỗi đắng cay nữa ”. Ta lại nhớ đến câu ca dao cổ sâu sắc:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần ”.
Theo tôi, đoạn thơ hay nhất, xúc động nhất trong bài là đoạn :
“ Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Hạt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy… ”
Những vất vả, nhọc nhằn của người mẹ được hiện lên sinh động qua những câu thơ giản dị, xúc động, ấm áp nghĩa tình .
Một số bài thơ khác của Trần Đăng Khoa cũng là những bài thơ hay của thế kỷ XX: Mưa, Mẹ ốm, Sao không về Vàng ơi !, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn

40- Yến Lan

                                      BẾN MY LĂNG

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn run người ra tiếng địch
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng sao
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh
Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng.
Chiều ngun ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách.
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.
Lời bình:
Nhận định về thơ Yến Lan trước Cách mạng tháng Tám, nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “ Xem thơ Yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng thấy hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những dòng sông, và nhất là cái vừng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình Định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì  không ”.
   ( Thi nhân Việt Nam - NXB Văn học, Hà Nội - 1988, tr 155 )
Bến My Lăng ” thì khác, bài thơ có “ cái không khí là lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích ”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề tài: Thế giới nghệ thuật đồng dao

MẪU THƯ GIỚI THIỆU ĐI HỌC NGHIÊN CỨU SINH!

Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học Địa lý THCS ở miền núi.