Philippines lên kế hoạch đối phó Trung Quốc
Philippines lên một “kế hoạch khẩn cấp” trong lúc 18
tàu của Trung Quốc hiện diện tại vùng lãnh hải tranh chấp giữa hai nước
trên biển Đông.
Đã xảy ra nhiều va chạm giữa Trung Quốc và Philippines trên biển Đông - Ảnh: maritimesecurity.asia
Báo Philippine Star ngày 13-6 dẫn lời ông Vicente Agdamag, phó tổng giám đốc Văn phòng Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), cho hay: “Hiện có 18 tàu thăm dò biển đang hoạt động ở vùng lãnh hải của chúng ta”.
Phát biểu trong hội nghị của không quân Philippines tại thành phố Pasay, ông Agdamag không nói rõ cụ thể loại tàu nào của Trung Quốc đang ở trong vùng lãnh hải tranh chấp, nhưng nhắc lại hàng loạt sự kiện mà ông cho rằng đã phản ánh “hành vi khiêu khích” của Trung Quốc ở biển Đông.
Những hành vi này bao gồm việc Trung Quốc áp đặt một “đặc khu biển” ở rặng san hô Panatag (Scarborough), mà theo ông Agdamag, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines: "Rặng san hô này cách điểm gần nhất so với đất liền Philippines ở tỉnh Zambales chỉ 124 hải lý".
“Mới đây, chúng tôi nhận được các báo cáo rằng những tàu tuần tra biển của họ áp đặt một lệnh cấm đánh cá trong phạm vi 24km ở khu vực này. Họ cũng áp đặt một đặc khu biển bao gồm rặng san hô Panatag”, ông Agdamag nói.
Hàng loạt sự cố trên biển xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines vài năm gần đây. Ngày 10-4-2012, các tàu hải giám từ Bắc Kinh đã ngăn cản hải quân Philippines bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đánh bắt các loài được bảo vệ. Một tàu tuần tra của Trung Quốc tiến hành các hoạt động thăm dò chỉ cách Palawan 85 hải lý vào tháng 3-2011.
Một tàu chiến của Trung Quốc neo ở rặng san hô Hasahasa, cách Rizal, Palawan 60 hải lý ngày 11-7-2012. Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa vào năm ngoái. Trung Quốc tuyên bố tháng 11-2012 rằng cảnh sát biển ở tỉnh Hải Nam sẽ lên các tàu nước ngoài ở vùng biển tranh chấp…
Ông Agdamag nói chính vì vậy mà Philippines phải lên "kế hoạch khẩn cấp" tăng cường chi tiêu quốc phòng để đảm bảo năng lực tối thiểu trên biển, đồng thời “để chắc chắn rằng những lực lượng khiêu khích sẽ phải đối mặt với rủi ro mà họ không thể chấp nhận”. Ông đề nghị tăng ngân sách quốc phòng hiện từ 0,5% lên 1% GDP.
“Chúng tôi đề xuất tăng thêm 0,5% lên mức 1% tương đương với các nước láng giềng và quan trọng hơn là phát triển năng lực phòng thủ đáng tin cậy để bảo vệ vùng biển và các lợi ích chiến lược của chúng ta - ông Agdamag nói - Chúng ta cần tăng cường quan hệ đồng minh về an ninh với các nước đồng minh và láng giềng, nhất là với Mỹ”.
Theo HẢI MINH (TTO)
Nhận xét
Đăng nhận xét